Doanh nghiệp thủy sản hưởng lợi từ xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nằm trong nhóm hưởng lợi khi kinh tế toàn cầu hồi phục hậu Covid-19, nhu cầu thủy sản tăng cao, không ít doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Cơ hội xuất khẩu thủy sản đang rộng mở, nhất là mặt hàng cá tra và tôm. Cơ hội xuất khẩu thủy sản đang rộng mở, nhất là mặt hàng cá tra và tôm.

Cơ hội rộng mở

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước ước đạt 4,5 tỷ USD (trong đó, tôm và cá tra đạt khoảng 2,8 tỷ USD), tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 50% kế hoạch cả năm (8,9 tỷ USD).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ đà tăng trưởng xuất khẩu, trong đó có thuỷ sản, nhất là cá tra khi nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đang bị gián đoạn.

Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng/đơn hàng cung cấp sản phẩm cá tra đến hết năm 2022. Các đơn hàng tăng mạnh khi nhiều thị trường chuyển đơn mua từ cá thịt trắng sang cá tra. Bên cạnh các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU tăng mua, cá tra còn được mở rộng xuất khẩu sang Mexico, Ai Cập, Thái Lan.

Xuất khẩu thuỷ sản là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô, kim ngạch năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu 8,9 tỷ USD, đạt 9,5 - 10 tỷ USD.

Việc các doanh nghiệp thủy sản tích cực giải bài toán giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp sản phẩm ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường khó tính, đồng thời có mức giá cao hơn. Đơn cử, với mặt hàng cá tra, cả sản lượng và giá đều có xu hướng tăng, giá xuất khẩu sang Mỹ gần đây đạt 4,5 USD/kg, cao nhất trong 3 năm qua.

Giới phân tích dự báo, với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu như hiện nay, xuất khẩu thuỷ sản cả năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, cá tra có khả năng đóng góp 2,4 - 2,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức hơn 1,6 tỷ USD năm 2021.

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Nhu cầu cá tra trên thế giới tăng cao trong bối cảnh thiếu nguồn cung đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Công ty này đạt hơn 4.920 tỷ đồng doanh thu, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo VHC, khách hàng tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu có sức tiêu thụ tốt. Công ty đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm nay từ 1.500 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, mục tiêu doanh thu là 13.000 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 45% và hơn 43% so với năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đạt doanh thu 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng 4 tháng đầu năm 2022, hoàn thành 45% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Giá tăng là yếu tố chính giúp biên lợi nhuận được cải thiện từ 19% lên 32%. Năm nay, ANV đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 377% so với năm ngoái.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) lãi 199 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2022, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Với Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (MPC), doanh nghiệp có mặt hàng chính là tôm cũng thuận lợi trong xuất khẩu, mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc. Tính riêng quý I/2022, MPC đạt doanh thu 4.239 tỷ đồng, tăng 51%, lợi nhuận sau thuế hơn 91 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2021. Mục tiêu cả năm 2022 của MPC là đạt doanh thu 21.018 tỷ đồng, tăng 55%, lợi nhuận sau thuế gần 1.287 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021.

Chuẩn bị nguồn lực để bứt phá

Không ít doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản đã lên kế hoạch tăng năng suất, đồng thời đẩy mạnh tuyển dụng nhân công để tập trung sản xuất, đáp ứng nhu cầu đơn hàng gia tăng.

Lãnh đạo ANV chia sẻ, các đơn hàng đi Mỹ sẽ bắt đầu xuất đi từ tháng 8/2022 nên Công ty cần tăng công suất và tập trung nguyên liệu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về đơn hàng.

VHC cho hay, năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng vùng nuôi, cải tạo gia tăng công suất tại các nhà máy.

Trong khi đó, MPC đang lên kế hoạch khởi công và đẩy nhanh xây dựng chuỗi dự án nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phú tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau). Quy mô chuỗi gồm 4 dự án là nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phát, nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Quí, nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phú, nhà máy bao bì Quang Minh.

Đáng chú ý, IDI cho biết, Công ty có hai nhà máy chế biến thuỷ sản đang hoạt động hết công suất, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, Công ty đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản số 3 với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày và kho lạnh số 4 với sức chứa hơn 10.000 tấn thành phẩm. Năm nay, IDI đặt kế hoạch đạt doanh thu 8.300 tỷ đồng, tăng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, gấp 6,3 lần năm 2021.

Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) đánh giá, kinh tế Việt Nam nói riêng, nhiều nước trên thế giới nói chung đang phục hồi tốt. Nhờ đó, hoạt động nuôi tôm, chế biến và xuất khẩu tôm của FMC gặp thuận lợi. Quý II/2022, lợi nhuận của Công ty có khả năng tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái (82 tỷ đồng).

Được biết, quý I/2022, FMC đạt 1.328 tỷ đồng doanh thu, tăng 37%, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 41 tỷ đồng, tăng 36,6% so với quý I/2021.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu thuỷ sản trên thế giới dự kiến tiếp tục tăng sau một thời gian dài bị dồn nén bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường Mỹ và EU. Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp có khả năng đạt được, dù trong thời gian tới có thể đối mặt với những thách thức như sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu, giá cước tàu cùng các chi phí đầu vào gia tăng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục