Doanh nghiệp thích ứng với xu hướng nhân sự trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gen Z (những người sinh từ năm 2000 trở đi) hay Millennium (sinh từ năm 1980 trở đi) đang chiếm tỷ lệ chi phối về nhân sự ở các doanh nghiệp. Nếu không có sự thích ứng, doanh nghiệp sẽ khó khai thác hiệu quả nguồn nhân lực này.
Người lao động Gen Z rất quan tâm đến việc cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Người lao động Gen Z rất quan tâm đến việc cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân.

Hiểu đặc điểm nhân sự để chủ động

Theo bà Phạm Thị Thu Thảo, Giám đốc Bộ phận Quản lý nhân tài, đào tạo và phát triển tổ chức, Công ty cổ phần VNG, công nghệ ngày càng phát triển thì kiến thức chuyên môn của nhân sự trong lĩnh vực này cũng thay đổi theo.

“Nhiều bạn trẻ đến từ các trường đại học đã không theo kịp yêu cầu của công việc, nên người lao động cần có kỹ năng tự trang bị, cởi mở, dám bỏ đi những thứ đã biết để học hỏi cái mới”, bà Thảo nói.

Bản thân VNG cũng gặp thách thức trong quản trị sự thay đổi và quản trị những điều mơ hồ. Công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, vì thế, theo bà Thảo, kỹ năng xử lý vấn đề là vô cùng quan trọng, kỹ năng ấy cũng không bao giờ cũ với bất cứ nhân sự nào, vì khi có nhiều quá vấn đề không biết thì tư duy ấy giúp mọi người thích ứng được.

VNG rất coi trọng việc rèn luyện tính kiên trì, không bỏ cuộc của nhân sự. Đặc tính của Gen Z là chóng chán, trong khi lực lượng lao động tại Công ty hiện chủ yếu thuộc thế hệ Gen Z và Millnennium. VNG vốn là môi trường trẻ và năng động nhưng tính kiên trì vẫn là kỹ năng cần thiết, “bởi kỹ thuật công nghệ hiện nay khó nói trước ngày mai sẽ là cái gì, cái gì mới nên doanh nghiệp cần trang bị cho họ cái mới, chấp nhận cái mới, chứ không phải hoảng loạn và bỏ chạy”.

Cách học của người trẻ cũng khác, công nghệ kiến thức kỹ năng cũng khác, vì thế, VNG cũng thay đổi nội dung đào tạo cũng như cách truyền tải tới nhân viên. Ở VNG, các nhân viên mới được đào tạo qua các dự án thực tế, mỗi dự án đều có người tư vấn (mentor). Ngoài ra, Công ty cũng không thiết kế chương trình học cứng cho nhân viên, mà đưa ra các “thực đơn” để họ lựa chọn, sao cho phù hợp với năng lực, chuyên môn và mối quan tâm của họ.

“Mỗi người có nhu cầu, có gu của họ. Một lập trình viên khác với nhân viên thiết kế game nên doanh nghiệp không đi theo một hướng hay phương pháp duy nhất để đào tạo mà đi theo phương pháp khác nhau, từ đó hình thành kỹ năng học tập, tư duy chia sẻ”, bà Thảo cho biết.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc điều hành Cyberkid Việt Nam chia sẻ “bí quyết” khác về quản trị nhân sự khi Công ty có 100% nhân sự thuộc Gen Z. Theo đó, Gen Z rất quan tâm đến việc cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bởi thế, doanh nghiệp chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động để tạo động lực làm việc cho nhân viên, cung cấp cho họ những kỹ năng chăm sóc bản thân tốt hơn, khi gặp vấn đề thì tìm đến ai để san sẻ.

Ngay một ngành tưởng chừng “bảo thủ” như kiểm toán, theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, cũng có những thay đổi lớn trong quản trị nhân sự.

Gen Z có nhu cầu rất khác với Gen X, nhân viên phải yêu thích công việc mới gắn bó, vì thế, cách quản trị truyền thống không phù hợp.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân. Tổng giám đốc PwC Việt Nam

“Nếu như hơn 10 năm trước, kiểm toán là ngành hấp dẫn thì nay ngành này giảm độ nóng. Bởi trên thị trường có nhiều cơ hội khác, có nhiều loại hình công việc. Gen Z có nhu cầu rất khác với gen X, nhân viên phải yêu thích công việc mới gắn bó, vì thế, cách quản trị truyền thống không phù hợp. Bản thân công việc kiểm toán tuân theo chuẩn mực nên khó linh hoạt được như công ty công nghệ, nhưng vẫn có thể thiết kế lại công việc cho nhân viên có cơ hội học hỏi kỹ năng khác”, bà Vân chia sẻ.

Theo lãnh đạo PwC, không phải người lao động, mà chính doanh nghiệp phải thích ứng với xu hướng mới trên thị trường lao động, liên tục tìm cơ hội đổi mới, tạo hứng thú cho nhân viên. Song cùng với đó, PwC cũng phải chấp nhận việc nhân viên đến và đi liên tục, cơ cấu lại nguồn lực, cách thức tổ chức để những biến động về nhân sự không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Công ty.

Được biết, bộ phận kiểm toán ở PwC có 600 nhân viên, hàng năm đều tuyển mới 200 người, tốc độ thay đổi là rất lớn, đặc biệt là nhân sự thuộc thế hệ Gen Z.

Công nghệ ngày càng hiện diện

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, công nghệ sẽ len lỏi vào những ngành truyền thống nhất, kể cả kế toán, kiểm toán.

“Khi xuất hiện thế hệ nhân sự chăm chỉ, làm việc ngoài giờ không sai sót, không đòi tăng lương (sử dụng trí tuệ nhân tạo), anh em mình có thể bị thay thế bởi những nhân viên này”, câu nói vui của ông Chính không chỉ cho thấy nguy cơ người lao động bị đào thải khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mà còn cho thấy sự thiếu hụt nhân sự có cả kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng công nghệ mà ngành kế toán, kiểm toán phải đối mặt.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang phải chuẩn bị cho việc triển khai chuẩn mực kế báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nên cần các nhân sự am hiểu các thuật toán, các phần mềm kế toán hiện đại là điều hiển nhiên.

“Thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, đã có nhiều ý kiến về việc cho phép flycam trong kiểm kê hàng hóa, nhưng muốn vậy, kiểm toán viên cũng phải biết sử dụng kỹ thuật flycam. Do nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm thực hành IFRS, nên hiện có nhiều ý kiến cho rằng cần kéo dài lộ trình thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh hơn”, ông Chính kể.

Trong khi đó, bà Thảo cho biết, trong ngành công nghệ, yêu cầu thay đổi nhanh với những ví dụ về cái giá của sự không thay đổi rất rõ ràng, chẳng hạn câu chuyện của Nokia…

Từ câu chuyện của tổ chức biến thành động lực của họ, cũng là sự thách thức nên VNG chọn cách tiếp cận với từng cá nhân.

Trước hết là tuyển chọn đúng người, những người gia nhập đội ngũ phải có tư duy mới, muốn tìm tòi học hỏi, chấp nhận sự thay đổi. Công ty cũng thường xuyên có buổi chia sẻ riêng của lãnh đạo về thay đổi trực tiếp với các đội, nhóm, tức là bẻ nhỏ diện trao đổi.

Có những thị trường mới, lĩnh vực mới, các nhân sự trẻ được khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới, không áp KPI với họ, bởi nếu áp KPI, họ sẽ sợ thất bại và chọn phương án an toàn, không dám đương đầu với thử thách.

Một cách triển khai khác ở VNG là sử dụng hạt nhân, Công ty có 5.000 nhân viên nhưng không phải nhóm nào, cấp bậc nào cũng phải thay đổi liên tục, mà sẽ có những nhóm quan trọng, họ tiên phong chấp nhận sự thay đổi, từ câu chuyện của họ được chia sẻ ra cả tổ chức.

“Khi mình nói chuyện thay đổi, còn phải coi họ có kỹ năng đó chưa, chưa có thì phải đào tạo để cập nhật và biết phương pháp. Khi nói về sự thay đổi thì phải dài hơi, có những thách thức, khiến mình cần trao đổi liên tục trong tổ chức, dần dần nhân sự được ảnh hưởng để thay đổi. Khi họ có động lực sẽ có can đảm để thay đổi các kỹ năng cần cho tương lai”, bà Thảo chia sẻ.

Mai Hương - PwC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục