Doanh nghiệp thép quy mô nhỏ sáng lợi nhuận

(ĐTCK) Quý I/2016, ngành thép lao đao khi thép ngoại giá rẻ, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, quý II/2016, không chỉ các doanh nghiệp thép lớn có kết quả kinh doanh khả quan, mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.
Ảnh Internet Ảnh Internet

DNS: lợi nhuận quý II gấp 7 lần quý I

CTCP Thép Đà Nẵng (DNS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 với doanh thu đạt 287 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14,3 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, DNS lãi ròng hơn 16 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 17,3 tỷ đồng).

Ông Lê Văn Quang, Phó tổng giám đốc DNS cho biết, trong năm 2015, DNS đã mua được lượng lớn nguyên liệu đầu vào với giá rẻ, do vậy khi giá thép tăng trở lại trong tháng 3 và tháng 4 nhờ hiệu ứng từ việc Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 22/3, Công ty đạt lợi nhuận quý II/2016 ở mức cao. Nếu giá thép được giữ ổn định và/hoặc tăng lên, DNS sẽ có kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm bởi lượng nguyên liệu đầu vào lớn chưa được sử dụng hết.

Hiện tại, DNS chuyên sản xuất kinh doanh các loại phôi thép, thép xây dựng, thực hiện các hợp đồng bán phôi thép cho các công ty sản xuất thép trong nước, đồng thời xuất khẩu cho một số đối tác tại Philippines. 

TDS và VCA: lợi nhuận đều tăng

Tại một số doanh nghiệp thép quy mô nhỏ khác, lợi nhuận quý II/2016 tăng không nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng mạnh so với quý I đầu năm. Chẳng hạn, CTCP Thép Thủ Đức (TDS) đạt doanh thu thuần 368,3 tỷ đồng và lãi sau thuế 16,2 tỷ đồng trong quý II/2016, tăng 1 tỷ đồng so với quý II/2015. Hay CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (VCA), doanh thu quý II/2016 đạt 305 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, tăng hơn 500 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TDS và VCA cùng đạt lợi nhuận hơn 22 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước trên dưới 10%.

Khó khăn vẫn rình rập

Tổng công Ty Thép Việt Nam (TVN) đánh giá, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu trong khoảng thời gian từ ngày 22/3 đến ngày 7/10/2016 của Bộ Công thương và diễn biến tăng giá thép và nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giúp thị trường thép nội địa có diễn biến khả quan, các nhà máy đều đẩy mạnh sản xuất, các đơn vị luyện thép tận dụng cơ hội áp thuế khiến lượng phôi nhập khẩu suy giảm để đẩy mạnh tiêu thụ, tăng giá bán.

Giá các mặt hàng thép trên thị trường thế giới phục hồi mạnh vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, nhiều nhà máy Trung Quốc tái khởi động và mở rộng sản xuất thép khiến nguồn cung dư thừa. Sau đó, giá thép liên tục giảm trong tháng 6, nhu cầu trong nước chậm lại do bước vào mùa mưa. Trong khi đó, nguồn cung thép xây dựng khá dồi dào, các nhà sản xuất buộc phải giảm giá, tăng chiết khấu để giữ thị phần, nhưng lượng bán hàng của các đơn vị ở mức thấp.

Ngày 18/7 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thời hạn đến năm 2020. Theo đó, mức thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép được giữ nguyên trong vòng 1 năm ở 23,3% và giảm từ 1 - 2%/năm, về 0% trong tháng 3/2020. Trong khi đó, mức thuế tự vệ đối với thép dài từ 14,2% tăng lên 15,4% từ ngày 1/8/2016.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, những doanh nghiệp thép xây dựng nhỏ, công nghệ chưa cao, phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phôi thép bị đánh thuế cao hơn.

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục