Doanh nghiệp thép niêm yết gặt hái lợi nhuận đột biến

(ĐTCK) Con sóng giá thép nguyên liệu trong nửa đầu năm nay đã giúp các doanh nghiệp thép niêm yết gặt hái khoản lợi nhuận đột biến.
Giá thép tăng trong nửa đầu năm nay đã giúp doanh nghiệp thép trong nước cải thiện mạnh lợi nhuận Giá thép tăng trong nửa đầu năm nay đã giúp doanh nghiệp thép trong nước cải thiện mạnh lợi nhuận

CTCP Thép Tiến Lên (TLH) cuối tuần qua đã công bố lợi nhuận sau thuế quý II với mức 155 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận 6 tháng lên 260 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH cho biết, triển vọng kinh doanh của Công ty trong các tháng cuối năm rất sáng, vì giá thép sau khi giảm mạnh vào đầu tháng 6 đã tăng trở lại và hiện nay đang duy trì ở mức ổn định.

“Tuy nhiên, dù trong tình huống xấu nhất, TLH cũng sẽ không bị lỗ như năm ngoái. Kế hoạch 300 tỷ đồng lợi nhuận năm nay chỉ còn 50 tỷ đồng là đạt được. Nếu kết quả kinh doanh quý III tiếp tục khả quan, Công ty sẽ xem xét tạm ứng cổ tức cho cổ đông”, ông Hà nói. Được biết, TLH hiện còn lượng hàng tồn kho với giá vốn thấp.

CTCP SMC (SMC) có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm với 228 tỷ đồng. SMC đang xúc tiến các thủ tục để cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo do thua lỗ năm ngoái và chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông khoảng 5%. Tuy nhiên, HĐQT SMC lại tỏ ra thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm chỉ 22 tỷ đồng. Lý do được ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT SMC đưa ra là, khó có thể dự đoán giá thép trong dài hạn. Nếu thị trường Trung Quốc xấu đi thì giá thép sẽ đảo chiều. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, do tâm lý sợ hãi của doanh nghiệp, chỉ cần giá thép thế giới có dấu hiệu đảo chiều là doanh nghiệp đã bán vội, bán với bất cứ giá nào để giảm hàng tồn kho, thu hồi vốn trả cho ngân hàng.

Giá thép cán nóng và thép dây sau khi tăng vọt lên 370 và 360 USD/tấn hiện đã quay về ổn định ở mức 320 USD/tấn. Giải pháp ứng phó với tình huống bất ngờ của giá thép, theo ông Anh, doanh nghiệp phải duy trì hàng tồn kho thấp và luân chuyển hàng hóa nhanh.

Trong khi các doanh nghiệp thương mại thép có những nhận định khác nhau về triển vọng nửa cuối năm thì hai nhà sản xuất thép xây dựng và tôn thép hàng đầu là Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG) khá tự tin về khả năng về đích kế hoạch kinh doanh. Sau cuộc gặp mặt giữa Hòa Phát với đại diện các tổ chức đầu tư đầu tháng 7, các chuyên viên phân tích dự báo, quý II này, HPG đạt lợi nhuận tối thiểu là 1.600 - 1.700 tỷ đồng. Trong 2 quý còn lại, chỉ cần HPG đạt lợi nhuận tương đương quý I là hơn 900 tỷ đồng mỗi quý thì EPS năm nay của HPG đạt khoảng 6.000 đồng/cổ phần. Ngoài mảng thép chiếm chủ lực thì lợi nhuận của HPG từ nội thất, điện lạnh, cũng khả quan.

Tập đoàn Hoa Sen với năm tài chính 2015 - 2016 kết thúc vào cuối tháng 9 dự kiến sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng, nhờ quý vừa qua lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng. Với sản lượng sản xuất tăng, thị phần tăng sau khi các dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, dự báo năm tài chính 2016 - 2017, Hoa Sen có thể đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng mà không cần có “sóng” giá nguyên liệu thép như năm nay. Dự báo, với kết quả lợi nhuận vượt xa kế hoạch 600 tỷ đồng, năm tài chính 2015-2016, HSG sẽ chia cổ tức ở mức rất cao.

Hiện HSG đang chuẩn bị đầu tư lò cao luyện thép cán nóng và sản xuất thép xây dựng. Dự án này nếu được triển khai thành công, với hệ thống phân phối mạnh sẵn có, Hoa Sen có khả năng tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, điều được nhiều người quan tâm là HSG sẽ lấy vốn ở đâu để thực hiện một dự án đòi hỏi lượng vốn đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng như vậy?

Trong báo cáo chiến lược quý III vừa công bố, CTCK Maybank Kim Eng lạc quan về triển vọng ngành thép nhờ nhu cầu nội địa tăng trưởng, hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá… Và các công ty đầu ngành có thị phần, tiềm lực tài chính tốt như HPG, HSG, với P/E hiện tại chỉ 7 - 8 lần được Maybank Kim Eng yêu thích.

Còn trên thị trường, thanh khoản và diễn biến giá cổ phiếu thép nhỏ như SMC, TLH, DTL cho thấy nhà đầu tư cá nhân cũng đang rất ưu ái cổ phiếu này khi mà P/E đang ở mức rất thấp, chỉ 3 lần ở mức giá hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Thép Đại Thiên Lộc (DTL) dự báo, năm nay là năm thành công với ngành thép sau năm ngoái thua lỗ nặng. Kết thúc nửa đầu năm, DTL ước tính hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 80 tỷ đồng.            

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục