Doanh nghiệp thép: Những lối đi riêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp ngành thép niêm yết đang có đường hướng phát triển khác nhau trong một thị trường cạnh tranh khắc nghiệt và biến động theo chu kỳ khó lường.
Doanh nghiệp thép: Những lối đi riêng

Cuối năm nay, Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư tương đương 3 tỷ USD sẽ có những sản phẩm đầu tiên.

Sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sau khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động sẽ tăng từ 8,9 triệu tấn năm 2024 lên 11,7 triệu tấn vào năm 2025; 14,5 triệu tấn năm 2026 và ước tính là 14,5 triệu tấn năm 2027. Tổng công suất này dự kiến đưa Hòa Phát vào tốp 40 công ty thép lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Với lợi thế công nghệ lò cao khép kín, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, Hòa Phát đang chiếm 37% thị phần thép xây dựng trong nước và là doanh nghiệp duy nhất có sản lượng tăng trưởng kể từ năm 2019.

Trong khi đó, các nhà sản xuất khác như Fomosa, khối VNSteel và liên doanh, Thép Việt Đức và Pomina đều suy giảm thị phần. Trong đó, Pomina với những khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư, thị phần đã suy giảm từ hơn 7% xuống chỉ còn 2% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, trong các năm tới, HRC là sản phẩm chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên trong tổng sản lượng của Hòa Phát. Trong khi đó, HRC giá rẻ đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, với sản lượng còn cao hơn cả sản lượng HRC sản xuất trong nước.

Khi Hòa Phát tăng sản lượng HRC sau khi Dung Quất 2 hoạt động thì thách thức lớn nhất là phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, dù Hòa Phát có lợi thế về xuất xứ để xuất khẩu.

Ở mảng sản phẩm ống thép, Hòa Phát chiếm 24,7% thị phần. Các doanh nghiệp niêm yết khác như Hoa Sen chiếm 13,3% và Nam Kim chiếm 5%. Ở mảng sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, Hòa Phát chiếm thị phần 7,7%; trong khi Hoa Sen có thị phần 29,6%; Nam Kim 18% và Tôn Đông Á 16%.

Là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn và chuyên sâu trong ngành thép, Hòa Phát đang ở vị thế dẫn đầu, bỏ xa các doanh nghiệp cùng ngành. Vị thế này khó có đối thủ nào đuổi kịp trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) sau nhiều năm khởi động không thành công dự án khu liên hiệp thép và cảng biển đã chuyển sang đầu tư vào hệ thống phân phối, với kỳ vọng không chỉ là nhà sản xuất tôn hàng đầu, mà còn là nhà phân phối số một trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Mới đây, Hoa Sen đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm đơn vị cho thuê mặt bằng/nhà xưởng để mở tổng kho cũng như mở mới siêu thị Hoa Sen Home.

Tổng kho có diện tích 10.000-20.000 m2 tại các tỉnh Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Long An. Hoa Sen cũng tìm luôn nhà thầu để xây dựng các chuỗi siêu thị dự kiến mở trong thời gian tới.

Khác với các nhà sản xuất tôn thép khác phân phối sản phẩm qua các đại lý, nhiều năm qua, Hoa Sen đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ sản phẩm tôn, ống thép, ống nhựa của chính mình.

Vì thế, dù là nhà sản xuất, nhưng Hoa Sen có kinh nghiệm về phân phối bán lẻ. Kỳ vọng trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng, phân phối các sản phẩm khác trong ngành xây dựng của Hoa Sen không phải là kỳ vọng nhỏ.

Nếu thành công với mô hình được tham khảo từ thị trường Mỹ, Hoa Sen có thể trở thành một Digiworld hay Thế giới Di động trong lĩnh vực phân phối vật liệu xây dựng - vốn đang manh mún với nhiều hệ thống phân phối riêng lẻ khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả mới qua bước khởi đầu. Thuận lợi của Hoa Sen ở thời điểm này là tích lũy tài chính ổn sau các chu kỳ biến động giá của nguyên liệu đầu vào và ngành thép vừa trải qua chu kỳ giảm giá đã ổn định trở lại.

Có quy mô nhỏ so với Hòa Phát hay Hoa Sen, nhưng Thép Nam Kim (mã NKG) cũng nằm trong danh sách những nhà sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn mạ, thép ống với công suất 1,2 triệu tấn/năm, thị trường chính là khu vực phía Nam. Tính tới cuối năm 2023, Nam Kim chiếm 16,9% thị phần tôn mạ cả nước.

Con đường một doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đi lên là tiếp tục đầu tư tăng sản lượng. Nam Kim đầu tư Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ (vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng) từ tháng 4/2024 và dự kiến bắt đầu sản xuất ra sản phẩm từ quý I/2026. Nam Kim kỳ vọng, tới năm 2027, nhà máy này sẽ hoạt động 100% công suất, tổng công suất 2 triệu tấn/năm. Hiện nay, 59% sản lượng của Nam Kim là xuất khẩu, 41% là tiêu thụ nội địa.

Theo sát Nam Kim về thị phần tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là nhà sản xuất Tôn Đông Á (mã GDA). Doanh nghiệp này cũng đang ráo riết triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn để đầu tư nhà máy mới.

Tôn Đông Á đã nghiên cứu và đặt kế hoạch đầu tư nhà máy thứ 4 với tổng công suất lên đến 1,2 triệu tấn/năm. Sự đầu tư này giúp tăng cường khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiềm năng của thị trường. Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 6/2024, Tôn Đông Á đã thông qua việc lập kế hoạch và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ.

Trong đó, mục đích tăng công suất thép lá mạ thêm 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn/năm, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Thép lá mạ là sản phẩm thế mạnh của Công ty. Lợi thế của Tôn Đông Á là tình hình tài chính lành mạnh và quản trị công ty khá bài bản so với những công ty thép cùng quy mô khác.

Riêng thương hiệu đình đám một thời Pomina (mã POM) vẫn đang sa lầy trong khó khăn do đầu tư nhà máy sai thời điểm (dịch Covid-19) khiến chi phí đầu tư bị đội lên rất nhiều. Tiến trình tái cơ cấu của Pomina cũng khó khăn do liên quan đến quy định pháp lý, sự thận trọng của các nhà đầu tư…

Cụ thể, việc chuyển nhượng không vượt quá 50% cổ phần theo quy định của ngành chứng khoán. Quy định này không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài như thỏa thuận ban đầu với Pomina theo tỷ lệ chuyển nhượng 51% cổ phần, buộc Pomina phải quay qua hợp tác với nhà đầu tư trong nước. Do quá trình tái cơ cấu đi vào bế tắc, cổ phiếu POM đã bị hủy niêm yết và xuống giao dịch ở thị trường UPCoM.

Để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, mới đây, Pomina đã giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ làm việc với nhà đầu tư, sớm có bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cung cấp cho công ty kiểm toán để có thể phát hành được báo cáo tài chính. Nhà sản xuất thép này sẽ cần thêm nhiều thời gian để tái cơ cấu và quay trở lại sản xuất ổn định.

Thu Hương
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục