Doanh nghiệp thận trọng lập kế hoạch 2020

(ĐTCK) Trong khi kế hoạch tăng trưởng cho nền kinh tế 2020 đang được Chính phủ cân nhắc trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thì ở tầm vi mô, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng chủ động cắt giảm chi phí, lên kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2020.
Doanh nghiệp thận trọng lập kế hoạch 2020

Trong thông điệp dự kiến chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông tới đây, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 gây ra.

Các định chế tài chính lớn đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế. Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam có được lợi thế là một trong số ít quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19.

Tuy vậy, bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn chưa được kiểm soát triệt để và nhiều ngành nghề như du lịch, sản xuất có sự phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, năm 2020 sẽ tiếp tục là năm thách thức, trước khi tốc độ tăng trưởng trở lại quỹ đạo vốn có.

Tại Vingroup, ông Quang cho biết, để chủ động nguồn lực ứng phó với những bất ổn do dịch bệnh, năm 2020, Tập đoàn sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng”, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu và đầu tư mở rộng, đồng thời tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hiện có.

Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 khoảng 145.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức lợi nhuận 2 năm gần nhất (năm 2018 là 6.238 tỷ đồng; năm 2019 là 7.717 tỷ đồng).

Tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM), cuộc họp giữa tháng 5 của Hội đồng quản trị doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch 2020 khá khiêm tốn.

Theo đó, doanh thu năm 2020 dự kiến sẽ chỉ bằng 55% so với mức thực hiện năm 2019, còn lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ bằng 37% mức thực hiện của năm 2019. BCM dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 6 tới đây.

Hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có tính phòng thủ cao, nhưng Tổng công ty Dược Việt Nam cũng giảm chỉ tiêu kinh doanh.

Mục tiêu năm 2020, doanh thu và thu nhập hợp nhất là 5.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%. Lợi nhuận năm 2020 trước thuế dự kiến 216 tỷ đồng, giảm 10,5%. Cổ tức năm 2019 và năm 2020 dự kiến 4%/năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều yếu tố và điểm khó nhất là dự báo được tác động của đại dịch do cả trăm năm mới xảy ra một lần.

Ông Hà cho biết, MBS đang trình Ngân hàng mẹ MB kế hoạch kinh doanh mới cho năm 2020 và sẽ công bố vào Đại hội đồng cổ đông đầu tháng 6 tới.

Trong bức tranh toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết bị tác động mạnh.

Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt với gần 1.000 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch (chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường) cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2020 giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Đa số doanh nghiệp chưa tổ chức được đại hội đồng cổ đông để chốt kế hoạch 2020, chỉ có một số doanh nghiệp công bố kế hoạch dự kiến với gam màu chủ đạo là ra chỉ tiêu thận trọng cho năm 2020.

Nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc Chính phủ sẽ có những giải pháp thiết thực, hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn đại dịch, đã giúp TTCK Việt Nam tăng trở lại gần 200 điểm kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay (VN-Index từ 660 điểm lên 852 điểm hiện nay).

Định giá P/E hiện nay của VN-Index khoảng 11 lần, thấp hơn gần 30% so với trung bình 5 năm. P/E Việt Nam đang có mức định giá thấp nhất so với các nước khu vực Đông Nam Á cho thấy, TTCK Việt Nam còn rộng không gian hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Dịch bệnh chưa thể biết khi nào kết thúc, nhưng nếu yếu tố vĩ mô, vi mô và thị trường cùng một nhịp chuyển động và khớp được với nhau, có thể kỳ vọng sẽ tạo nên sự bứt phá trong hiệu quả tăng trưởng giai đoạn tới.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục