Doanh nghiệp “tê cứng” trước Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Bài 5: Sửa chưa tới nơi, tới chốn?

0:00 / 0:00
0:00
Bãi bỏ Văn phòng EPR, cải tiến mạnh thủ tục hành chính… là những điều được Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhận lệnh xử lý.
Về chỉ đạo ngành ô tô - xe máy, các hiệp hội cho rằng, Ban soạn thảo chưa tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp Về chỉ đạo ngành ô tô - xe máy, các hiệp hội cho rằng, Ban soạn thảo chưa tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp

Bài 5: Sửa chưa tới nơi, tới chốn?

Trong tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, các hiệp hội cho rằng: “còn một số vấn đề Ban soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng”.

Sửa đổi 7 nhóm vấn đề lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (một trong 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước ký kiến nghị) cho biết, cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 15 tổ chức và hiệp hội diễn ra ngày 18/10, do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì. Qua cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những tiếp thu và chỉ đạo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 hoàn thiện sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo.

Cụ thể, vấn đề bức bối nhất là việc cả các hiệp hội cùng Bộ Tư pháp đều cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 không quy định về lập Hội đồng EPR và Văn phòng EPR, nên việc lập ra theo Dự thảo sẽ tăng thêm tổ chức và biên chế, không đúng với chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ. Mặt khác, Dự thảo quy định, Hội đồng EPR quốc gia được quyết định và phê duyệt kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam từ số tiền do doanh nghiệp nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là chưa hoàn toàn phù hợp với mục đích của số tiền đóng góp (tái chế).

Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR.

Với vấn đề thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phép, hay thủ tục liên quan môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thủ tục hành chính đã giảm 34%, đưa từ 5 lĩnh vực về một lĩnh vực, từ 5 cửa về một cửa, từ 5 hội đồng về một hội đồng. Năm 2022, Bộ sẽ làm ngay nhiều giải pháp khác để các doanh nghiệp không phải đi đi, lại lại và sẽ quy định để các hồ sơ, format phù hợp với cung cấp các dịch vụ điện tử.

Về việc kiểm tra, kiểm soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết không làm tràn lan, đánh đồng, mà chỉ dự án có nguy cơ mới phải đi kiểm tra để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được chặt chẽ nhất.

Ban soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã lập danh mục nhựa sử dụng một lần và điều chỉnh “nhựa khó phân hủy” thành “túi ni lông khó phân hủy” cho lộ trình 2026; điều chỉnh ngưỡng công suất xếp loại mức lớn, trung bình, nhỏ cho các cơ sở ngành dệt may.

Về những khó khăn của Hiệp hội Sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam trong thu gom, tái chế đối với ô tô, xe máy từ người tiêu dùng, sẽ điều chỉnh tỷ lệ tái chế, bổ sung giải pháp tái chế và lùi lộ trình áp dụng quy định về trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ năm 2027; Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ và hủy phương tiện giao thông trước ngày 31/7/2025 để nhà sản xuất/nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế.

Ban soạn thảo… chưa tuân chỉ đạo của Bộ trưởng

Trên cơ sở kết luận trên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hiệp hội đã làm việc trực tiếp với Ban soạn thảo để thống nhất hướng thực hiện và chờ Ban soạn thảo đưa ra phương án cụ thể để rà soát chi tiết. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp ngày 18/10, giữa các hiệp hội và Ban soạn thảo vẫn còn nhiều vấn đề vướng víu.

Ngày 22/10, cả 12 hiệp hội doanh nghiệp trong nước cùng Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã đồng ký “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, “còn một số vấn đề Ban soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng”.

Cụ thể, Ban soạn thảo đã thực hiện bỏ Văn phòng EPR, tỷ lệ tái chế bắt buộc Chính phủ ban hành 3 năm một lần. Tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng, tiền đóng góp tái chế vẫn được sử dụng cho mục đích khác ngoài mục đích tái chế là không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức tái chế một năm một lần là chưa phù hợp với Luật. Tỷ lệ tái chế và định mức tái chế là 2 yếu tố quan trọng quyết định mức đóng góp, cần để Chính phủ quy định.

Dù Ban soạn thảo đã sửa “chi phí quản lý” trong Fs thành “chi phí quản lý hành chính”, song theo các hiệp hội, quy định xin hỗ trợ, duyệt hỗ trợ định kỳ hàng năm dễ tạo cơ chế xin - cho, đồng thời có thể gây chậm trễ, không đáp ứng được những yêu cầu hàng ngày về xử lý môi trường. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, quy định Quỹ Bảo vệ môi trường quản lý việc tái chế theo hợp đồng đấu thầu và thanh toán theo hợp đồng. Loại tái chế nào không có doanh nghiệp tham gia thầu, thì Hội đồng sẽ xem xét hỗ trợ.

Về chỉ đạo triệt để cải cách thủ tục hành chính về 5 nhóm nội dung, hồ sơ phải đơn giản hóa, số hóa, dù Ban soạn thảo đã đưa ra một số phương án để đơn giản hóa, nhưng theo các hiệp hội thì chưa thấy rõ việc số hóa hồ sơ; vấn đề đơn giản hóa cho các dự án nhóm 3 sẽ quy định trong thông tư là lại ủy quyền tiếp, không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến chỉ đạo quản lý rủi ro, chưa có áp dụng quản lý rủi ro cho những sản phẩm có giá trị dễ thu gom như giấy, nhôm, kim loại. Các hiệp hội đề xuất, nên điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc cho những sản phẩm này bằng 1/4 mức hiện nay, vì thực tế, doanh nghiệp tự thu hồi được rất ít, nhưng số lượng nằm ngoài môi trường gần như không có. Doanh thu từ việc bán sản phẩm sau tái chế cần được cấn trừ vào chi phí tái chế khi xác định định mức tái chế; đề nghị tính hệ số Fs cho nhựa tái sinh sản xuất trong nước chỉ bằng 10% nhựa thông thường để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sử dụng nhựa tái sinh.

Ban soạn thảo đã lập danh mục nhựa sử dụng một lần, điều chỉnh “nhựa khó phân hủy” thành “túi ni lông khó phân hủy” cho lộ trình 2026. Tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra danh mục “bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phục vụ cho mục đích sinh hoạt” và điều này dễ dẫn đến nguy cơ đóng cửa hàng loạt nhà máy thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc… vào năm 2030 do không có bao bì đóng gói.

13 hiệp hội cũng đề nghị bỏ quy định bắt buộc ghi nhãn bao bì, sản phẩm nhựa khó tái chế bởi không có nước nào trên thế giới làm điều này và sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp mà không mang lại ích lợi gì.

Về chỉ đạo ngành ô tô - xe máy, theo các hiệp hội, Ban soạn thảo chưa tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, không lấy tổng khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường làm căn cứ xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Vì vậy, các hiệp hội đề nghị, tương tự quy định của các nước trên thế giới, đối với phương tiện giao thông, tỷ lệ tái chế được định nghĩa là tỷ lệ giữa tổng khối lượng bộ phận/vật liệu được thu hồi thông qua quá trình tái sử dụng/tái chế hoặc thu hồi năng lượng so với khối lượng của một đơn vị sản phẩm thải bỏ.

Về chỉ đạo nguy cơ, quy mô ô nhiễm lớn thì mới đưa vào danh mục, Ban soạn thảo đã điều chỉnh ngưỡng công suất xếp loại mức lớn, trung bình, nhỏ cho các cơ sở ngành dệt may. Tuy nhiên, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản vào Danh mục loại hình sản xuất, dinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở mức độ 3 là chưa phù hợp.

“Vì tầm quan trọng của Dự thảo liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, các hiệp hội tha thiết đề nghị Bộ trưởng và Thứ trưởng chỉ đạo Ban soạn thảo hoàn thiện đầy đủ Dự thảo theo đúng những nội dung đã được Bộ trưởng tiếp thu và chỉ đạo tại cuộc họp sáng 18/10/2021. Chúng tôi cũng trân trọng đề nghị Bộ trưởng chủ trì thêm một cuộc họp giữa Ban soạn thảo và các hiệp hội để hoàn thiện tốt nhất Dự thảo như chỉ đạo của Bộ trưởng”, tâm thư của các hiệp hội gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị.

Ban soạn thảo đã hoãn lộ trình đóng góp tái chế đến ngày 1/1/2024, nhưng các hiệp hội đề nghị hoãn đến ngày 1/1/2025 để các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch bệnh, xây dựng các cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu, đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường có đủ dữ liệu khoa học để đưa ra các tỷ lệ tái chế bắt buộc và định mức tái chế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ngoài ra, về chỉ đạo xem xét giãn, hoãn lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp do Covid-19, nếu luật quy định thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu thẩm quyền của Chính phủ thì trình Chính phủ.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục