7 trong 1, nếu đổi 1 thì “chết” cả 7
Dự thảo tích hợp 7 loại giấy phép, giấy xác nhận (gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại) vào một giấy phép môi trường. Tức là, nếu như trước đây phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ, thì nay theo Dự thảo, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục là đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Tuy nhiên, 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước cũng như Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TP.HCM và Đà Nẵng (Amcham Việt Nam), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, việc tích hợp 7 giấy phép thành một giấy phép nhìn qua tưởng là cải cách, thực ra chỉ là 7 nội dung gộp vào một tờ giấy phép.
Điều này dẫn tới việc, khi chỉ một nội dung trong 7 nội dung thay đổi, thì doanh nghiệp như “xóa cờ chơi lại”, phải đi xin cấp lại giấy phép môi trường với các thủ tục nhiêu khê, không chỉ khốn khổ cho họ, mà còn nguy cơ lớn gây tăng thủ tục hành chính.
Dễ tạo cơ chế xin - cho
Theo cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về cấp giấy phép môi trường lại quá nhiêu khê, bất cập.
Đơn cử, với Điều 28 của Dự thảo, các hiệp hội cho rằng, có sự trùng lắp bởi trong 8 hạng mục trong hồ sơ, thì đã có 5 hạng mục được doanh nghiệp cung cấp trong hồ sơ xin duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Với Điều 29 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường, cơ quan chức năng cũng không quy định rõ “tài liệu pháp lý khác” cho các dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường là gì; không có tiêu chí cho “trường hợp cần thiết”, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho; không có quy định thời gian thẩm định, thời gian thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra thực tế kể từ ngày nộp giấy phép, dễ nảy sinh tiêu cực; không có quy định số lần yêu cầu bổ sung, có thể dẫn đến yêu cầu bổ sung nhiều lần, mỗi lần yêu cầu khác nhau; chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm.
Tại điều này, việc quy định các dự án đã hoạt động cũng phải đi xin lại giấy phép môi trường như dự án mới là bất hợp lý. Lý do là, các dự án đang hoạt động hợp pháp và đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như các giấy phép môi trường thành phần. Vậy nên, nếu buộc phải thực hiện, sẽ gây trở ngại rất lớn cho các dự án đầu tư đang hoạt động.
Điều 30 của Dự thảo về cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường cũng không có quy định hồ sơ đề nghị cấp lại, văn bản đề nghị điều chỉnh gồm các loại giấy tờ gì.
Đáng lưu ý, Dự thảo buộc các dự án sau khi vận hành thử nghiệm nếu không đạt, thì phải xin điều chỉnh giấy phép môi trường, sẽ làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, đối với các dự án lớn như lọc dầu, thép, xi măng, khí điện đạm, nhiệt điện, quy định cấp phép theo giai đoạn và nhiều hạng mục thử nghiệm, thì thủ tục cấp giấy phép môi trường sẽ trở thành “cơn ác mộng” khiến các nhà đầu tư nản lòng.
“Các quy định này không phù hợp với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ chỉ đạo: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Việc kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thẳng thắn.
“Trật” chủ trương tinh giản bộ máy của Chính phủ?
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chi tiết hóa các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được kỳ vọng là công cụ hiệu quả trong việc quản lý chất thải rắn, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Văn phòng EPR chịu sự chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và phê duyệt điều lệ hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam. Văn phòng EPR Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tái chế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tài chính.
11 chủ tịch hiệp hội cho rằng, việc lập Văn phòng EPR Việt Nam và Hội đồng EPR không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sẽ làm tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản bộ máy hành chính.
Điều 83 của Dự thảo quy định: “Văn phòng EPR, Quỹ Bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện tái chế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Nhưng tới Điều 86 lại quy định: “Cơ quan, tổ chức… có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải…, thì lập hồ sơ đề nghị gửi về Văn phòng EPR… để được xét duyệt hỗ trợ”.
Cả 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 2 hiệp hội doanh nước ngoài đều nghi ngại rằng, quy định thu thực hiện theo định mức chi phí thực tế, nhưng chi để tái chế, bảo vệ môi trường lại chỉ “hỗ trợ” thì liệu có thực hiện được đầy đủ mục đích tái chế, bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc xét duyệt không có quy định rõ ràng như vậy sẽ dễ biến thành cơ chế xin - cho và sử dụng sai mục đích.
“Việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng Hội đồng EPR, Văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi, tự đặt ra quy định giám sát quản lý giống như việc hùn vốn cho một công ty gia đình mà cả tổng giám đốc, kế toán trưởng và thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra. Dự thảo không nên bắt cả hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải nộp tiền (không lãi mà chỉ có tiêu đi) cho một tổ chức không có khung pháp lý để quản lý”, chủ tịch một hiệp hội ví von như vậy trong văn bản kiến nghị của mình.
Với thực tế đó, cả 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 2 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều kiến nghị, nên bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR. Thay vào đó, giao nhiệm vụ quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho một đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước đối với hoạt động tái chế ở Việt Nam.
Việc đóng góp tái chế, xử lý chất thải của các doanh nghiệp nên được nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương. Như vậy, nguồn lực được tập trung trực tiếp cho hoạt động tái chế, khắc phục các tác động đến môi trường tại địa phương theo nguyên tắc gây ô nhiễm, xả thải tại đâu thì đóng góp tại tỉnh đó để trực tiếp khắc phục và bảo vệ môi trường.
11 chủ tịch của 11 hiệp hội doanh nghiệp khẩn thiết: “Dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 là “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh”, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp”.
(Còn tiếp)