Theo các DN, bên cạnh những điểm tích cực, khung tiêu chuẩn này còn một số điểm cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế hoạt động của DN.
Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đây là khung tiêu chuẩn được cơ quan này hợp tác với Viện Bảo hiểm tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF) xây dựng, áp dụng riêng đối với DN ở 2 khối phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm tại Việt Nam, trong khi khối nhân thọ chưa áp dụng chuẩn này bởi hầu hết là DN 100% vốn nước ngoài, đã đạt những quy chuẩn nhất định từ công ty mẹ ở nước ngoài.
Theo bà Phương, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các DNBH phải xây dựng được niềm tin và uy tín với khách hàng, người hành nghề bảo hiểm cần phải có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm tương ứng với mảng nghiệp vụ được triển khai, nên cần áp dụng khung tiêu chuẩn này.
“Việc sử dụng bộ khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn sẽ giúp DNBH vtuyển dụng, lựa chọn và phân công công việc cho cán bộ tại các bộ phận trong DN phù hợp với năng lực chuyên môn, phát huy hiệu quả, năng lực của cán bộ trong công việc, nâng cao cạnh tranh về chất lượng dịch vụ của các DNBH Việt Nam...”, bà Phương nói.
Về phía DN, khẳng định bộ khung này là cần thiết, với nhiều ưu điểm, song các DN cho rằng, khung tiêu chuẩn cần bổ sung, điều chỉnh do còn chưa sát với thực tế hoạt động của DN.
Theo bà Lưu Phương Lan - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện, tại khung tiêu chuẩn, các vị trí, chức danh mới đề cập được một số vị trí cơ bản, còn thiếu khá nhiều so với các vị trí mà DN phải có trên thực tế.
“Nội dung mô tả trách nhiệm, năng lực của một số vị trí còn có sự khác biệt so với thực tế hoạt động của DN. Việc đưa ra các năng lực mới chú trọng vào công tác đào tạo, cấp chứng chỉ, nên phần định nghĩa các năng lực còn chưa rõ ràng, cụ thể cho việc áp dụng tại DN, nhất là với các công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng, đánh giá hiệu quả công việc… Do đó, khung tiêu chuẩn cần cụ thể hóa cấp độ yêu cầu của các năng lực với mỗi chức danh, công việc...”, bà Lan khuyến nghị.
Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, hiện Công ty đang áp dụng 2 khung năng lực cốt lõi, một dành cho các nhân sự do Tập đoàn quản lý (cấp lãnh đạo) và một dành cho các nhân sự cấp phó ban trở xuống. Tuy nhiên, do đặc thù mỗi DN khác nhau, nên việc áp dụng khung tiêu chuẩn trên còn hạn chế.
“Nhóm cấp bậc xây dựng theo tiêu chuẩn của khung tiêu chuẩn bao gồm: Nhân viên, chuyên viên, chuyên viên chính, người đứng đầu bộ phận nghiệp vụ. Trong bảng mô tả công việc các vị trí tại Công ty đều đã có hệ thống tiêu chuẩn yêu cầu về chuyên môn năng lực cho từng vị trí cụ thể. Tuy nhiên, nếu dựa trên khung tiêu chuẩn này thì có một số điểm còn thiếu hoặc chưa sát.
Chẳng hạn, dịch vụ khách hàng trong mô tả công việc của bộ khung là người bán hàng, trong khi ở Bảo hiểm Bảo Việt là một trung tâm dịch vụ khách hàng, với nhiệm vụ chính là giải đáp thắc mắc của khách hàng (call center) hoặc là khai thác viên”, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt nói và đề xuất Bộ Tài chính ban đầu nên triển khai thí điểm ở 1, 2 khung năng lực cơ bản có mẫu số chung cho toàn bộ các DNBH, sau khi đánh giá, chỉnh sửa và bổ sung các năng lực khác, phù hợp hơn với mô hình của từng DN thì mới áp dụng toàn bộ.
Tiếp nhận ý kiến góp ý từ các DNBH, bà Lan cho biết, sẽ đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục hoàn chỉnh bộ khung năng lực, trong đó rà soát lại trách nhiệm và năng lực của một số vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế của DNBH. Đồng thời, có chính sách khuyến khích đối với các DN triển khai áp dụng (hỗ trợ đào tạo/ chương trình, tài liệu đào tạo,…), cho phép các DN sử dụng chung bộ tài liệu đào tạo, cũng như tự cấp chứng chỉ phổ cập rộng rãi; có kế hoạch, chương trình đào tạo nhân sự theo các cấp độ của chuẩn khung năng lực; từng bước đưa vào các bài giảng online để thuận tiện cho việc phổ cập kiến thức và phù hợp với xu hướng chung của thế giới...