Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hội viên được phổ biến các tiêu chí, điều kiện và quy trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN cho biết, trong bối cảnh hoạt động đầu tư kinh doanh khó khăn như hiện nay, nguồn vốn đối với các doanh nghiệp luôn là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Chính phủ đã có Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 và Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 về Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Hội thảo “Phương thức tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa” thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. |
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và đã có hai nghị định cụ thể trên. Doanh nghiệp nhận ưu đãi rất hấp dẫn, lãi suất cho vay bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ.
“Chưa có tổ chức nào cho vay lãi suất thấp như vậy”, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói và cho biết thêm, hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm, lãi suất cho vay trung hạn là 4,4%/năm, lãi suất cho vay dài hạn là 4,4%/năm).
Bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ về điều kiện vay vốn, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định, có dự án phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% và doanh nghiệp đã vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án mới từ nguồn vốn của quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn.
“Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ của Quỹ”, bà Thủy thông tin thêm.
Đồng thời, lãnh đạo Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đưa ra các thông tin khuyến nghị doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ vay vốn cần tránh gặp phải những lỗi dẫn đến không hoàn thiện được thủ tục.
Thứ nhất là thiếu hồ sơ để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (báo cáo tài chính thiếu bản thuyết minh, thiếu chứng từ chứng minh tham gia bảo hiểm xã hội, thiếu hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp đầu chuỗi, thiếu dấu sao y bản chính đối với các giấy tờ bản sao).
Thứ hai, hồ sơ không đúng yêu cầu (điền thông tin tại giấy đề nghị nhận vốn cho vay chưa đúng mẫu, các thông tin chưa thống nhất tại các văn bản giấy tờ, thiếu thông tin ngày, tháng, năm và chữ ký, đóng dấu của doanh nghiệp và ngân hàng).
Thứ ba, số liệu giữa các hồ sơ chưa phù hợp.
Thứ tư, hồ sơ chưa chứng minh được năng lực của doanh nghiệp (chưa chứng minh được nguồn vốn chủ sở hữu, tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm vốn vay).
Một số lỗi khác như báo cáo tài chính lập sai thời điểm, thẩm quyền kí chưa đúng, số liệu giữa các văn bản chưa thống nhất…
“Lãi suất cho vay từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp và cố định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận. Chúng tôi đang làm việc với nhiều ngân hàng có độ phủ chi nhánh rộng khắp các tỉnh, thành để doanh nghiệp có thêm thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn từ Quỹ”, bà Thủy nói.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn vay gián tiếp gồm BIDV, BAC A BANK, HDBANK, MB, SHB, Sacombank. Trong tương lai, Quỹ tiếp tục mở rộng mạng lưới ngân hàng đối tác.
Quy trình nhận vốn gián tiếp gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đề nghị vay vốn tại điểm giao dịch của ngân hàng hoặc qua bưu điện. Ngân hàng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn, thẩm định, ra quyết định cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và gửi hồ sơ đề nghị nhận vốn vay gián tiếp tại trụ sở của Quỹ hoặc qua bưu điện. Quỹ có trách nhiệm tiếp nhận, đánh giá hồ sơ vốn vay gián tiếp và quyết định chuyển vốn cho ngân hàng để thực hiện cho vay gián tiếp.