Doanh nghiệp sẽ “khát vốn” trong quá trình phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), quý I/2022 đã chứng kiến nhịp đầu tư rất mạnh vào các khu công nghiệp và đây là một tín hiệu tốt về đà hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế. 
OCB kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. OCB kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản.

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế đất nước cũng như triển vọng của thị trường ngân hàng trong năm nay?

Đầu năm 2022, chúng ta có nhiều đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế như dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất – kinh doanh... Tuy nhiên, trong quý I lại xuất hiện nhiều biến số khác, đặc biệt là các biến số từ bên ngoài.

Ví dụ chiến sự Ukraine và Nga làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn dĩ đã gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; lạm phát của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển rất cao, chính sách của ngân hàng trung ương điều chỉnh rất nhanh.

Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng và đem đến sự bất định của nền kinh tế Việt Nam. Tuy lạm phát Việt Nam vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan.

Diễn biến thị trường sẽ tác động ra sao lên hoạt động ngân hàng, thưa ông?

Năm 2022 là năm thứ 2 của giai đoạn phát triển 5 năm 2021 - 2025 với định hướng đưa OCB trở thành ngân hàng thuộc Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tốt nhất Việt Nam. Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị OCB tập trung tăng trưởng quy mô khách hàng, mở rộng mạng lưới; tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm, giải pháp sáng tạo, nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhằm đa dạng hóa nguồn thu; tiếp tục lộ trình chuyển đổi số toàn diện OCB, số hóa hành trình khách hàng; nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.

Quý I/2022, OCB vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt. Dư nợ tín dụng tăng 6%, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 839 tỷ đồng. Tín dụng đang chuyển dịch mạnh từ cho vay doanh nghiệp sang cho vay khách hàng cá nhân.

Danh mục kinh doanh của OCB vẫn tăng trưởng tốt. Dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện được chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.

Cho vay bán lẻ tăng trong quý I/2022, nhưng cho vay doanh nghiệp giảm, liệu có phải do sức khỏe của các doanh nghiệp đang không được tốt?

Trong cơ cấu tín dụng của OCB, giảm tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp chủ yếu là giảm cho vay bất động sản. Có một số khoản vay chúng tôi bắt đầu thu nợ trong năm nay và dĩ nhiên khi đẩy mạnh cho vay bán lẻ thì sẽ giảm cho vay bất động sản.

Tín dụng bất động sản chia thành 2 nhóm: bất động sản kinh doanh và bất động sản tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ bất động sản cả kinh doanh và tiêu dùng/mua nhà ở của OCB là 32%. Trong cơ cấu cho vay bất động sản, 72% là cho vay để mua nhà, còn 9% cho vay các dự án bất động sản.

Chiến lược của OCB là tập trung cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Hiện Ban điều hành đã có sản phẩm đầu tiên ra thị trường đối với cá nhân vay mua nhà, mỗi tháng tăng dư nợ 1.000 tỷ đồng, chính là sản phẩm Dream Home.

Mặc dù NHNN đang siết lại hoạt động cho vay bất động sản, nhưng lại khuyến khích cho cá nhân vay mua nhà, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình. Trong khi đó, phân khúc này lại đang bị nhiều nơi bỏ quên.

Đáng chú ý, theo chúng tôi quan sát, vẫn có một số ngành nghề đang có tiềm năng phát triển như sắt thép, dệt may, thủy sản. Một số khách hàng của OCB đã phát triển trở lại. Các hoạt động doanh nghiệp, kể cả hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn đang còn rất khó khăn nhưng kỳ vọng sẽ có sự phục hồi kinh doanh sớm.

Đặc biệt trong quý I, chúng ta thấy được nhịp đầu tư rất mạnh vào các khu công nghiệp. Đó là một tín hiệu tốt. Khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam, kỳ vọng các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất chuỗi cung ứng hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn sẽ có điều kiện để phát triển.

Đâu là cơ hội cho Ngân hàng trong việc thực thi kế hoạch 2022, thưa ông?

2021 là một năm rất thách thức đối với tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chất lượng tín dụng nhưng OCB đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,97%. Đó là biểu hiện của việc phát triển bền vững và an toàn.

Trong năm nay, ngoài những dự án khác, chúng tôi đã bắt đầu triển khai dự án tuân thủ Basel II nâng cao và Basel III trên nền tảng thành công của Basel II. Hiện chúng tôi ký hợp đồng với 2 công ty Moody và Deloitte, tôi hy vọng năm nay OCB sẽ hoàn thành xong dự án. Song song thì hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính cũng được nâng cấp, dự án IFIS 9 sẽ được hoàn thành. Đó là các nền tảng quản trị rủi ro cơ bản của Ngân hàng.

OCB không phải là một ngân hàng lớn nhưng vẫn đạt được những thành tích là nhờ những nền tảng đó.

Thứ hai là OCB đã có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cho ngân hàng số, mặc dù trong quá trình triển khai gặp đôi chút khó khăn. Trên môi trường số, chúng tôi có thể tạo ra sự phát triển khác biệt. Năm nay, OCB đồng loạt triển khai 2 hướng, thứ nhất là OCB tự triển khai bằng cách nâng cấp xây dựng trung tâm Ngân hàng số, cách thứ 2 là đang tạo một số liên kết với các công ty Fintech hàng đầu châu Âu. Trong vòng 3 tháng tới, OCB dự kiến ra mắt một sản phẩm độc đáo về thẻ tín dụng kết hợp với app mobile. Ngân hàng số mặc dù mới hình thành nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ điểm cạnh tranh về lâu dài.

Ông có thể chia sẻ góc nhìn về câu chuyện lãi suất trước áp lực lạm phát trong năm nay?

Ảnh tác giả

Lãi suất cho vay doanh nghiệp có thể giảm từ 0,2 - 0,4%/năm, tùy doanh nghiệp, có doanh nghiệp giảm đến 0,5%/năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông

Theo quan sát của tôi, lãi suất cho vay doanh nghiệp có thể giảm từ 0,2 - 0,4%/năm, tùy doanh nghiệp, có doanh nghiệp giảm đến 0,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng khoảng 0,2%/năm.

Các ngân hàng có các khách hàng tên tuổi trên thị trường thì người ta đòi hỏi lãi suất thấp và các ngân hàng cũng tham gia vào cho vay. Theo tôi, đã tham gia vào cuộc chơi thì các ngân hàng phải chấp nhận, nhất là mặt bằng về giá.

Hiện OCB vẫn đang cố gắng tạo điều kiện tối đa để tham gia vào các thị trường đó, trên cơ sở là tiết giảm các chi phí vốn, ngân hàng cũng đa dạng hóa nguồn vốn khác nhau.

Còn về tăng trưởng tín dụng, chúng tôi đưa ra mục tiêu tăng trưởng 25% trong năm nay cũng là khá thách thức. Điều quan trọng là OCB tăng trưởng được lượng khách hàng, đảm bảo quy định rủi ro của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng sẵn sàng tham gia vào các chương trình kích cầu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong đó có chương trình tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân.

Vân Linh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục