Doanh nghiệp sản xuất gạch không nung: Chưa hết khó khăn trong tiêu thụ

0:00 / 0:00
0:00
Gạch không nung được kỳ vọng là vật liệu xây dựng xanh, “sạch” cho môi trường và giảm phát thải…, song doanh nghiệp sản xuất vật liệu này lại đang gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Dù gạch không nung có nhiều ưu điểm, nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm này vẫn gặp nhiều khó khăn Dù gạch không nung có nhiều ưu điểm, nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm này vẫn gặp nhiều khó khăn

Không dễ thay đổi thói quen của người dùng

Trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, không khó để bắt gặp những sản phẩm như: gạch bê tông xi măng cốt liệu; gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép, tấm tường bê tông khí chưng áp… Đây là dòng sản phẩm không nung, không sử dụng đến đất nông nghiệp, do đó, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích đất nông nghiệp. Việc sử dụng gạch không nung, loại kích thước lớn cũng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thay vì dùng từng viên gạch nhỏ theo kiểu cũ.

Ưu điểm là vậy, nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của một chủ nhà máy chuyên sản xuất gạch không nung tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, qua vài năm sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn. Người dân không mấy ưa chuộng loại gạch này, hiếm có nhà nào sử dụng gạch không nung để xây dựng cho công trình của mình. Có chăng là loại gạch block lớn dùng để xây hàng rào hoặc loại terrazzo dùng lát sân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng gạch không nung đúng cách cũng đòi hỏi thợ xây phải có kiến thức, kỹ thuật. Trong khi đó, phần lớn các nhà thầu và thợ xây ở tỉnh trước giờ chỉ quen xây bằng gạch truyền thống, nên dễ mắc lỗi, chất lượng công trình không đảm bảo, xây xong bị thấm nước, nứt… và lại “đổ thừa” cho chất lượng của gạch không nung kém. Cũng từ đó, sản phẩm gạch không nung dần mất điểm trong mắt nhiều người.

“Việc thay đổi thói quen sử dụng vật liệu của người dân là rất khó. Hiện tại, gạch không nung dù tốt đến đâu cũng chỉ sử dụng cho công trình phụ”, chủ nhà máy tại Tây Ninh nói.

Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng, để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, nên có được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Tuy vậy, sản phẩm của Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Theo ông Trịnh Nhiên, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng, sản phẩm không nung hiện vẫn chỉ có thể được cung cấp vào những công trình sử dụng vốn nhà nước, chưa được sử dụng nhiều ở các công trình tư nhân vì thói quen của người dân và do giá bán cao hơn sản phẩm gạch đất sét nung truyền thống. Bên cạnh đó, những khó khăn về khan hiếm đầu vào và nguyên vật liệu xây dựng liên tục tăng giá cũng làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất gạch không nung.

Cần quan tâm đến tổng thể

“Để khắc phục những khó khăn hiện tại, chúng tôi đang chú trọng việc mở rộng thị trường phân phối sản phẩm ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai…, bởi dư địa của thị trường tỉnh lẻ vẫn còn rất lớn, nhiều công trình công sở cũng như hạ tầng đang được phát triển mạnh”, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên môn, TS. Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, tính đến năm 2023, cả nước có 2.500 cơ sở sản xuất gạch xây không nung, với tổng công suất thiết kế 15 tỷ viên tiêu chuẩn/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ rất chậm, sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, nếu năm 2019, sản lượng tiêu thụ đạt 4,8 tỷ viên gạch không nung, thì đến năm 2023 chỉ ước đạt 2,8 tỷ viên, điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tạm ngừng hoạt động, một số khác hoạt động chỉ đạt 30-50% công suất. Bên cạnh đó, từ năm 2010, Việt Nam đã có 12 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp, nhưng đến nay chỉ còn 4 nhà máy hoạt động.

Theo ông Thái Duy Sâm, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần quan tâm đến tổng thể lĩnh vực sản xuất vật liệu xanh. Cụ thể, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng.

Theo đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh về đầu tư, tài chính, thuế... góp phần giảm giá thành sản phẩm; chính sách về ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Đồng thời, phải có chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành.

Ngày 23/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định.

Chương trình cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện: hoàn thiện thể chế, chính sách; giải pháp khoa học công nghệ; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến vật liệu không nung; đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung; về đào tạo, hợp tác quốc tế; thông tin, tuyên truyền; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất lượng và sử dụng vật liệu không nung.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục