Doanh nghiệp sẵn sàng “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cộng đồng doanh nghiệp đã thử thách bản lĩnh trong môi trường khó khăn chưa từng có bởi đại dịch Covid-19 và nay đang tự tin với kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Doanh nghiệp sẵn sàng “bình thường mới”

Chúng tôi đang đẩy mạnh tiến độ dự án

Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings.
Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings.

Việc TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đã tiến hành nới lỏng giãn cách là một tín hiệu đáng mừng và sẽ có nhiều tác động tích cực đến tâm lý của các thành viên trên thị trường.

Tuy nhiên, cần phải hiểu việc TP.HCM và các tỉnh lân cận thực hiện nới lỏng giãn cách chỉ là một phần và theo lộ trình, diễn biến của dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc lưu thông giữa các địa phương vẫn đang còn rất khó khăn, nên trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác bán hàng vì đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản là phải dẫn khách hàng đến trực tiếp dự án.

Để thị trường lưu thông một cách thông suốt, các tỉnh cần liên kết mở cửa, dựa trên nguyên tắc nếu ai đã tiêm hai mũi vắc-xin thì nên cho đi lại giữa các tỉnh.

Chúng tôi hiểu những nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc cố gắng kiểm soát dịch bệnh, nên hy vọng những hạn chế đi lại này chỉ là ngắn hạn. Một khi được giải quyết, thị trường chắc chắn sẽ bật mạnh bởi nhu cầu về bất động sản rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở. Cho nên, thay vì ngồi chờ, chúng tôi đã cố gắng và sẵn sàng thích ứng với “bình thường mới”.

Hiện chúng tôi tập trung đẩy tiến độ để bàn giao sản phẩm cho khách hàng tại dự án The Pearl Riverside và chuẩn bị quỹ đất mới và sản phẩm chủ đạo là căn hộ chung cư đang được khách hàng quan tâm. Chúng tôi đã sẵn sàng cho kế hoạch cuối năm.

Sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh cuối năm

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land.

Chúng tôi chỉ mới khởi động lại một phần và phải chờ từ 1 - 2 tuần nữa thì mọi hoạt động mới dần ổn định, bởi hiện chỉ có 30% nhân sự đã tiêm 2 mũi vắc-xin.

Do đó, ưu tiên đầu tiên của chúng tôi là thiết lập quy trình xanh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Công trường dự án là khối đau đầu nhất. Các nhà thầu thi công đã có kế hoạch khởi động lại dự án nhưng những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt nên có độ trễ nhất định.

Tuy nhiên, đây chỉ là những khó khăn tạm thời, hiện doanh nghiệp đang cố gắng tập trung công tác chuẩn bị như hoàn tất khâu thiết kế, hoàn thiện hồ sơ thi công, hoàn tất các thủ tục pháp lý và chuẩn bị kế hoạch thi công, chào bán sản phẩm.

Tập đoàn Vạn Phúc đã sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh cuối năm, với dòng sản phẩm biệt thự sinh thái ven hồ, ven sông, cùng khoảng 300 sản phẩm căn hộ lần đầu tiên ra mắt thị trường.

Nỗ lực nhiều hơn để bù lại khoảng thời gian giãn cách

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group.
Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group.

TP.HCM thực hiện mở cửa kinh tế, không riêng thị trường địa ốc nhận được tín hiệu khả quan mà hầu hết tất cả thị trường của các ngành khác đều ghi nhận tín hiệu này.

Riêng đối với địa ốc, đa phần doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong hơn 3 tháng vừa qua. Trần Anh Group cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư hay sở hữu nhà ở vẫn nhận được nguồn cầu trong khoảng dịch bùng phát, chỉ là tạm thời kìm nén và bây giờ được bung ra. Việc mở cửa trở lại cũng chính là khơi thông những nút thắt của thị trường địa ốc thời gian qua.

Hiện phía Trần Anh Group đã lên kế hoạch kinh doanh để phù hợp với thị trường 3 tháng cuối năm.

Có thể một số kênh trước dịch thường áp dụng nay đã không còn phù hợp.

Do đó, chúng tôi áp dụng những kế hoạch bán hàng theo hình thức online nhiều hơn, nhằm giữ an toàn cho khách hàng cũng như nhân viên, vì hiện tại, mở cửa lại kinh tế không có nghĩa đã loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, mà sống chung với dịch.

Chúng tôi có thể sẽ phải đẩy mạnh hơn để bù lại khoảng thời gian bị đóng băng vừa qua.

Sản xuất sẽ đạt 80% vào cuối tháng 10

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ

Trong quý III/2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Sợi Thế Kỷ vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất (duy trì khoảng 55% công suất nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng) và hoạt động bán hàng. Dự kiến, doanh thu quý III đạt 92% quý II, tăng 43% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận tương đương 86% kết quả quý II/2021, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Công ty đang chuẩn bị cho nhân viên văn phòng và công nhân không tham gia “3 tại chỗ” quay lại làm việc, dự kiến sẽ bổ sung lao động cho cả 2 nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng nhưng theo từng bước, tiến hành trước ở nhà máy Củ Chi và sau đó là nhà máy Trảng Bàng.

Theo kế hoạch, hoạt động sẽ đạt 80% công suất vào cuối tháng 10/2021 và tiếp tục tăng công suất vào tháng 11/2021. Công ty cũng đang tích cực nhận đơn hàng, nỗ lực gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho quý IV/2021.

Do các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU đã phục hồi sau đại dịch nên các đơn hàng dệt may đang tăng.

Nhờ xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ cũng như thuận lợi có từ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ dựa trên các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP, hiệp định RCEP, UKVFTA, các đơn hàng dệt may sẽ tiếp tục tăng chuyển dịch vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển các dự án tăng công suất của các doanh nghiệp dệt may nội địa và tăng thúc đẩy nguồn cầu nguyên phụ liệu dệt may trong nước.

Sẽ nghiên cứu thêm cơ hội M&A

Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (DGW).
Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (DGW).

Các đại lý bán hàng ở khu vực miền Nam của DGW bị đóng cửa trong tháng 8, nên doanh số quý III không như kỳ vọng, nhưng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

Quý IV/2021 sẽ là quý đạt kỷ lục hiệu quả kinh doanh theo quý vì xu hướng tăng trưởng của DGW vẫn đang duy trì.

Sản phẩm Iphone thế hệ mới cũng về Việt Nam sớm hơn cả tháng so với các năm trước, dự kiến 22/10 đã giao tới tay người tiêu dùng.

Đối với mảng healthcare và FMCG, do nền so sánh thấp nên tốc độ tăng trưởng vẫn đạt vài chục phần %, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu, trong khi các mảng kinh doanh chính của DGW có tỷ trọng lớn lại duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục.

Dự kiến mảng này năm 2022 đạt doanh số trên 1.000 tỷ đồng. Hiện DGW đã xâm nhập được kênh bệnh viện và cũng liên tục tìm kiếm thêm sản phẩm khác để phân phối vào kênh này.

Trong quý II, DGW đã rót vốn mua 36% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín – sẽ giúp DGW mở rộng thêm kênh phân phối và có sẵn một số sản phẩm. DGW sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ hội M&A mới.

Đối với kế hoạch cho ngành hàng mới Home Appliance (thiết bị gia dụng), quy mô thị trường khoảng 2,4 tỷ USD – là mảng mà DGW sẽ thực hiện trong năm 2022. Bước đi cũng sẽ giống Xiaomi, đi dần từ vài phần trăm thị phần ban đầu đến mục tiêu 10%.

Đón bắt cơ hội từ đầu tư công

Ông Dương Minh Quang, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng 47.
Ông Dương Minh Quang, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng 47.

Sau khi các tỉnh, thành phố dần mở cửa trở lại, C47 đang tập trung sẵn sàng để thực hiện các công việc đã chuẩn bị sẵn, đàm phán ký kết bổ sung khối lượng công việc mới, đặc biệt là các dự án đầu tư công, phát huy hoạt động của khách sạn, nhà hàng các tháng cuối năm, mở rộng lĩnh vực sản xuất như sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện bê tông…

C47 đã khởi công và triển khai thi công các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (Hòa Bình), Thủy điện Đồng Mít (Bình Định), sửa chữa nâng cao an toàn đập WB8 tỉnh Lâm Đồng (Lâm Đồng) và sắp tới sẽ tiếp tục khởi công dự án đập dâng Phú Phong (Bình Định) trong tháng 10/2021.

Tổng giá trị các phần việc mới khởi công trong năm 2021 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tổng giá trị các gói thầu sẽ tham gia cuối năm 2021 và năm 2022 là hơn 5.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn việc gối đầu các năm sau.

Từ năm 2022, Công ty dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 25%/năm về cả doanh thu và lợi nhuận, hướng đến doanh số trên 3.000 tỷ đồng vào năm 2025, sớm đạt vốn hóa nghìn tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, triển khai các dự án an sinh xã hội, chống biến đổi khí hậu sau dịch, đẩy mạnh các dự án năng lượng mới đang là cơ hội của các đơn vị xây dựng.

Đảm bảo lượng hàng cung ứng cho các bệnh viện

Ông Đặng Anh Quân, Giám đốc CTCP Thiết bị y tế VNT

Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và Hà Nội cũng đã được nới lỏng giãn cách. Công ty đã lên kế hoạch đảm bảo lượng hàng tồn kho để cung ứng cho các bệnh viện khi công tác khám chữa bệnh được nối lại.

Đặc thù công việc nên nhân viên thường xuyên phải làm việc và tiếp xúc trong môi trường bệnh viện, nơi có nguy cơ rất cao nên Công ty đề cao tinh thần làm việc với quy tắc 5K và đã lên kịch bản cho phương án làm việc "3 tại chỗ" nếu cần.

Mặc khác, Công ty cũng xây dựng phương án chuyển các cuộc gặp với các bác sỹ và chuyên gia y tế để giới thiệu sản phẩm từ hình thức trực tiếp sang online thông qua các nền tảng công nghệ mới để hạn chế tiếp xúc và lây lan dịch bệnh.

Sẵn sàng “sống chung với Covid”

Ông Đặng Tuấn Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh

Chúng tôi đã xây dựng các giải pháp để sẵn sàng “sống chung với Covid-19” như tăng tồn kho nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro về việc cắt đứt chuỗi cung ứng; đa dạng hoá các nguồn cung ứng; đánh giá lại khả năng chống dịch của nhà máy và cải thiện những điểm nhà máy chưa đạt được, ví dụ như thuê thêm mặt bằng để nới rộng nơi lưu trú cho công nhân nếu Hà Nội phải giãn cách lần nữa.

Chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng tiêm vắc-xin sớm nhất cho toàn bộ nhân viên.

Kinh doanh có tín hiệu tích cực trở lại

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (ASM).
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (ASM).

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã có những chuyển biến tích cực nhưng làn sóng hồi hương của lao động từ TP.HCM về các tỉnh gần đây đã đưa đến nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn áp dụng Chỉ thị 15 hay 16, việc di chuyển đi lại còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực kinh doanh chưa được Nhà nước cho phép hoạt động và nhu cầu thị trường còn yếu nên tiến trình hồi phục của doanh nghiệp chưa đúng kỳ vọng.

Các nhà máy của Sao Mai vẫn đang thực hiện “4 tại chỗ” trong giai đoạn giãn cách nhưng trước kia công suất chỉ có 1/4 so với bình thường thì tuần trước công suất đã tăng lên 1/3 và tiến tới tăng lên 1/2 trong vài tuần tới.

Công nhân đang quay lại nhà máy là động lực để tăng công suất nhưng công nhân cũng gặp khó khăn trong di chuyển do giới hạn đi lại liên tỉnh. Nhìn chung, bức tranh tổng thể đang có những tín hiệu tích cực nhưng chưa có chuyển biến đột phá.

Doanh nghiệp kỳ vọng tình hình trong quý IV sẽ đỡ hơn và các công ty thành viên đang dồn lực và sẵn sàng tư thế khi xã hội mở cửa.

Chúng tôi cũng xác định năm 2021 này, mục tiêu chính là giữ ổn định cho đời sống cán bộ công nhân viên, được tiêm vắc-xin đầy đủ, duy trì hệ thống từ người nông dân liên kết, các nhà cung cấp, các đối tác nhà phân phối cho đến khách hàng, để khi xã hội trở về bình thường mới, hệ thống của Tập đoàn đã sẵn sàng và có cơ hội bứt phá.

Nỗ lực thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới

Ông Vũ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ xe Việt Nam

Sau thời gian các biện pháp giãn cách được nới lỏng, chúng tôi đang tiến hành rà soát lại hoạt động kinh doanh, củng cố lại hệ thống nhân sự và quan trọng nhất là thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.

Chúng tôi đang nghiên cứu để chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại sang mô hình kinh doanh online hoặc mô hình phù hợp hơn, để có thể mở rộng hoạt động trong thời kỳ "bình thường mới".

Với tình hình hiện tại, chúng tôi đang cố gắng củng cố bộ máy vận hành, gia tăng sự hỗ trợ từ máy móc, công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhanh chóng chuyển đổi số, phát triển kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, mở rộng quy mô kinh doanh thông qua hệ thống cộng tác viên.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành kinh tế.

Trước bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải có sự “xoay chuyển” liên tục trong định hướng chiến lược, duy trì và tìm cơ hội phát triển trong tình hình hiện nay.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục