Doanh nghiệp săm lốp xoay xở trước khó khăn

(ĐTCK) Ngoài tác động của giá cao su thiên nhiên và giá cước vận chuyển tăng cao, một số doanh nghiệp ngành săm lốp còn bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Kết quả kinh doanh quý I/2021 của các doanh nghiệp săm lốp nhìn chung vẫn khả quan.

Nhận diện khó khăn và kế hoạch kinh doanh thận trọng

Sau thời gian điều tra, ngày 24/5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kết luận, lốp ô tô từ Việt Nam có trợ cấp, bán phá giá và đưa ra mức thuế chống trợ cấp đối với lốp ô tô từ 6,23 - 7,89%. Cùng với thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá với thuế suất 22,3%.

Phản ứng trước thông tin trên, cổ phiếu CSM của Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam, cổ phiếu SRC của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng… có diễn biến giảm giá.

Lãnh đạo CSM cho biết, Mỹ áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm săm lốp sản xuất tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. CSM còn phải chịu thêm một loại thuế là thuế trợ cấp chính phủ.

Tính tổng cộng hai loại thuế, Công ty phải chịu xấp xỉ 29%. Mức thuế này cao hơn mức thuế của các nhà sản xuất Thái Lan, nhưng thấp hơn Hàn Quốc, Đài Loan. Chính vì vậy, CSM vẫn còn cơ hội để xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Khó khăn có tác động bao trùm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp là giá nguyên liệu và giá cước vận chuyển tăng cao, trong khi thị trường ô tô toàn cầu dự kiến sẽ suy giảm.

Nhằm chia sẻ mức thuế này với đối tác tại Mỹ, CSM đã đồng ý giảm giá 5% cho khách hàng đối với các sản phẩm chịu thuế. Ngoài ra, các sản phẩm lốp xe bán thép đã và đang được xuất khẩu sang một số quốc gia khác như Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh, Yemen…

Thực tế, không phải doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô nào cũng chịu tác động bởi quyết định áp thuế từ Mỹ. Theo Bộ Công thương, 95% doanh nghiệp xuất khẩu lốp ô tô từ Việt Nam sang Mỹ không chịu tác động bởi quyết định của DOC lần này, chỉ có 5% bị áp thuế chống trợ chấp, chống bán phá giá, trong đó có một số sản phẩm của Sailun (Việt Nam), Kumho Tire (Việt Nam)…

Đối với DRC, giới phân tích đánh giá, kết luận của DOC sẽ không ảnh hưởng đến DRC do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu vào Mỹ lốp xe tải nặng radial toàn thép - không phải sản phẩm bị điều tra bao gồm lốp bán thép, lốp tải nhẹ.

Khó khăn có tác động bao trùm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp là giá cao su thiên nhiên và giá cước vận chuyển tăng cao.

Lãnh đạo CSM cho hay, giá cao su thiên nhiên có diễn biến tăng kể từ quý III/2020 đến nay do thiếu nguồn cung, có thời điểm giá cao hơn cùng kỳ năm trước 40 - 50%. Công ty đã phải điều chỉnh giá bán trong tháng 12/2020 và tháng 4/2021, mỗi lần tăng 3%, để bù vào phần chi phí tăng của nguyên vật liệu. Dự báo, mức biên lợi nhuận quý II/2021 của CSM sẽ bằng quý I/2021, nhưng thấp hơn so với quý III và quý IV năm ngoái.

Giá cước vận chuyển tăng cao do nhu cầu vận chuyển gia tăng đột ngột, trong khi các doanh nghiệp thiếu hụt container rỗng để xuất hàng.

Các khó khăn trên được nhận diện từ đầu năm 2021 nên nhiều doanh nghiệp ngành săm lốp ô tô lên kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Chẳng hạn, CSM đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Tương tự, DRC đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.055 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, giảm 6,2%. SRC lên kế hoạch đạt doanh thu 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng, tăng 8%.

Kết thúc quý I/2021, CSM đạt doanh thu 1.079 tỷ đồng, tăng 14,3%; lợi nhuận sau thuế 13,3 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ Công ty tăng giá bán một số mặt hàng và có sự đóng góp từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Trong khi đó, DRC ghi nhận doanh thu hơn 912 tỷ đồng, tăng13,6% và lợi nhuận sau thuế 63,6 tỷ đồng, tăng 72%; SRC đạt 265,2 tỷ đồng doanh thu và 10,1 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 32,2% và 37,5% so với cùng kỳ.

Đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường

CSM tập trung xuất khẩu vào thị trường Nam Mỹ và Đông Âu. Hiện tại, các sản phẩm lốp toàn thép của CSM được xuất khẩu sang Brazil, Ấn Độ, là những nước đang áp thuế chống phá giá cho lốp Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khối lượng xuất khẩu sang Ấn Độ chưa nhiều.

Do đó, CSM đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa các sản phẩm mang thương hiệu Advenza. Hiện Công ty triển khai được 44 trung tâm dịch vụ (thay dầu, rửa xe, thay thế phụ tùng…) trên toàn quốc, độc quyền quảng cáo Advenza và tiến tới sẽ có hơn 200 trung tâm dịch vụ tương tự. Công ty còn triển khai bán hàng trên kênh thương mại điện tử.

Trong khi đó, DRC đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ 13.000 - 15.000 lốp/tháng lên 20.000 lốp/tháng và lên kế hoạch xuất khẩu vào thị trường EU, dù sản phẩm săm lốp của DRC tại thị trường EU chưa cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc. Lốp Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại EU, nhưng mức thuế khá thấp, nên giá sản phẩm vẫn ở mức cạnh tranh.

Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với EU, thuế suất nhập khẩu săm lốp vào thị trường này là 0%, nhưng EU đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn Emark và chứng nhận Reach. Chính vì vậy, DRC buộc phải thay đổi nhà cung cấp nguyên vật liệu, điều này khiến cho giá sản phẩm của Công ty chưa cạnh tranh được tại EU.

Do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm lốp Bias ngày càng giảm, nên DRC sẽ tận dụng công suất dôi dư từ nhà máy Bias để làm một số sản phẩm mới như lốp nông nghiệp, lốp ATV, lốp motorcross.

Công ty cũng sẽ phát triển sản phẩm cho dòng xe tải, xe khách đường dài, dự kiến bán thương mại vào quý III/2021. Dòng sản phẩm này dựa trên chuyển giao công nghệ từ châu Âu có chất lượng tốt.

Nếu như DRC hay CSM mở rộng về mặt sản phẩm và thị trường xuất khẩu, thì SRC lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh. SRC vừa công bố bổ sung mảng bán buôn thép, xây dựng và lấn sân sang cả điện mặt trời.

Theo lãnh đạo SRC, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới có diễn biến phức tạp, giá vật tư trong nước và nhập khẩu liên tục tăng, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do sức cầu của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial, sản phẩm SRC chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty sản xuất sản phẩm cùng loại và hàng nhập khẩu…

Công ty đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, chủng loại của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngành săm lốp liên quan mật thiết tới ngành ô tô, năm 2021, dự báo thị trường ô tô toàn cầu suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu săm lốp giảm theo, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục