Doanh nghiệp săm lốp: Tìm điểm sáng giữa khó khăn

(ĐTCK) Thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp niêm yết chịu nhiều sức ép suy giảm trong bối cảnh thị trường chung khó khăn và lo ngại hoạt động sản xuất, xuất khẩu đình trệ bởi dịch Covid-19, nhưng nhóm doanh nghiệp này có không ít điểm sáng để kỳ vọng. 
Sự sụt giảm của giá cao su tự nhiên và giá dầu là yếu tố tích cực với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp. Sự sụt giảm của giá cao su tự nhiên và giá dầu là yếu tố tích cực với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp.

Doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn

Dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp khi chia sẻ gần đây của lãnh đạo nhiều hãng sản xuất ô tô cho biết, các hãng gặp phải vấn đề thiếu hụt linh kiện, phụ tùng và có thể phải tạm ngưng sản xuất.

Sự đình trệ này tất yếu sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ lốp sụt giảm, đối tác có thể giãn nhận hàng với hợp đồng đã ký và tạm ngừng ký kết các hợp đồng mới.

Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, xuất khẩu, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, nhất là những doanh nghiệp mà hoạt động xuất khẩu có tỷ trọng đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu như Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng (DRC), Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM).

Doanh nghiệp săm lốp: Tìm điểm sáng giữa khó khăn ảnh 1

Tại DRC, báo cáo tài chính năm 2019 cho biết, Công ty đạt 3.858 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 8,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 313 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2018.

Doanh thu của DRC tăng trưởng trở lại có đóng góp chủ yếu từ việc tiêu thụ lốp radial tăng trưởng nhanh, bù đắp cho sự sụt giảm tại các sản phẩm lốp bias, nhất là sau khi ký kết được đơn hàng thực hiện xuất khẩu sang Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, khiến sản phẩm lốp ô tô của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá cao, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC, sản lượng tiêu thụ lốp radial của DRC trong năm 2019 đạt 551.000 lốp, tăng 36% so với năm 2018, nhà máy hoạt động ở mức 85% công suất.

Từ tháng 3/2019, DRC đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 10.000 lốp/tháng, chiếm 20% sản lượng lốp radial. Trong khi đó, tiêu thụ lốp bias giảm khoảng 6,5% do thị trường nội địa đã bão hòa, đối tác lớn tiêu thụ khó khăn và xu hướng chuyển sang tiêu thụ lốp radial.

Thuyết minh về cơ cấu doanh thu của DRC cho biết, doanh thu xuất khẩu trong 2019 tăng 29,6% so với năm 2018 và chiếm 45% cơ cấu doanh thu, trong khi doanh thu nội địa giảm 4%.

Trước đó, năm 2018, doanh thu xuất khẩu tăng 19,7% so với năm 2017, trong khi doanh thu nội địa giảm 12,6%. Bởi vậy, bất kỳ khó khăn nào trong hoạt động xuất khẩu tất yếu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận.

So với DRC, CSM được đánh giá khó khăn hơn do Công ty dồn sức mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2019, chấp nhận gia tăng chi phí trong ngắn hạn để phát triển thị trường, đánh đổi lợi nhuận lấy tăng trưởng, khiến lợi nhuận khá mỏng.

Báo cáo tài chính tự lập của CSM cho thấy, năm 2019, Công ty đạt 4.265 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,6% so với năm 2018.

Chưa thuyết minh chi tiết về cơ cấu doanh thu, nhưng xuất khẩu tăng trưởng chính là nguyên nhân được CSM nhiều lần nêu ra khi lý giải doanh thu tăng qua các quý.

Ðối tác đáng chú ý nhất của CSM hiện nay là TireCo (Mỹ), sản lượng xuất khẩu cho đối tác này tăng từ 200.000 lốp năm 2017 lên 900.000 chiếc trong năm 2018 và nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019.

Ngoài ra, CSM đã ký kết hợp đồng hợp tác về cung cấp lốp ôtô TBR cho đối tác JinYu (Trung Quốc).

Trong năm 2019, chi phí bán hàng của CSM là 224,3 tỷ đồng, chiếm 38,8% lợi nhuận gộp và tăng 63% so với năm 2018, bỏ xa tốc độ tăng trưởng doanh thu vì sự gia tăng đáng kể các chi phí xuất khẩu, khiến lợi nhuận trước thuế không đạt kế hoạch.

Con số 65,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được tăng 8,1 lần là do kết quả thực hiện năm 2018 quá thấp.

Những điểm sáng kỳ vọng

Giá cao su tự nhiên trong thời gian qua giảm mạnh, dự báo sẽ tiếp tục có xu hướng giảm nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và làm giảm nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên.

Cùng với dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, việc các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng khiến giá dầu Brent và WTI lao dốc.

Với việc cuộc chiến giá dầu dự báo chưa sớm hạ nhiệt, giá các sản phẩm cao su tổng hợp theo đó dự kiến cũng sẽ giảm mạnh.

Nếu như sự sụt giảm của giá cao su tự nhiên và giá dầu đem đến triển vọng buồn cho các doanh nghiệp trồng, khai thác mủ cao su, hay các doanh nghiệp dầu khí thì ngược lại, đây lại là yếu tố tích cực với các doanh nghiệp sản xuất săm lốp.

Bởi lẽ, cao su tự nhiên và cao su tổng hợp hiện là nhóm nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí sản xuất, với tỷ trọng lên đến 50%.

Do đó, sự sụt giảm của giá 2 loại nguyên vật liệu chính được kỳ vọng sẽ giúp các nhà sản xuất cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Trong giai đoạn cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, giá cao su tự nhiên tăng gấp đôi chỉ sau 6 tháng, cùng với giá dầu trên đà hồi phục và độ trễ trong việc đàm phán tăng giá bán đầu ra, khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp săm lốp đồng loạt giảm mạnh.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của CSM giảm từ 20,7% trong năm 2016 xuống 12,31% trong năm 2017 và 10,87% trong năm 2018.

Tương tự, tại DRC, biên lợi nhuận gộp từ mức 21,7% trong năm 2016 giảm xuống 12,45% trong năm 2017 và 12,12% trong năm 2018.

Biên lợi nhuận gộp giảm khiến lợi nhuận trước thuế của cả 2 doanh nghiệp xuống mức thấp nhất nhiều năm. Tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC), biên lợi nhuận gộp cũng có xu hướng giảm.

Tình hình khả quan hơn trong năm 2019 khi giá nguyên vật liệu không có nhiều biến động bất thường, giúp doanh nghiệp cân đối được bài toán đầu vào và đầu ra, cộng với nỗ lực tiết giảm chi phí, nên biên lợi nhuận hồi phục.

Dù còn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2014 - 2016, nhưng cùng với những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu giúp tăng doanh thu, tình hình lợi nhuận đã tích cực hơn sau nhiều năm đi xuống.

Bởi vậy, tình hình giá các loại nguyên vật liệu như cao su tự nhiên, cao su tổng hơp cùng với giá các nguyên vật liệu khác như than đen, thép tanh, vải mành… đang có xu hướng giảm hiện nay được kỳ vọng sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp săm lốp cải thiện biên lợi nhuận.

Việc dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc phần nào có lợi cho các doanh nghiệp săm lốp tại thị trường nội địa, bởi các nhà máy sản xuất lốp nước này bị đình trệ hoạt động, xuất nhập khẩu gặp khó khăn.

Ðiều này giúp giảm áp lực cạnh tranh khi săm lốp Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn do có giá bán thấp hơn.

Rõ ràng, dưới tác động của dịch bệnh, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp trong ngắn hạn được dự báo sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ phần nào được giảm bớt từ việc giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm và áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa giảm.

Thậm chí, khó khăn có thể được biến thành cơ hội nếu các doanh nghiệp tăng cường tích lũy nguyên vật liệu giá rẻ, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, làm tốt công tác khách hàng và sẵn sàng cho việc đẩy mạnh sản xuất trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và giao thương thuận lợi.

Về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, tăng thêm khả năng tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu vào thị trường EU khi thuế nhập khẩu đối với sản phẩm săm lốp ô tô giảm.

Ngoài câu chuyện thị trường chung, mỗi doanh nghiệp săm lốp hiện nay cũng có yếu tố riêng để kỳ vọng.

Chẳng hạn DRC, nhà máy Radian giai đoạn 1 sẽ hết khấu hao từ năm 2021, giúp giảm mạnh chi phí cố định. Nếu khó khăn ngắn hạn qua đi, DRC có thể sớm trở lại giai đoạn lợi nhuận cao như 2015 - 2016.

Với CSM là câu chuyện thoái vốn nhà nước. Theo Ðề án tái cấu trúc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017 - 2020, CSM cùng với DRC và SRC là 3 doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem nắm giữ dưới 50%, nhưng trong năm 2019 mới tổ chức đấu giá bán một phần vốn tại DRC và SRC. Do vậy, việc bán vốn tại CSM nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong năm nay.

Tại SRC, sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành được kỳ vọng sẽ đem lại “làn gió mới” sau nhiều năm hầu như không có hoạt động đầu tư mới nào đáng kể.

Mới đây, Công ty công bố quyết định góp 50% vốn thành lập Công ty cổ phần Sao Vàng - Hoành Sơn để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất săm lốp Cao su Sao Vàng tại Hà Tĩnh, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục