Doanh nghiệp quy mô vừa ASEAN có thể tìm đến Việt Nam

(ĐTCK) Với thị trường nội địa ngày càng phát triển, lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Việt Nam được xem là cơ hội để các doanh nghiệp quy mô vừa trong khu vực ASEAN mở rộng hoạt động kinh doanh.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Việt Nam nằm trong “nhóm 7%”- những quốc gia mà theo dự báo của Standard Charterd sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7% trong thập niên 20 của thế kỷ XXI, từ đó tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế sau mỗi thập niên. Động lực cho sự thành công của Việt Nam là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhận ra tiềm năng của Việt Nam, minh chứng là vốn FDI trong năm 2018 đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2019, dòng vốn này đã ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ lên đến 69,1%.

Doanh nghiệp quy mô vừa ASEAN có thể tìm đến Việt Nam ảnh 1

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered

Thành tích ấn tượng này một phần nhờ vào vị thế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trong khối ASEAN. Việt Nam hiện là thành viên của 26 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ đó mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô vừa trong khu vực lựa chọn đặt cơ sở hoạt động. Môi trường thương mại của Việt Nam sẽ còn được cải thiện hơn nữa khi EVFTA có hiệu lực vào cuối năm nay.

Việt Nam cũng có thế mạnh về nhân khẩu học, từ đó mang đến sự bảo đảm cho triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Dân số trẻ, có học thức và am hiểu về kỹ thuật số là một ví dụ. Điều này không chỉ tạo ra một nền tảng vững chắc cho lực lượng lao động có hiệu quả cao, mà còn thúc đẩy nhu cầu về bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến triển vọng tăng trưởng của ASEAN.

Các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng

Lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đóng vai trò là trụ cột kinh tế quan trọng, với doanh thu năm 2018 tăng 11,7% lên 191 tỷ USD. Lĩnh vực này đem lại rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp quy mô vừa tại ASEAN, khi mà thu hút vốn FDI của lĩnh vực bán sỉ và lẻ đạt 3,37 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 10,3% tổng vốn FDI.

Lĩnh vực quan trọng thứ hai đối với tương lai thịnh vượng của ASEAN là sản xuất. Với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI ở mức 11% trong vòng 5 năm đến năm 2018, từ lâu, đây đã là ngành công nghiệp quan trọng tại Việt Nam nhờ lợi thế về lực lượng lao động có mức chi phí cạnh tranh và sự quan tâm của Chính phủ dành cho ngành công nghiệp phụ trợ. Hơn một nửa trong tổng số 100 tỷ USD vốn FDI đã chảy vào lĩnh vực sản xuất từ năm 2013 và Standard Chartered kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong trung hạn.

Một lĩnh vực quan trọng nữa của ASEAN là cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ chi 920 triệu USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2020, trong khi đó, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ là một trọng tâm trong 5 năm tới.

Các doanh nghiệp quy mô vừa tại ASEAN ở một vị thế đặc biệt thuận lợi để tận dụng và gặt hái lợi ích từ nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Cùng với đó là yếu tố nhân khẩu học và sự phát triển của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc phân khúc này có năng lực để đầu tư mạnh mẽ hơn vào các giải pháp sáng tạo so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, cũng như có thể linh hoạt hơn so với các tập đoàn đa quốc gia ở quy mô lớn.

Vấn đề mấu chốt đối với các doanh nghiệp quy mô vừa là áp dụng các chiến lược phù hợp để gặt hái những kết quả tốt nhất. Những chiến lược như vận hành thông minh hay ứng dụng công nghệ có thể giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí. Ví dụ, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm quan trọng về cung ứng quy trình doanh nghiệp (Business Process Outsourcing). Trong khi đó, việc Chính phủ không ngừng đầu tư vào giáo dục theo định hướng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đang giúp lĩnh vực sản xuất hàng điện tử phát triển mạnh mẽ.

Để nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp quy mô vừa cần hợp tác với một tổ chức tài chính am hiểu sâu sắc về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và có mạng lưới hoạt động rộng khắp tại ASEAN và trên toàn cầu để có thể hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài cũng như định hướng ở môi trường kinh doanh trong nước.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục