Cần ý thức chủ động minh bạch thông tin từ bên bán
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Phát Thịnh Group
Ở góc độ vừa đầu tư và tư vấn, hiện nay tôi cho rằng, mảng pháp lý, về cơ bản Nhà nước đang hoàn thiện, nhưng có những vấn đề thủ tục, thông tin công khai để nhà đầu tư hiểu rõ đối tác cần tiếp cận nghiên cứu thì vẫn còn kém cả ở doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân.
Trong hơn 8 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, chúng tôi chọn lọc khoảng 20-30 đơn vị để tư vấn dưới góc độ cho nhà đầu tư nước ngoài hiểu thêm những cái hoạt động thương vụ nào khả thi để họ sẽ tiến hành nghiên cứu sâu.
Trong số nhà đầu tư chúng tôi tiếp cận và làm việc, khu vực châu Á, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc và một số nước châu Âu là những quan tâm một số lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, một số doanh nghiệp thoái vốn nhà nước, tùy theo khẩu vị đầu tư.
Bên cạnh nhiều thương vụ thành công, cũng có những thương vụ kéo dài thời gian, bỏ dở giữa chừng, những trường hợp này đa phần xảy ra ở những doanh nghiệp nhà nước có bộ ngành chủ quản từ định giá, thủ tục, cơ quan chủ quan cho ý kiến từ duyệt phương án.
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại về thủ tục, từ xin bộ này đến thẩm định bộ kia, thủ tục thực hiện không đúng quy trình, kéo dài gây chán nản với nhà đầu tư.
Những thay đổi về mặt pháp lý, thủ tục dù có, nhưng theo tốc độ nhu cầu của thị trường vẫn chưa theo kịp và đồng bộ và nó cũng thực sự chưa theo kỳ vọng nhà đầu tư ngoại. Do đó, hoạt động M&A ở các doanh nghiệp nhà nước vừa rồi, chỉ có một số thương vụ mang tính trọng điểm chỉ đạo quyết liệt như Sabeco mới thành công nhanh chóng, còn lại thì gần như kéo dài.
Bên cạnh đó, việc công bố thông tin, hồ sơ sổ sách, chiến lược về quản trị và kể cả vấn đề thông tin về báo cáo tài chính các kỳ theo chuẩn mực thế giới để nhà đầu tư quốc tế tiếp cận được và đánh giá đúng giá trị doanh nghiệp, tiềm năng phát triển doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh thị trường... vẫn đang tồn tại hạn chế nhà đầu tư tiếp cận để đi đến đàm phán.
Dù vậy, về nguyên lý thị trường, bất cứ chỗ nào có lợi nhuận tiềm năng thì nhà đầu tư sẽ tìm tới. Đặc biệt, khi Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức đánh giá nhiều tiềm năng, nhưng để đạt được kỳ vọng cũng như cầu thị trường, thì cần thúc đẩy nhanh và mạnh hơn vừa thông qua tiếp tục cải cách thủ tục và bản thân doanh nghiệp chủ động tiếp cận thông lệ thế giới.
Nên nghiên cứu kỹ các điều khoản khi M&A
Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Seamaster Việt Nam
Chúng tôi tham gia Diễn đàn để hiểu hơn về thị trường M&A Việt Nam, còn về ý định M&A các doanh nghiệp Việt Nam thì chưa có kế hoạch cụ thể, bởi tập đoàn mẹ vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.
Công ty mẹ tại Singapore đã có từ năm 1950 và đầu tư trực tiếp xây dựng nhà máy và mang thương hiệu vào Việt Nam cách đây hơn 20 năm.
Những thông tin tại diễn đàn có thể thấy tiềm năng của thị trường M&A mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tồn tại những mặt trái, trong đó có vấn đề về thâu tóm.
Tôi cho rằng, khi ký hợp đồng mua bán sáp nhập, 2 bên liên kết với nhau, còn để thâu tóm thì trong điều khoản ghi rõ nhưng do doanh nghiệp không lường trước được những rủi ro của nó. Vấn đề không thể trách tổ chức đầu tư, mà bản thân doanh nghiệp nghiên cứu kỹ điều khoản trước khi hợp tác.
Theo kế hoạch phát triển, trong vòng vài năm tới, công ty chúng tôi sẽ đầu tư thêm một nhà máy tại khu vực miền Bắc. Việt Nam đang trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư, trong đó có FDI (đầu tư trực tiếp) và có những chuyển biến khá tốt, nhưng để nói đáp ứng được nhu cầu thì rõ ràng cần cải cách nhiều hơn nữa, nhất là thời gian và thủ tục cấp phép đầu tư.
M&A như một chu kỳ “có lên ắt có xuống”
Ông Rick Marchese, Đại diện AMAA Global, Tổng giám đốc Lares Loreno Private Capital
Quy mô thị trường M&A đang tăng trưởng nhanh, thị trường ngày càng chuyên nghiệp hơn với nhiều thương vụ ngày càng phức tạp hơn cần sự tư vấn của các cơ quan chuyên nghiệp.
Theo tôi, M&A luôn dựa trên vốn sẵn có nên tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ phải làm quen với thị trường chứng khoán. Khi quen với thị trường niêm yết thì nhà đầu tư sẽ làm quen thị trường tư nhân.
Nếu nhìn hiện tượng trên thế giới, như những gì đã từng diễn ra ở Mỹ hay Trung Quốc thị trường M&A hoạt động có tính chu ký có lên và có xuống.
Thực tế cho thấy, một khi khủng hoảng xảy ra, nhất là nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thực sự xảy ra, các công ty có xu hướng thắt chặt tiền tệ và thị trường M&A không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng, thị trường M&A của Việt Nam hiện tại đang ở đỉnh cao nhưng có thể đi xuống, dù không biết khi nào. Do vậy, nếu doanh nghiệp có ý định thoái vốn hay M&A thì nên tranh thủ bán sớm ngay khi thị trường đang tốt. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi mà các hiệp định thương mại tự do tiếp tục được ký kết giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn.
Tôi nghĩ, các công ty Việt Nam rất may mắn, bởi vì Việt Nam vẫn đang vẫn là nền kinh tế hấp dẫn và các nhà đầu tư sẽ đến sớm để tìm công ty hấp dẫn để thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều công ty tư nhân không sẵn sàng M&A, phần lớn kinh doanh cho gia đình họ sau đó dường như không muốn tối đa hóa lợi nhuận, giá trị. Nếu muốn bán phải làm cho công ty của bạn trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư.
M&A trong khởi nghiệp: Đau đầu vẫn là định giá
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM
Một số chuyên gia tại Diễn đàn đã nói về xu hướng hiện nay của M&A là các ngành tiêu dùng, thực phẩm. Tôi thấy đây là những thông tin chính xác, phản ánh đúng khẩu vị của các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hầu hết đến từ các nước thuộc khu vực châu Á gần gũi về văn hóa và thị trường, họ đang nhắm đến thị trường Việt Nam bởi có lượng người tiêu dùng lớn, đó cũng là lý do họ tập trung vào ngành tiêu dùng.
Tuy nhiên, là một trong những “cá mập” tham gia “Thương vụ bạc tỷ”, chúng tôi có khẩu vị đầu tư khác, đó là tập trung vào các công ty công nghệ.
Với lực lượng trẻ của Việt Nam, đặc biệt là startup trong lĩnh vực công nghệ đang tăng, chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ chứng kiến nhiều hơn những thương vụ M&A về công nghệ.
Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay trong M&A các công ty công nghệ là định giá vì các công ty này đang trong quá trình phát triển.
Điều này rất cần độ mở của các nhà đầu tư trong nước và tôi tin sẽ có sự thay đổi ở khẩu vị đầu tư trong tương lai. Đồng thời, tôi hy vọng M&A sẽ đến nhiều hơn từ các nhà đầu tư trong nước và mở rộng nhiều ngành hơn. Như vậy, sẽ làm cho thị trường M&A nhiều sắc màu hơn.