Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“

(ĐTCK) Chiều 8/8/2018, Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề "Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới" đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Gem Center TP.HCM với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng các diễn giả, doanh nghiệp và quan khách.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“

Năm 2018 là năm đánh dấu tròn một thập kỷ kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam lần đầu tiên được Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Vietnam tổ chức dưới sự cho phép và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong 10 năm qua, thị trường M&A Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Tổng giá trị thương vụ M&A giai đoạn 2009 -2018 đạt 48,8 tỷ USD với hơn 4.000 giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD.

Với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới.”, Diễn đàn M&A 2018 cung cấp cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam.

Diễn đàn M&A lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Xuyên suốt chương trình Diễn đàn là các phần trình bày từ diễn giả và 3 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề nóng hổi.

Phiên I: “Sức bật của thập kỷ” với Báo cáo tổng quan thị trường M&A Việt Nam 10 năm qua và dự báo xu hướng thị trường trong thời gian tới do KPMG Việt Nam công bố.

Phiên II: “Sức hút thị trường 100 triệu dân” sẽ được các diễn giả tên tuổi phân tích, bình luận. Đó là các ông Fan Li, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus; Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản); Ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam; Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam và bà Jiun Park, Phó giám đốc, Trung tâm xúc tiến M&A Toàn Cầu – Kotra (Hàn Quốc).

Phiên III: “Chiến lược M&A tăng trưởng đột phá” với các diễn giả là tên tuổi đã và đang trực tiếp tạo lập nên các thương vụ đình đám. Đó là TS. Young-Sup Joo, Giáo sư, cố vấn chiến lược, nguyên Bộ trưởng Bộ doanh nghiệp Hàn Quốc; Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank; Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN; Ông Rick Marchese, đại diện AMAA Global, Tổng giám đốc Lares Loreno Private Capital; Bà Renee Kha, Giám đốc điều hành Công ty VietValues.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý đã đánh giá cao Diễn đàn M&A.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực nữa như tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công… Đồng thời, gợi ý một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư có thể quan tâm tham gia.

Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các diễn giả đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường M&A Việt Nam còn rất lớn khi kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện và Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.

Một số bài học và kinh nghiệm để có một thương vụ M&A thành công cũng đã được các diễn giả nêu ra trong các phiên thảo luận.

Để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng nhìn lại toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam một năm qua, Diễn đàn sẽ vinh danh các “Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2017 – 2018 tại Gala Dinner vào tối hôm nay, ngày 8/8/2018 ngay sau khi kết thúc Hội thảo.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 10 năm Diễn đàn M&A, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả bình chọn “100 thương vụ M&A tiêu biểu thập kỷ” và “Top 10 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu”.

Ngay sau Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ tổ chức Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá, trong hai ngày 9-10/8/2018, với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia chiến lược quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm thực tế trong tư vấn các thương vụ M&A.

Song hành với Diễn đàn, Báo Đầu tư chính thức phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường mua bán - sáp nhập Việt Nam 2018 – Vietnam M&A Outlook 2018” nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những dữ liệu nghiên cứu về thị trường M&A trong một năm được thu thập, tổng hợp, cập nhật một cách có hệ thống và khoa học; Đưa ra các dự báo về xu hướng phát triển của thị trường M&A trong thời gian tiếp theo...

Dưới đây là tóm tắt những thông tin chính từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2018:

Nội dung tường thuật

18:27 08/08

Ông Nguyễn Công Ái: DN Việt Nam khi M&A thường quan tâm đến mục tiêu tài chính, vậy nhà đầu tư nước ngoài thì như thế nào?

Ông Rick Marchese, đại diện AMAA Global, Tổng giám đốc Lares Loreno Private Capital: Chúng tôi luôn đặt ra bài toán trả đến mức cao nhất là bao nhiêu và thu được lời là bao nhiêu 15 hay 20%. Chúng tôi tư vấn, nhưng cũng là một nhà đầu tư. Chúng tôi luôn quan tâm vào các doanh nghiệp nhỏ và chủ doanh nghiệp có sẵn sàng để M&A hay không. Chỉ cần 1, 2 buổi gặp gỡ là chúng tôi sẽ có quyết định đáng để đầu tư hay không.

Có 3 yếu tố thành công cho một thương vụ M&A là DN đã sẵn sàng hay chưa (cần 1 năm chuẩn bị); phải sẵn sàng tâm lý ở nhiều vấn đề, tất nhiên trong đó có yếu tố tài chính; cuối cùng giá trị của thương vụ này có đạt kỳ vọng hay không.

18:18 08/08

Ông Nguyễn Công Ái: DN Việt Nam quan tâm vấn đề bảo vệ thương hiệu sau M&A như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam và Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, sau M&A, thương hiệu 2 công ty vẫn tồn tại. Sau M&A không phải là 1+1=2, mà bằng 3 và 4. Hiện tại, 2 công ty đều đang rất phát triển rất tốt với tốc độ tăng trưởng của mỗi công ty là 50% và 100% trong 6 tháng năm 2018.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PAN Group 

Trường hợp Bibica, tốn nhiều giấy mực của báo chí thời gian qua cũng là thương hiệu cuối cùng về bánh kẹo của Việt Nam chúng tôi giữ lại được. Nếu phía DN Hàn Quốc tăng tỷ lệ nắm giữ, thì khó có thể giữ được thương hiệu này.

Ông Nguyễn Công Ái: Khó nhất là liên kết được thói quen làm việc của 2 doanh nghiệp và văn hóa của 2 doanh nghiệp sau M&A. Bí quyết của PAN với 2 công ty giống cây trồng là gì?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Chúng tôi tôn trọng văn hóa của cả 2 công ty, với hệ thống quản trị hiện tạ. Chúng tôi phát triển thành văn hóa chung và giấc mơ chung dựa trên nền tảng văn hóa của mỗi bên.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 2
 Toàn cảnh phiên thảo luận thứ ba.
18:15 08/08

Ông Nguyễn Công Ái: Thế còn trong lĩnh vực ngân hàng, xin hỏi ông Trung, kinh nghiệm thành công của HDBank như nào?

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank: M&A nên nâng lên 1 tầng nghệ thuật hơn là 1 phép cộng. Nếu chúng ta cần 1 công ty tăng lên gấp đôi sau M&A thì cũng tốt, nhưng nếu nó tăng lên gấp 3 hay 5 lần thì tốt hơn rất nhiều.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm M&A tôi thấy rằng, các doanh nghiệp nếu như đã muốn tham gia M&A hãy xác định 1 chiến lược M&A đúng đắn. Các ông chủ, bà chủ không muốn bán mình, muốn giữ DN, thì khó M&A.

Khi có chiến lược M&A đúng đắn thì đã thành công 50%. Một nửa còn lại phục thuộc vào việc triển khai M&A như thế nào.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 3
 Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank trao đổi tại phiên thảo luận 3.

Với HDBank, M&A là cơ hội tuyệt vời để phát triển. Nó gia tăng về mặt số học và quan trọng hơn là cộng hưởng sức mạnh của hậu sáp nhập. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến giá trị cộng hưởng của  M&A. HDBank đã tìm hiểu 2-3 ngân hàng phái Bắc, nhưng cuối cùng dừng ở Đại Á Bank. Dù quy mô trung bình, nhưng Đại Á Bank lại có nền tảng tốt, đội ngũ nhân lực ổn, vị trí đắc địa ở phía Nam.

Chúng tôi thống nhất được với nhau về các giá trị của mình và chốt lại tỷ lệ hoan đổi 1:1 khi M&A. Tất cả cùng hài lòng về tỷ lệ hoán đổi, nên “đám cưới” khá thuận lợi. Sau đó để thành công còn nhiều bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Công Ái: M&A trên cơ sở con số tính toán rõ ràng, nhưng anh lại nói M&A giống như một đám cưới với nhiều xúc cảm. Vậy sự hòa hợp giữa 2 bên quan trọng như thế nào?

Ông Lê Thành Trung: Không thể phủ nhận M&A là vấn đề con số, nhưng mọi thứ phải hài hòa với nhau. Thực ra chúng tôi cũng phải trải qua những quá trình đàm phán vô cùng căng thẳng rà soát từng con số. Mọi thứ đều đặt trên những nguyên tắc rất rõ ràng với các công ty luật và kiểm toán tham gia, nhưng vẫn phải có nghệ thuật khi đàm phán và hài hòa lợi ích của các cổ đông.

18:07 08/08

Sau khi két thúc phiên 2, Diễn đàn bước vào phiên thảo luận thứ ba với chủ đề "Chiến lược M&A tăng trưởng đột phá". 

Phiên thảo luận này do ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam điều phối với các diễn giả là TS. Young-Sup Joo, Giáo sư, cố vấn chiến lược, nguyên Bộ trưởng Bộ doanh nghiệp Hàn Quốc; Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank; Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN; Ông Rick Marchese, đại diện AMAA Global, Tổng giám đốc Lares Loreno Private Capital; Bà Renee Kha, Giám đốc điều hành Công ty VietValues.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 4
 Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam điều phối phiên thảo luận thứ ba.

Ông Nguyễn Công Ái: Xin hỏi các diễn giả, tại sao các thương vụ khi thực hiện lại không thành công khi theo một thống kê, chỉ 2/5 các thương vụ đã ký kết thành công?

Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN: Lĩnh vực nông nghiệp không phải là lĩnh vực đơn giản, nhưng tại sao PAN lại chọn này?

Lý do là bởi ngành này là ngành lâu đời và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Chiến lược của chúng tôi là phát triển cơ học, nội lực của công ty song song với M&A các công ty cùng ngành để tạo ra chuỗi khép kín. Chúng tôi nhìn vào bộ máy hiện tại của Công ty đó khi M&A. Đội ngũ nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng trong M&A của PAN.

17:56 08/08

Ông Dominic Scriven: Vậy còn những thách thức ở đây là gì trong môi trường M&A Việt Nam?

Ông Fan LiGiám đốc điều hành, Quỹ đầu tư Warburg Pincus: Trước đây, mạng lưới chuyên môn chưa phát triển lắm, khi đó, chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ từ các công ty ở quốc gia khác. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã có nhiều DN có chuyên môn trợ giúp. Khi đầu tư thị trường nào đó, việc tìm thông tin và trợ giúp về chuyên môn rất quan trọng.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính, Công ty Deloitte Việt Nam: Chúng tôi làm việc ở các thương vụ có quy mô khác nhau, tiếp xúc nhiều nhà đầu tư khác nhau và thách đố gặp phải chính là định giá.

Người bán lại so sánh tương đồng với các giao dịch, không đủ thông tin, cơ sở để đưa ra định giá, rồi các điều kiện, các thời hạn… thông tin sẵn có để đưa ra định giá là gì.

Còn bên mua, muốn giá hợp lý, phải đa dạng biến so sánh trên thị trường. Rồi còn chất lượng thông tin và còn cả vấn đề người chủ DN không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho bên mua.

Ông Dominic Scriven: Định giá, theo kinh nghiệm của tôi thì thấy, khi gặp các DN Việt Nam, chúng tôi thường nghe điều đầu tiên là “giá rất cao”, nhưng gặp nhà đầu tư nước ngoài thì lại nghe rằng, họ luôn muốn giá rất thấp. Vậy phải làm sao? Rõ ràng trong lịch sử M&A, tất cả các giao dịch nói về định giá được đưa lên bàn mổ xẻ sau cùng và quyết định chính là chất lượng thông tin, sự sẵn sàng chia sẻ, và sự phân bổ rủi ro. Sau đó mới nói đến chuyện định giá. Quan điểm các ông/bà như thế nào?

Ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam: Phân bổ rủi ro rất quan trọng rồi mới đến định giá cao hay thấp. Người ta sẵn sàng trả giá cao nếu giảm thiểu được rủi ro của họ. Cần phân bổ được rủi ro ngay từ đầu, trước khi nói đến định giá, lúc đó giao dịch mới được chốt được

Ông Fan LiGiám đốc điều hành, Quỹ đầu tư Warburg Pincus: Thẩm định giá vẫn phải dựa trên quy luật cung cầu. Chúng tôi thẩm định thì nhìn vào tiềm năng của công ty đó (thương hiệu, tài sản…). Có nhiều quan điểm khác nhau khi nói về thẩm định, cũng nên cứ bám lấy 1 nguyên tắc và thực hiện đúng như vậy. Những nguyên tắc này không thể tự định ra. Nói chung, hoàn toàn ko có công thức

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản): Việc cân bằng giữa bên bán và mua chính là công việc của chúng tôi.

17:54 08/08

Ông Dominic Scriven: Các ông/bà có chia sẻ kinh nghiệm từ việc chuyển đổi từ nhà đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp?

Bà Jiun ParkPhó giám đốc Trung tâm xúc tiến M&A Toàn Cầu – Kotra (Hàn Quốc): Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam có thể xem là mạnh nhất, chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI, nhưng tỷ lệ đối với M&A thì chưa đạt kỳ vọng, chỉ khoảng 5%.

Tuy vậy, con số giao dịch lại đang tăng nhanh. Năm 2017, tổng số M&a từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 300 triệu USD, nhưng 6 tháng đầu năm 2018 đã khoảng 200 triệu USD.

Tôi cho rằng, có sự đồng bộ gữa DN Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng cũng cần gia tăng hơn nữa sự hợp tác, liên minh 2 phía.

Các DN vừa cũng nhắm đến thị trường Việt Nam. Dĩ nhiên, họ cần đối tác trong nước để cùng phát triển hoạt động kinh doanh sau khi mua vốn, tạo đội ngũ hoạt động hậu M&A.

Ngoài ra, tôi thấy có nhiều nhu cầu của DN Hàn Quốc không chỉ ở Việt Nam, mà mở rộng ra thị trường khác như Myanma, Lào, Campuchia…và đối tác Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 5

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản):  Nhật Bản chắc chắn muốn tăng số lượng tăng đầu tư FDI, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng, có thể tăng lên 9-10 tỷ USD. Còn thị trường M&A, số giao dịch cũng tăng. Các DN trung và vừa vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính, Công ty Deloitte Việt Nam: Có sự xoay chuyển dòng vốn qua các lĩnh vực. Chẳng hạn, tiêu dùng, họ cần hiểu biết thị trường địa phương, hệ thống phân phối - vấn đề đầy thách thức. Vốn FDI muốn vào thì cần tiếp cận được kênh phân phối, nên biết kết nối với DN địa phương. Nếu ko, sẽ rất mất thời gian.

17:51 08/08

Về lĩnh vực bất động sản, ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam cho biết: Dân số Việt Nam trẻ và phát triển nhanh, kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở cũng rất lớn. Do vậy, các nhà đầu tư bất động sản tiếp cận được quỹ đất để phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ở tầng lớp trung lưu, ngoài nhu cầu ở còn có đòi hỏi cao hơn về các hoạt động, các tiện ích xung quanh.

Không gian xung quanh vẫn chưa được đáp ứng, nhất là lĩnh vực văn phòng ở TP.HCM. Tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực này tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… khoảng 4-5%, trong khi tại TP.HCM là khoảng 8%, nhưng thách thức lại chính là việc mở rộng quỹ đất.

17:49 08/08

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản) cho biết: "Với các công ty Nhật Bản, chúng tôi đi sau các bạn Hàn Quốc do thiếu khả năng quyết định nhanh. Thường các đối tác Nhật muốn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, rất cẩn trọng nên đi sau là vì vậy.

Chúng tôi cho rằng, các công ty Nhật bản quan tâm nhiều hơn vào hoạt động sản xuất, vào ngành năng lượng. Đồng thời, những sản phẩm nông nghiệp cũng bắt đầu thu hút.

Các công ty toàn cầu của Nhật cũng thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Chủ sở hữu của những công ty này thường hơn 60-70 tuổi, nên họ bắt đầu tìm kiếm thế hệ kế thừa – thế hệ này cũng thay đổi luôn sản phẩm của mình, năng động hơn cac thế hệ trước và sẵn sàng khám phá các lĩnh vực mới.

Trước đây, hoạt động M&A của Nhật Bản rất mạnh nhưng tỷ lệ thành công ngày càng giảm, chỉ còn 1/3 năm trước và giảm đi trong 6 năm qua. Ở Việt Nam, tôi thấy giao dịch sôi động nhưng các chủ DN Việt thường cũng do dự trong hoạt động này".

17:48 08/08

Điều phối phiên thảo luận thứ hai, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital hỏi các diễn giả: Yếu tố nào để nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam?

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 6
Ông Dominic Scriven điều phối phiên thảo luận thứ hai.

Ông Fan Li, Giám đốc điều hành, Quỹ đầu tư Warburg Pincus trả lời: Nhìn vào tầng lớp trung lưu đang nổi lên và phát triển nhanh. Sức tiêu thụ cũng tăng lên, do vậy, chúng tôi đã giúp một công ty bán lẻ từ năm 2013 và nay đã phát triển Vincom trở thành dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ Việt Nam.

Yếu tố thứ hai có thể đầu từ là dòng vốn FDI vào Việt Nam có mức độ phát triển tốt trong những năm qua. Nhiều nhà sản xuất đến đây này tìm đất, nhà xưởng, kho bãi để thuê…, chúng tôi cũng đang thiết lập liên doanh với Becamex để đáp ứng nhu cầu này.

Và yếu tố thứ ba chính là du lịch. Nhìn lịch sử cho thấy, so với Nhật, Đài Bắc (Trung Hoa)..., thì nguồn lực tài nguyên trong du lịch của Việt Nam rất phong phú .

Với sự phát triển của các hãng hàng không, cơ sở sân bay cải thiện - là yếu tố tăng lĩnh vực lưu trú, lữu hành. Do vậy, đã có những cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực khách sạn, hoặc có sự kết hợp giữa các thương hiệu quốc tế và nội địa trong lĩnh vực du lịch.

17:41 08/08

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital: Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, cùng với mức độ tiêu dùng ngày càng gia tăng đang được đánh giá là thị trường tiềm năng, nhưng đâu sẽ là lĩnh vực hấp dẫn được dòng vốn nước ngoài?

Về vấn đề này, bà Jiun Park, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến M&A Toàn Cầu – Kotra (Hàn Quốc) cho biết, các công ty Hàn Quốc thường tập trung nhiều thông tin về những lĩnh vực mục tiêu. Tuy nhiên, lĩnh vực thu hút đã có sự thay đổi, khu công nghiệp là lĩnh vực đầu tiên thu hút. Dù vậy, luồng đầu tư này đã chậm lại do sự thay đổi trên thị trường cũng như ở các nước châu Á.

Nhiều công ty vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đã bắt đầu muốn tham gia ở Việt Nam. Cả ở Việt Nam cũng có nhiều công ty vừa và nhỏ xuất hiện.

Và đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, lĩnh vực hấp dẫn là logistic. Những công ty dịch vụ của Hàn Quốc đang tham gia và rất muốn tìm hiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn có lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các công ty dược phẩm - đã bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu các công ty dược tại Việt Nam. Các giao dịch trong lĩnh vực này đã xuất hiện và liên minh chiến lược cũng đang được hình thành trong các lĩnh vực này.

17:30 08/08
Kết thúc phiên 1, Diễn đàn bước vào phiên 2 với chủ đề “Sức hút thị trường 100 triệu dân”.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 7
 Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận thứ hai.
Trong phiên thảo luận này có các diễn giả là ông Fan Li, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus; Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof (Nhật Bản); Ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam; Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam và bà Jiun Park, Phó giám đốc, Trung tâm xúc tiến M&A Toàn Cầu – Kotra (Hàn Quốc). Điều phối phiên này là ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.
16:25 08/08

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin hỏi ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, với sự sẵn sàng về môi trường và các yếu tố thúc đẩy phát triển, ông có tin thị trường M&A bước sang giai đoạn mới với qyu mô lớn hơn?

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital: 10 năm trở lại đây, môi trường M&A đã thay đổi rõ nét. Có thể 10 năm tới, môi trường sẽ biến động theo hướng theo nhu cầu Việt Nam cần cái gì và tăng yếu tố chọn lọc hơn trong các hoạt động M&A theo hướng nội lực quyết định, ngoại lực quan trọng.

Quỹ của chúng tôi quan tâm đến hoạt động M&A vừa mua, vừa bán tại các doanh nghiệp Việt Nam. Phải kiếm các nhà đầu tư để tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng ta chưa nghe nói nhiều đến vấn đề kế thừa trong các doanh nghiệp. Các ông chủ thế hệ cũ đã đến tuổi về hưu hoặc doanh nghiệp đã tăng quy mô, cần có sự thay đổi chiến lược phát triển. Trong thời đại 4.0, cần có các ông chủ thế hệ mới.

Nguồn vốn đầu tư sau này có thể bắt nguồn từ nước ngoài hay trong nước. Sau này, sẽ bớt đi câu chuyện ai sẽ là chủ, mà sẽ tập trung vào vấn đề tăng sức mạnh cho doanh nghiệp.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 8

TS Nguyễn Anh Tuấn: Ông đặt kỳ vọng thị trường chuyển quy mô lớn hơn không?

Ông Dominic Scriven: Chắc chắn có, vì quy mô M&A tại Việt Nam bây giờ đã bằng Indonesia, Malaysia, và trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều 2 thị trường này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Về phía SCIC, xin hỏi ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, các ông sẽ chào hàng hóa nào cho các nhà đầu tư nước ngoài tại đây?

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC: Tổng công ty tiếp tục thoái vốn 140 doanh nghiệp. trong đó có 10 doanh nghiệp lớn như VNM, Bảo Minh, Dược Hậu Giang… Đây là những DN có giá trị lớn và những mặt hàng này chắc chắn sẽ hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư, thông tin cũng được SCIC công khai. Rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

16:00 08/08

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin hỏi ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thị trường chứng khoán (TTCK) đóng góp thế nào vào M&A? 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK: Từ khi có TTCK, các hoạt động M&A sôi động hơn, trong thời gian tới với quyết tâm của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, chúng tôi tin rằng, thị trường vẫn phát triển bền vững và ổn định.

Hiện nay, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ổn định và hiệu quả, lợi nhuận doanh nghiệp trong quý II/2018 cao hơn cùng kỳ và cao hơn quý I/2018.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong danh sách tiếp tục thoái vốn, sẽ thúc đẩy M&A tiếp tục phát triển.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 9
 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các doanh nghiệp bên lề Diễn đàn M&A 2018.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt các vấn đề thoái vốn trong 127 doanh nghiệp nằm trong danh sách, trong đó năm nay có 64 doanh nghiệp.

Về cách thoái vốn, Chính phủ đang nghiên cứu thêm các phương thức mới ngoài việc bán qua sàn, chẳng hạn như phương thức dựng sổ...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI được đối xử bình đẳng trên thị trường chứng khoán. Nghị định 60 cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ không hạn chế số lượng cổ phần của doanh nghiệp trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tuân theo các Hiệp định quốc tế chúng ta cam kết.

Tuy nhiên, luật hiện nay đang giao quyền quyết định cho cổ đông bán bao nhiêu, nên có một số thắc mắc của nhà đầu tư. Khắc phục vướng mắc này, Chính phủ đang có dự thảo luật quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

15:58 08/08

Theo các diễn giả, vẫn còn những rào cả về pháp lý mà Chính Phủ Việt Nam cần hoàn thiện hơn để thúc đẩy M&A tại Việt Nam cũng như thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia quan tâm tới hai vấn đề chính yếu, bao gồm, môi trường kinh doanh đầu tư lành mạnh.

Trong hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, ông Warrick Cleine đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực để cải thiện, nhất là ở các bộ, ban ngành có liên quan trực tiếp trong quá trình của hoạt động M&A.

Nhưng vấn đề mà ông Warrick Cleine cho rằng cần tiếp tục cải thiện là việc giảm bớt các thủ tục, thời gian trong quá trình chấp thuận các thủ tục, nhiều giao dịch không nhất thiết phải có sự chấp thuận từ phía lãnh đạo các cơ quan Nhà nước.

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie chia sẻ, 10 năm trước, khi tiếp cận các nhà đầu tư thì họ xem xét vấn đề logistic, hậu cần…liên quan đến các công ty vận tải. Tuy nhiên bây giờ, họ xem xét đến hợp tác trong khu vực, xem xét Chính phủ Việt Nam có những hành động và cam kết như thế nào trong việc thúc đẩy nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhìn vào thực tế diễn ra như các luật định được cải thiện ra sao, một số ngành nghề có độ mở ra sao và ở các ngành nghệ có điều kiện theo cam kết WTO thì có lộ trình “mở” như thế nào.

Ông Seck Yee Chung cho rằng, đây chính là thời điểm để kiểm định và thay đổi rõ rệt hơn nữa môi trường pháp lý Việt Nam, chẳng hạn bằng cách nào để hài hòa các khung pháp lý về đầu tư, các yêu cầu về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài…

Tổng kết lại, để các tiến trình này diễn ra nhanh hơn, thì Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn, các quy trình phê duyệt, cấp phép cần được làm nhanh gọn hơn. Điều này lại liên quan đến mô hình kinh doanh và hướng đi của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 10
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất.

“Tôi khẳng định, Chính phủ Việt Nam không có rào cản nào đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại trừ một số các cam kết WTO có các điều kiện ràng buộc trong đầu tư thì sẽ được mở từ từ”.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính Phủ giao cho 3 nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất là xây dựng chiến lược quốc giá về cách mạng công nghiệp 4.0 - có tác động to lớn, nhưng lại là cơ hội vàng cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể tăng tốc, phát triển và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Để tận dụng được, cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng.

Thứ hai, tận dụng cơ hội từ khả năng đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển trong thời đâị 4.0.

Thứ ba là vấn đề nhân lực. Người Việt tài năng có mặt trên khắp thế giới, trong đó nắm nhiều vị trí quan trọng ở các trung tâm nghiên cứu, ở các tập đoàn lớn...

Bộ đã có báo cáo và được Thủ tướng đồng ý về việc thiết lập mạng lưới kết nối các tri thức Việt Nam ở nước ngoài và tri thức trong nước để cùng đóng góp, nghiên cứu, phát triển và phục vụ cho các yêu cầu mới.

Ngày 18-24/8 tới đây, Bộ sẽ tổ chức công bố mạng lưới đổi mới công nghệ quốc gia tại Hà Nội, sau đó sẽ được tổ chức tại TP.HCM.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư muốn mua các pháp nhân quy mô nhỏ để hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số, hoặc mua lại pháp nhân có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đang xây dựng chiến lược và xây dựng đề án kinh tế chia sẻ, lĩnh vực fintech...

Chính phủ chủ trương các lĩnh vực cần thiết thì có thí điểm, sau đó tổng kết và ban hành hệ thống sao cho tạo ra hệ sinh thái cho kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

15:04 08/08

Chủ trì  phiên 1, TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Báo Đầu tư hỏi: Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về khả năng của bên mua khi chúng ta sẽ cung cấp 1 nguồn hàng lớn ra thị trường?

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời: Thị trường tùy thuộc cung cầu, nên Chính phủ sẽ tính toán đưa ra nguồn cung phù hợp, chứ không đưa dồn dập hàng hóa ra.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 11
 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất.

Ngoài ra, cũng phụ thuộc nguồn cầu của các nhà đầu tư. Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Năm nay, sẽ công bố sách trắng chỉ số phát triển của các địa phương. Nội lực quyết định, ngoại lực quan trọng.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 12
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận 1.

Năm nay, Chính phủ sẽ tổng kết 30 năm thu hút FDI, chủ trương đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc với công nghệ thân thiện môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Một số nhà đầu tư đang để sẵn tiền trong tài khoản để chờ cơ hội đầu tư khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang đà tăng trưởng 6-7%.

Tôi tin vào một làn sóng phát triển doanh nghiệp mới, trong đó có cả M&A tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Tuấn hỏi: Về mặt cụ thể xin hỏi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những chủ trương mới để thu hút đầu tư có chọn lọc?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời: Năm nay, Việt Nam sẽ chính thức kỷ niệm 30 năm thu hút FDI vào ngày 4/10 tổ chức hội nghị toàn quốc. Sau khi tổng kết, Chính phủ chắc chắn sẽ có những định hướng mới trong việc thu hút FDI trong thời gian tới.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bổ sung: Năm 2018, Chính phủ sẽ đôn đốc chỉ đạo rà soát ký Hiệp định với EU. Dự kiến cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình phê duyệt Hiệp định thương mại này. Với môi trường hội nhập sâu rộng như vậy, tôi tin sẽ thu hút đầu tư tốt hơn.

14:50 08/08

Theo ông Warrick Cleine, các ty thực hiện M&A chỉ đưa vào danh sách của mình một vài doanh nghiệp tư nhân trong danh sách rất nhiều doanh nghiệp và họ dành nhiều thời gia nghiên cứu tìm hiểu những doanh nghiệp này. Trong đó, mối quan hệ cá nhân sẽ tạo điều kiện để họ nghiên cứu xa hơn các dối tác tiềm năng.

Quan ngại của các nhà đầu tư khi làm M&A tại Việt Nam chính là chất lượng thông tin trong quá khứ của doanh nghiệp. Họ quan tâm tới việc thông tin có được chia sẻ đồng đều cho các bên liên quan hay không, chất lượng thông tin được công bố, cách quản lý sổ sách, nợ, các khoản phải thu… Khi họ nhìn vào đây phải có sự khớp nối với nhau, chứ không thể có con số không kết nối.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 13
Toàn cảnh phiên thảo luận 1

Trong khi đó, với các doanh nghiệp tư nhân, theo ông Warrick Cleine, khối này rát dè dặt trong việc M&A. Họ thường có ý nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng. Tuy nhiên, nếu muốn gọi vốn mà không chia sẻ thông tin thì rất khó.

Ngoài ra, mâu thuẫn lợi ích, khả năng thực thi hợp đồng như thế nào, bản thân chất lượng hợp đồng cũng là một vấn đề.

Một vấn đề nữa khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi thực hiện các thương vụ M&A là chính sách thuế của nước sở tại.

Trong quá trình đàm phán, để có nhà đầu tư thực thụ, họ tập trung nhiều và kỳ vọng vào định giá. Đôi khi, quá trình M&A M&A phải dự tính luôn cả IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) mới có thể đánh giá được hết giá trị thực.

Một thách thức nữa mà nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi thực hiện các thương vụ M&A, theo ông Warrick Cleine, là thách thức về luật định cấp phép và các thủ tục hành chính. Vì vậy, Chính phủ đang giải quyết các vấn đề này.

14:37 08/08

Sau phần khai mạc, Diễn đàn bước vào phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Sức bật của thập kỷ". 

Tham luận dẫn đề cho phiên thảo luận này là Báo cáo tổng quan thị trường M&A Việt Nam 10 năm qua và dự báo xu hướng thị trường trong thời gian tới.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, môi trường M&A hoạt động ngày càng mạnh mẽ và thành công với tốc độ tăng trưởng hàng năm 17%, số lượng thương vụ tăng mạnh diễn biến tốt; một số thươnng vụ ra tăng nhanh với giá trị ngày càng cao.

Trong đó, thương vụ nổi tiếng năm qua là thương vụ Thaibev đầu tư vào Sabeco. Sau thương vụ này, khả năng thương hiệu Việt Nam tham gia thế giới là rất tốt.

"Nếu không có M&A sẽ rất khó cho thương hiệu Việt Nam xuất hiện như vậy trên thế giới", ông Cleine đánh giá.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 14
 Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia trình bày tham luận dẫn đề cho phiên 1.

Cũng theo ông Cleine, các nước tham gia M&A trong 10 năm qua có Nhật Bản, Singapore và Mỹ. Thông qua Singapore, nhiều tổ chức quốc tế bắt nhìn ngó vào thị trường Việt Nam.

Tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư châu Á đang chiếm giữ thị trường M&A trong những năm qua và các nhà đầu tư châu Á vẫn đóng vai trò lớn trên thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới.

Với các Hiệp định thương mại đã được ký kết ,Việt Nam vẫn là nơi quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là Hàn Quốc. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam và mở rộng đầu tư tại đây. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng như châu Âu cũng tiếp tục nhìn vào Việt Nam.

Về lĩnh vực, hàng tiêu dùng, thực phẩm thức uống sẽ có triển vọng rất cao. Ngoài ra, khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện cũng khuyến khích đẩy mạnh vào lĩnh vực công nghệ, dược và bất động sản, trong đó phân khúc khách sạn, nhà hàng hu hút rất nhiều nhà đầu tư.

Điều thú vị là lĩnh vực ngân hàng cũng tạo ra nhiều sức hấp dẫn mới khi Chính phủ ngày càng mở cửa hơn trong lĩnh vực này. Khu vực phi ngân hàng cũng là lĩnh vực thú vị, cũng được nhà đâu tư để ý đến. Ngoài ra, còn có cơ sở hạ tầng khi tư nhân tham gia lĩnh vực này ngày càng được khuyến khích và tạo cơ hội. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp cũng đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Đại diện KPMG đánh giá, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, thuộc quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á chính là lý do thị trường Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, năng lực quản lý ngày càng được nâng cao, cũng là lý do các công ty muốn đầu tư, xu hướng này vẫn tiếp tục khi các nhà đầutư tham gia M&A tại Việt Nam.

14:22 08/08

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, Diễn đàn M&A Việt Nam đã đi qua được 10 năm và nhận được sự quan tâm của các giới chức và doanh nghiệp.

Vì sao Chính phủ rất quan tâm đến các hoạt động M&A dù đây là hoạt động kinh tế diễn ra rất bình thường?

M&A vô cùng quan trọng vì Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước…

Quá trình tái cơ cấu này cũng tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ở chiều ngược lại các thương vụ  M&A cũng giúp quá trình tái cơ cấu của Việt Nam thành công. Cả hai việc này hỗ trợ cho nhau.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 15
 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn M&A 2018.

Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nhiều lĩnh vực nữa chẳng hạn, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo nợ công…

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceabank…

Sắp tới đây, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Lĩnh vực này đang được cả ngân hàng nước ngoài và trong nước đều quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng nhà nước. Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và VCB đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ chủ trương tiếp tục tái cơ cấu các Tổng công ty và DN nhà nước, thu gọn lại danh mục DNNN mà nhà nước đang nắm giữ vốn. Chính phủ sẽ kiên trì, nhất quán lĩnh vực này.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn các DN đã cổ phần hoá lần đầu, tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước, từ nay đến 2020 sẽ cơ bản hoàn thành vấn đề này.     

Tái cơ cấu lại các công ty lâm nông trường và năm 2018 phải cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu các công ty dạng này bằng cả M&A và các hình thức công ty TNHH 2 thành viên (trước đây pháp luật Việt Nam không cho phép làm việc này, nhưng giờ pháp luật đã thông thoáng hơn).

Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công, trừ trường học và bệnh viện, Chính phủ cũng chủ trương cổ phần hóa các lĩnh vực này...

"Tôi nghĩ, đây sẽ là  là những lĩnh vực rất trọng tâm đang chờ đón các nhà đầu tư", Phó thủ tướng cho biết.

14:14 08/08

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biêt, trong 10 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.

Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.

Cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam. Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư – cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với AVM Việt Nam tổ chức thường niên đã góp phần quan trọng trong việc kết nối các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với các hoạt động M&A đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.

Cùng với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, diễn giả hàng đầu quốc tế và trong nước, Diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý và phát triển đối với hoạt động M&A.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 16
Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. 

Bên cạnh đó, Diễn đàn nhận được sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của nhiều cơ quan báo chí, giúp lan tỏa các thông tin của Diễn đàn tới cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nói riêng và toàn xã hội nói chung, góp phần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kết nối đầu tư trong lĩnh vực này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban Tổ chức Diễn đàn và sự đóng góp tích cực, quý báu của đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan báo chí và các bên liên quan đối với Diễn đàn trong suốt thập kỷ qua.

Diễn đàn M&A lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tranh thủ mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Đây chính là những nhân tố chính sách quan trọng, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn năm nay, chúng ta rất vui mừng nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta cũng tin tưởng rằng, với dự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về M&A và đại diện của nhiều doanh nghiệp đã từng là “tác giả” của nhiều thương vụ M&A lớn thành công trong thời gian qua, Diễn đàn M&A lần thứ 10 sẽ trở thành một dịp đặc biệt, không chỉ là nhìn lại chặng đường 10 năm thành công và thất bại để rút ra các bài học kinh nghiệm tốt, mà còn thảo luận những khuyến nghị chính sách mới, đặt trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo nên bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam, đúng như chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Bước ngoặt mới, Kỷ nguyên mới”.

Diễn đàn M&A lần thứ 10 được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị toàn quốc Tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh chủ đề về M&A, chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được các khuyến nghị hữu ích tại Diễn đàn này nhằm hoàn thiện pháp luật, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam một cách hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên 4.0.

13:38 08/08

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, những thông tin, kinh nghiệm được phân tích, thảo luận và chia sẻ, cùng với các hoạt động kết nối đầu tư diễn ra ngay tại Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên này đã đóng vai trò hữu ích trong quá trình thực hiện thành công của gần 4.000 thương vụ M&A tại Việt Nam kể từ năm 2009.

Qua chặng đường 10 năm, Diễn đàn M&A Việt Nam tự hào đã góp phần thúc đẩy hoạt động M&A - một xu hướng đầu tư mới tại Việt Nam và là một kênh huy động vốn hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội với mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD tổng giá trị thương vụ được ghi nhận năm 2017.

Không những vậy, M&A cũng đã thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A đang đứng trước một bước ngoặt mới, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế.

Trong 10 năm qua, M&A trở thành kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ những khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018: “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới“ ảnh 17
 Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Tổng giá trị thương vụ M&A giai đoạn 2009 - 2018 đạt 48,8 tỷ USD với hơn 4.000 giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD.

Trong kỷ nguyên mới, thị trường có quy mô 100 triệu dân của Việt Nam vẫn là lực hút cho dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A. 

“Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… Những yếu tố đó đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ”, ông Minh cho biết.

Ngọc Lan - Phan Hằng - Lê Toàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục