Doanh nghiệp quan ngại về định mức chi phí tái chế

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, nhiều nhà sản xuất và nhập khẩu tỏ ra quan ngại về định mức chi phí tái chế (Fs) sẽ gây ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành của sản phẩm.
Chính sách về trách nhiệm tái chế để giảm gánh nặng ngân sách chi cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chính sách về trách nhiệm tái chế để giảm gánh nặng ngân sách chi cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Fs là chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg).

Đây là cơ sở để nhà sản xuất, nhập khẩu xác định số tiền đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trong trường hợp không tự tổ chức tái chế đối với sản phẩm, gồm pin ắc-quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) thực hiện từ ngày 1/1/2024; đối với sản phẩm điện - điện tử thực hiện từ ngày 1/1/2025; đối với phương tiện giao thông sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2027.

Fs được tính toán dựa trên quy định tại khoản 1, Điều 81, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo quy định, các thành phần của Fs không bao gồm chi phí thu mua phế liệu.

Bên cạnh đó, thực tiễn tái chế ở Việt Nam, Fs được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát của 33 cơ sở tái chế phía Bắc và 33 cơ sở tái chế phía Nam (là các cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường).

Chi phí tái chế ở nước ta khác với các nước tiên phong trong việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và áp dụng trách nhiệm tái chế (EPR) như ở châu Âu hay Hàn Quốc. Ở các nước này, hệ thống thu gom tái chế rất phát triển nên không phát sinh chi phí trung gian, đồng thời chi phí trực tiếp thu gom và tái chế có thể thấp do năng suất cao nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Tại Việt Nam, chi phí vận chuyển lớn và lượng vật liệu không đủ điều kiện tái chế phải xử lý hoặc tái chế sang vật liệu có chất lượng thấp chiếm ít nhất 30%, do đó chi phí thực tế bị tăng cao.

Mục tiêu của chính sách về trách nhiệm tái chế (EPR) là nhằm thực hiện đầy đủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền để giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đối với các sản phẩm/bao bì hiện chưa có hoạt động tái chế chính thức ở Việt Nam, việc xác định các chi phí liên quan dựa trên chi phí tái chế, thu hồi vật liệu chính và kết hợp xem xét, đối chiếu với chi phí tương tự ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng EPR như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...

Tuy nhiên, việc so sánh, đối chiếu Fs với mức phí tái chế tại các quốc gia khác chỉ có ý nghĩa tham khảo do ở phần lớn các nước thì phí tái chế là do các tổ chức nhận ủy quyền từ nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là các PRO) đưa ra trên cơ chế thỏa thuận thị trường, chỉ có vài nơi mức phí là do nhà nước ấn định hoặc chỉ định tương tự như Fs (tiêu biểu là Đài Loan, Singapore). Ngoài ra, cách tiếp cận và áp dụng mức phí ở từng nơi cũng rất khác nhau.

Về chi phí quản lý hành chính trong Fs hiện tương đồng với mức mà một số quỹ khác ở Việt Nam đang thực hiện như Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam… và thực tế đang được đề xuất ở mức rất thấp (3%) so với thông lệ quốc tế (thường chiếm từ 10-25% tổng chi phí).

Hệ số điều chỉnh phản ánh năng lực và hiệu quả tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và mức độ khuyến khích phát triển công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì đó. Năng lực và hiệu quả tái chế càng thấp, thì hệ số điều chỉnh càng cao và ngược lại. Điều này một mặt khuyến khích sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế, mặt khác, Fs cao để tạo được quỹ hỗ trợ tái chế đối với các sản phẩm, bao bì chưa được tái chế chính thức hoặc ít được tái chế do chi phí tái chế cao, lợi nhuận thấp.

Mục tiêu của chính sách EPR là thực hiện đầy đủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP) để giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (từ các sản phẩm, bao bì thải bỏ sau tiêu dùng), đồng thời tác động đến nhà sản xuất, nhập khẩu, khiến họ phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm, bao bì, để giảm bớt chi phí thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất bằng cách sản xuất sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế.

Hiện nay, Chính phủ không khuyến khích nhà sản xuất, nhập khẩu đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, vì pháp luật cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức tái chế bằng các cách thức là tự tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho đơn vị trung gian để tổ chức thực hiện tái chế, hoặc kết hợp cả ba cách thức nêu trên cho các dòng sản phẩm, bao bì khác nhau, nhằm bảo đảm tối đa nguyên tắc thị trường, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả tái chế trong hệ thống EPR.

Theo đó, Fs cần phải ở mức nhất định để nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự tổ chức tái chế (chủ yếu thông qua tổ chức trung gian để tối ưu hóa việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất như kinh nghiệm của các nước triển khai EPR hơn 30 năm nay là châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Một số doanh nghiệp kiến nghị Fs bằng 0, tức là không phải đóng tiền hỗ trợ tái chế với một số sản phẩm, bao bì. Điều này là không có cơ sở vì không phù hợp với quy định về trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (ở các nước đã quy định về EPR nhà sản xuất, nhập khẩu đều đang phải đóng phí tái chế cho sản phẩm, bao bì thuộc trách nhiệm tái chế của họ).

Nguyễn Thi
Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục