Doanh nghiệp phân bón ngóng chính sách mới

(ĐTCK) Theo kế hoạch, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, khai mạc vào ngày 20/5 tới. Các doanh nghiệp phân bón trong nước kỳ vọng vào những điều chỉnh tại dự thảo Luật để có những điều kiện kinh doanh công bằng hơn.

Thiết kế thuế cho mục tiêu đặc biệt

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014).

Theo Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo Luật, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón; trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.

Phân tích cụ thể hơn về ảnh hưởng của chính sách thuế GTGT với doanh nghiệp ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phân bón đầu tư nhà xưởng, máy móc..., các khoản mục này đều phải tính thuế GTGT. Tuy nhiên, do giá bán phân bón không tính thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ các chi phí thuế GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Phần thuế không được khấu trừ đối với nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón được tính vào chi phí sản xuất, làm giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng lên, dẫn đến giá bán cũng tăng theo.

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tính toán, phần chi phí thuế này chiếm từ 2 - 3,4% trong giá thành sản phẩm phân bón (tùy loại), làm giãn khoảng cách lợi thế về giá của sản phẩm Công ty từ 5 - 8,4% khi cạnh tranh trên thị trường.

Đối với Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, việc không được khấu trừ thuế đầu vào đã khiến Công ty tăng chi phí trung bình 100 - 200 tỷ đồng/năm, tùy thuộc vào giá nguyên vật liệu đầu vào. Kéo theo đó, giá thành sản phẩm tăng lên và bắt buộc phải tính vào giá bán. Tính toán của Công ty cho thấy, tổng chi phí thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ từ năm 2015 đến tháng 12/2023 là 808 tỷ đồng.

Kiến nghị được Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đưa ra, việc hạch toán phần thuế GTGT đầu vào vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ 5 - 8%. Thực tế này buộc Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác trong nước phải tăng giá bán thành phẩm để bù đắp phần chi phí phát sinh. Từ đó, người nông dân phải mua phân bón sản xuất trong nước với giá cao hơn. Những lúc giá phân bón tăng mạnh nhưng giá nông sản bấp bênh, doanh nghiệp khó bán hàng ra, nông dân cũng khó mua được phân bón, lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân đều bị thu hẹp.

Theo các doanh nghiệp phân bón, so sánh với phân bón nhập khẩu, phân bón sản xuất trong nước cũng chịu áp lực không nhỏ. Việc các nước đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT giúp doanh nghiệp nước ngoài được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán so với phân bón sản xuất trong nước.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2023, nhập khẩu phân bón của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022. Giá trung bình nhập phân bón trong năm 2023 đạt 342,9 USD/tấn, giảm 28% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc và Nga lần lượt là hai thị trường đứng đầu về cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm gần 60% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu phân bón.

Tại Trung Quốc, mức thuế GTGT đối với phân bón hiện ở mức 11%, trong khi Nga áp mức thuế 20% đối với mặt hàng này.

Hỗ trợ giảm xóc giá phân bón

Phân bón là hàng hóa đặc thù, đang chịu những ảnh hưởng lớn từ diễn biến địa chính trị, chính sách đảm bảo an ninh lương thực của các nước trên thế giới.

Trong năm 2023, giá urê thế giới đã giảm mạnh so với mức nền cao của năm 2022. Điển hình, giá urê tại Trung Đông đã giảm tới 48%, chỉ còn trung bình 358 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm sâu khi giá bán neo ở mức quá cao trong thời gian dài; đồng thời, sản lượng tại khu vực châu Âu tăng mạnh trở lại khi giá khí thiên nhiên đầu vào “hạ nhiệt”. Từ giữa năm 2023, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục, giá nhích dần. Bước sang năm 2024, giá urê đã tăng trở lại, nhu cầu cũng tăng cao. Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.

Các yếu tố như bất ổn địa chính trị và điều kiện thời tiết cực đoan đã khiến giá loạt mặt hàng nông sản chủ chốt, gồm gạo, lúa mì, ngô hiện vẫn neo cao so với mức trung bình 10 năm trở lại đây. Thực tế này dẫn dắt sự phục hồi của giá và nhu cầu phân bón tại các khu vực khác nhau trên toàn cầu. Dẫu vậy, sự bấp bênh và biến động mạnh vẫn là kịch bản rủi ro mà các doanh nghiệp phân bón trong nước phải lên kế hoạch ứng phó. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng việc sửa đổi quy định thuế, chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, vừa thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho máy móc thiết bị, nghiên cứu và phát triển.

Ước tính, mỗi nhà máy sản xuất phân bón bàn giao đưa vào sử dụng tăng nguyên giá tài sản cố định ít nhất từ 6 - 8%. Nếu bất cập về thuế GTGT được khắc phục, hiệu quả các dự án đầu tư mới được cải thiện, doanh nghiệp có thể tính tới việc mở rộng đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Suốt 8 năm qua, doanh nghiệp phân bón liên tục kiến nghị thay đổi chính sách. Luận điểm để sửa thuế cũng được đề cập cụ thể như trên. Tuy nhiên, tại hội thảo gần đây, ông Nguyễn Đức Ngọc, giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở thực tế và mục đích chính sách trong việc sửa đổi quy định về thuế GTGT đối với khu vực doanh nghiệp này. Bởi trước kia, đã có những bất cập phát sinh từ việc áp thuế suất GTGT 5% với mặt hàng phân bón và đó là cơ sở để Luật 71/2014/QH13 đưa phân bón vào diện không chịu thuế GTGT.

Với tính chất đặc biệt liên quan đến ngành nông nghiệp và hàng triệu nông dân, dự thảo Luật được đánh giá sẽ có nhiều ý kiến tranh luận trên diễn đàn Quốc hội. Dù vậy, nếu chính sách mới được thông qua sẽ là “cú huých” lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Ai cũng nghĩ, trước đây, thức ăn chăn nuôi, phân bón phải chịu thuế suất thuế GTGT 5%, giờ không phải nộp thuế sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm và tiến tới thay thế nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, không áp thuế còn tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống người nông dân, giảm sức ép lên lạm phát... Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện cho thấy, ưu đãi hóa ra là ngược đãi với cả doanh nghiệp và nông dân.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước đã không thu được thuế.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu áp thuế suất 0% thì ngân sách nhà nước phải hoàn thuế đầu vào cho họ, như vậy là chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, nếu áp thuế 0% thì nông dân cũng không hạ được giá thành sản xuất vì không doanh nghiệp phân bón nào giảm giá bán cho nông dân, mà người ta cộng các chi phí vào giá thành sản xuất.

Thực tế, thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ.

Thực tế, trước khi đưa quy định đánh thuế VAT 0% vào Luật số 71, giới chuyên gia chúng tôi đã có ý kiến phản đối nhưng không được lắng nghe. Tôi nói luôn, đừng bao giờ đưa ra ý tưởng đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và được tiêu dùng trong nội địa. Trên thế giới không nước nào làm như vậy, người ta chỉ đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vì hàng hóa, dịch vụ không tiêu dùng ở nội địa.

Minh Đức – Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục