Kết quả kinh doanh “hạ nhiệt”
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, PVCFC nằm trong số các doanh nghiệp do PVN sở hữu cổ phần hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Con số lợi nhuận không được công bố, nhưng tổng doanh thu ước đạt 13.572 tỷ đồng, nhỉnh hơn gần 1% so với mục tiêu.
“PVCFC đã linh hoạt ứng biến, chủ động phục vụ trong nước và tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất từ thị trường nước ngoài. Sản xuất PNK Cà Mau 150.000 tấn, vượt 2% kế hoạch; tiêu thụ 160.000 tấn, vượt 7%. Sản lượng urea quy đổi 954.000 tấn, tiêu thụ 866.000 tấn, cũng hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Thanh cho hay.
Dù vậy, chỉ tiêu kinh doanh vẫn thua xa con số đạt được năm 2022 khi giảm tới gần 15%.
Còn theo thông tin công bố từ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ), sản xuất và kinh doanh urea đều vượt kế hoạch, nhưng mới chỉ đạt được “kết quả nhất định”. Doanh nghiệp đầu ngành phân bón này đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ một ngày trước thềm kết thúc năm tài chính 2023. Kế hoạch doanh thu hợp nhất giảm từ 17.372 tỷ xuống còn 13.067 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 2.250 tỷ giảm còn 463 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế mới giảm tới 92% so với lợi nhuận sau thuế năm 2022 trong bối cảnh giá bán phân bón trong xu hướng giảm nhanh, nhu cầu phân bón nội địa thấp, tiêu thụ khó khăn; chính sách tài chính thắt chặt, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu, giá thành sản phẩm, nguồn vốn kinh doanh; lượng hàng tồn kho cao; giá khí đầu vào cao hơn kế hoạch. Nhu cầu thấp kéo mức giá bán trung bình ở quý III/2023 giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Thực trạng đi lùi của nhóm doanh nghiệp phân bón là điều sớm thấy khi nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Theo đó, tổng doanh thu thuần của 14 doanh nghiệp phân bón đang giao dịch cổ phiếu trên sàn giảm 19% và lợi nhuận sau thuế giảm đến 94%.
Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) là điểm sáng hiếm hoi khi ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng tăng 19% và 40% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ supe lân và NPK khả quan. Tuy vậy, đây chỉ là điểm sáng le lói đi ngược xu hướng chung. Đồng thời, nếu nhìn lại kết quả kinh doanh các năm trước, doanh nghiệp phân bón này chỉ có mức tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn 2021-2022, trái với Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đã liên tiếp xô đổ kỷ lục lợi nhuận trong lịch sử hoạt động.
Kỳ vọng thay đổi đáng kể từ chính sách thuế
Cách đây gần 10 năm, từ đầu năm 2015, chính sách ưu đãi về thuế GTGT đưa phân bón từ đối tượng chịu thuế suất 5% sang nhóm đối tượng không chịu thuế chính thức áp dụng. Những thay đổi này được kỳ vọng giúp giảm giá phân bón hỗ trợ nông dân, nhưng lại có tác dụng “ngược” lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động lên giá bán sản phẩm tới tay nông dân.
Do phân bón là mặt hàng không tính thuế, toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT như đầu tư nhà xưởng, máy móc, điện, nguyên vật liệu... được tính vào chi phí sản xuất lại không được khấu trừ các chi phí GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Điều này vì thế làm gia tăng chi phí sản xuất, từ đó tăng giá thành và đẩy vào giá bán.
Hiện tại, giá phân bón - loại hàng hóa quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã trở về mức bình ổn. Tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cũng trở về trạng thái “bình thường”. Năm qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn bằng cách tăng sản lượng tiêu thụ, tiết giảm chi phí sản xuất.
Theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2019 khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu áp dụng thuế suất 5%, doanh nghiệp sản xuất giảm được giá thành tương đương 5% trên giá bán khoảng 950 tỷ đồng.
“Giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu vốn được kê khai khấu trừ thuế GTGT tại khâu nhập khẩu (5%) khi kê khai ở khâu bán ra (5%)”, một báo cáo của Bộ Tài chính nêu ra tác động trọng yếu khi đưa thuế GTGT trở lại mức thuế suất cũ của một thập kỷ trước.
Vấn đề thuế GTGT với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu, được kiến nghị sửa đổi nhiều năm qua, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, nội dung này đã được đưa vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Bộ Tài chính vừa công bố (dự án luật này đã được bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024 giữa tháng 12/2023).
Ngoài thay đổi về thuế GTGT, trong góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị đưa thuế xuất khẩu một số loại phân bón về 0%. Nguyên nhân là việc áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với urea và supe lân tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP không nhất quán với quan điểm “áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa”.
Thuế xuất khẩu phân bón kali sulphate cũng được kiến nghị đưa về mức 0% nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất loại phân bón hoàn toàn mới.