Doanh nghiệp oằn mình chống chịu bão giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.
Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao nên chịu áp lực không nhỏ từ lạm phát nhập khẩu. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao nên chịu áp lực không nhỏ từ lạm phát nhập khẩu.

Đình trệ vì chi phí tăng cao

Ông Trần Quang Minh, chủ một doanh nghiệp cung cấp hải sản tại quận 1, TP.HCM cho hay, suốt mấy tháng nay, ngày nào ông cũng chạy đôn chạy đáo khắp thành phố, nhưng vẫn không gom đủ lượng tôm, cá, mực… để giao cho các nhà hàng, khách sạn mỗi ngày. Nguyên nhân là giá xăng dầu đắt đỏ kéo theo chi phí vận hành tàu thuyền, chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao, nhiều ngư dân đã tạm ngừng đi biển để tránh tình trạng càng làm càng lỗ.

Phát biểu tại Hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 27/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thừa nhận, nhiều doanh nghiệp khai thác thủy sản buộc phải cho đội tàu tạm dừng đi biển trước cơn bão giá xăng dầu.

Theo ông Nam, hiện chi phí cho một container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ từ 400 - 440 triệu đồng, chi phí cho dịch vụ logictics mỗi tháng của doanh nghiệp có thể lên tới vài tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, từ năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam đã chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa, trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Đối với lĩnh vực dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD của cả năm vẫn chưa thể khẳng định. Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có sức ép bão giá.

“Giá xăng, dầu tăng mạnh tới 35 - 40% kéo theo giá mặt hàng bông tăng 19% làm đội chi phí, làm giảm sức cạnh tranh và hạn chế cơ hội khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may Việt Nam”, ông Cẩm nói.

Trong lĩnh vực xây dựng, một ví dụ điển hình hiện nay là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đi qua tỉnh Thanh Hoá đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì bão giá lan đến công trường. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, khởi công từ tháng 8/2021, dự kiến thông nền đường toàn tuyến vào cuối năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2023, nhưng đang đối mặt với nguy cơ không đảm bảo tiến độ do nhà thầu dừng thi công.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc quản lý dự án cho biết, dự án trên đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đạt 42,4% giá trị các hợp đồng nhưng chậm 0,4% tiến độ do các mỏ đất đóng cửa, công nhân không làm việc.

Ông Phan Ngọc Quý, Chỉ huy trưởng thi công Công ty cổ phần LiZen – đơn vị đảm nhận gói thầu XL2 chia sẻ, công trình ngừng hoạt động mấy tháng nay, hàng trăm đầu máy bỏ không trên công trường. Khi LiZen ký hợp đồng gói thầu vào thời điểm cuối năm 2019, giá cát là 170.000 đồng/m3 nhưng nay đã tăng lên 250.000 đồng/m3, giá đất từ 64.000 đồng/m3 tăng lên hơn 90.000 đồng/m3, giá bê tông từ 1,5 triệu đồng/m3 tăng lên 2,2 triệu đồng/m3, giá dầu diesel từ 19.000 đồng/lít nay là gần 30.000 đồng/lít...

“Bão giá khiến nhà thầu làm là lỗ, tuy nhiên, tại 2 cầu Hoà Bình và Quần Bội thuộc gói XL2, chúng tôi phải gồng mình chấp nhận lỗ để hoàn thành đóng cọc trong tháng 7 này. Vì nếu chậm, vào mùa mưa, hàng trăm hộ dân hạ nguồn sẽ bị ngập do không khơi thông được lòng sông”, ông Quý nói.

Tương tự, ngành cơ khí, hàng không mới bắt đầu khôi phục sau đại dịch Covid-19 thì lại phải oằn mình chống chịu bão giá. Doanh nghiệp cơ khí không thể tăng giá bán do các đơn hàng đã ký kết từ trước với đối tác. Doanh nghiệp hàng không thì than phiền, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng từ lâu nhưng chưa được nới trần giá vé, mặc dù mức trần hiện nay được xây dựng dựa trên mức giá dầu 80 USD/thùng.

Áp lực lạm phát lớn dần

Trên thế giới, do tác động của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch và xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng cao, đặc biệt là dầu thô, khí đốt…, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 của Mỹ tăng 8,6%, Anh tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái; CPI của các nước trong khối đồng tiền chung châu Âu tháng 6/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao nên chịu áp lực không nhỏ từ lạm phát nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê về CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021 là một con số gây nhiều chú ý.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% nhưng CPI chỉ tăng 2,44% là nhờ tác động của chính sách điều hành giá cả như giảm thuế giá trị gia tăng với một số hàng hoá từ 1/2/2022, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, điện, nước, viễn thông…

Mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 được nhận định sẽ ở mức cao.

“Mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn”, bà Hương nhận định.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, 6 tháng đầu năm nay, CPI bình quân tăng 2,44% nhưng CPI tháng 6 tăng 3,18% so với cuối năm ngoái và gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%). Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng, nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu, cần thận trọng trong điều hành giá cả.

Báo cáo Vietnam at a glance tháng 7/2022 của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ 6,6% lên 6,9%, nhưng cảnh báo về nguy cơ lạm phát lan rộng, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, áp lực lạm phát ở mức cao.

Ngoài các nguyên nhân như lạm phát nhập khẩu, giá xăng dầu có khả năng tiếp tục tăng thì còn có các yếu tố mang tính chu kỳ như nhu cầu tiêu dùng thường tăng mạnh vào cuối năm, đầu tư công cũng như các gói hỗ trợ kinh tế sẽ được giải ngân nhiều hơn.

Ngoài ra, từ 1/7/2022, chính sách tăng lương tối thiểu hay việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và giá dịch vụ y tế theo lộ trình cũng sẽ có tác động làm tăng CPI.

Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất cho vay để kiểm soát lạm phát, nhưng theo ông Lực, lạm phát hiện nay không phải do cung tiền, mà chủ yếu do chi phí đẩy (lạm phát từ thế giới và giá cả tăng). Do đó, biện pháp tăng lãi suất, vốn có tác dụng điều tiết cung tiền, không phải là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Thời gian tới, lãi suất huy động có thể tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay nhiều khả năng vẫn ổn định để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Về vấn đề này, GS.TS. Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sắp tới không thể đi theo hướng thắt chặt, vì sẽ không đạt được mục tiêu tăng nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

“Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp điều hành chính sách tiền tệ thực sự linh hoạt để lượng cung tiền đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Sau chu trình luân chuyển của dòng tiền thì ngân hàng phải hút dòng tiền đó về, không để xảy ra tình trạng dòng tiền bị trôi nổi rồi chảy vào lĩnh vực đầu cơ, gây ra rủi ro lạm phát. Ngoài ra, giải pháp cần phải làm ngay để hỗ trợ nền kinh tế là triển khai gấp gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng”, ông Cường nói.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Nhà nước cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước và tập trung vào các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.

Các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt lợn là mặt hàng có tác động đến nhiều hàng hoá khác và hiện đang tăng giá.

Việc tăng lương là cần thiết trong giai đoạn này, còn những mặt hàng sắp tăng giá như chi phí giáo dục, chi phí y tế cần có sự nghiên cứu để tăng theo lộ trình, tránh dồn vào một tháng khiến lạm phát tăng đột ngột.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục