Doanh nghiệp nhựa xoay xở trong bão giá nguyên liệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nguyên liệu chủ chốt tiếp tục tăng cao, đặt các doanh nghiệp ngành nhựa trước bài toán đau đầu.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Giá hạt nhựa tăng mạnh theo giá dầu

Theo dữ liệu của cổng thông tin tài chính toàn cầu Investing, giá hạt nhựa PE đã tăng 10,4% trong vòng 3 tháng qua (từ ngày 9/12/2021 đến 8/3/2022). Tương tự, giá hạt nhựa PP tại ngày 8/3/2022 tăng hơn 10% so với thời điểm 6/12/2021.

Hạt nhựa được làm từ các chế phẩm dầu mỏ, điển hình như nhựa PP và PE. Chính vì vậy, biến động của giá dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá hạt nhựa. Hạt nhựa chiếm khoảng 60 - 70% trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp sản xuất nhựa, vì vậy, việc giá hạt nhựa tăng cao như hiện tại làm tăng mạnh chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành.

Thực tế cho thấy, trong năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, với mức tăng 1,6 lần trong năm, có nhiều thời điểm đạt mức tăng cao nhất trong lịch sử, đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư hôm 17/2/2022, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) cho biết, năm qua, Công ty ghi nhận lợi nhuận 214 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 13 năm trở lại đây của Nhựa Bình Minh.

Năm 2022, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao, với doanh thu mục tiêu là 5.680 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế tăng 109%, lên 560 tỷ đồng.

Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở diễn biến giá nguyên liệu nhựa vào tháng cuối năm 2021 và đầu năm nay khá ổn định. Tuy nhiên, với những diễn biến mới từ tình hình địa chính trị thế giới, theo ông Ngân, “những tín hiệu tốt đó đang mờ dần đi”.

Xoay xở với bài toán chi phí

Trước diễn biến bất lợi từ thị trường, ông Ngân cho biết, Nhựa Bình Minh đã đề ra hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất là kiểm soát chi phí đầu vào, cụ thể, Công ty chủ động theo dõi sát giá nguyên liệu để có chiến lược tích trữ tồn kho tại thời điểm giá tốt.

Giải pháp thứ hai là chuyển giá cho người mua. Song, trong năm 2021, Nhựa Bình Minh đã có 4 lần điều chỉnh giá, vì vậy, “Ban lãnh đạo sẽ cân nhắc kỹ để đảm bảo tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận của Công ty”.

Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa khác cũng suy giảm biên lợi nhuận gộp trong năm 2021 do giá nguyên liệu tăng.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) năm qua đã giảm mạnh từ 31% về 24%. Tuy vậy, Công ty duy trì mức lợi nhuận ròng tăng nhẹ 4% so với mức thực hiện trong năm 2020 nhờ tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Với Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã AAA), biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,46% về còn 9,9%.

Tuy nhiên, nhờ việc ghi nhận doanh thu từ cho thuê bất động sản và cho thuê đất (313,2 tỷ đồng cho thuê đất so với cùng kỳ không ghi nhận, còn doanh thu cho thuê bất động sản tăng từ 27 tỷ đồng lên 99,4 tỷ đồng), Công ty vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2021 khá tích cực.

Như vậy, từ năm 2020 tới nay, khi giá hạt nhựa có xu hướng tăng mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa. Trong giai đoạn đầu, khi giá nguyên liệu tăng, các công ty có thể chuyển phần tăng giá đó tới khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng giá quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ của doanh nghiệp.

Tăng tích trữ nguyên liệu là chiến lược được cả hai doanh nghiệp đầu ngành nhựa là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh thực hiện nhằm đối phó với cơn sốt giá hạt nhựa. Trong đó, tồn kho của Nhựa Bình Minh tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 619 tỷ đồng, chiếm gần 22% tổng tài sản.

Còn tại Nhựa Tiền Phong, giá trị tồn kho nguyên liệu là 1.081,5 tỷ đồng và chiếm 22,1% tổng tài sản. Việc này khiến dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp này suy giảm.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục