Cổ phiếu ngành nhựa hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phần lớn thời gian trong tháng 8, thị trường chung có diễn biến đi ngang, nhưng nhóm cổ phiếu ngành nhựa thu hút mạnh dòng tiền.
Giá nguyên liệu nhựa vẫn ở vùng thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành. Giá nguyên liệu nhựa vẫn ở vùng thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành.

Tháng 8/2020, thị trường bước vào vùng trũng thông tin khi mùa báo cáo kinh doanh quý II và bán niên trôi qua, trong khi phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã dịch chuyển vào các nhóm ngành được coi là có tiềm lực tài chính, hoạt động kinh doanh ổn định và chính sách cổ tức hấp dẫn, trong đó có ngành nhựa.

Giá cổ phiếu tăng, trong khi kết quả kinh doanh phân hóa

Xét tương quan giá so với thị trường chung là VN-Index, các cổ phiếu nhựa tăng giá mạnh bao gồm BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, NTP của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, DAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á. Tuy nhiên, xét kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thì giữa 3 doanh nghiệp này có sự phân hóa khá mạnh.

Cổ phiếu ngành nhựa hút dòng tiền  ảnh 1

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, BMP đạt doanh thu 2.270,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 257 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,7% và 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 22,9% lên 26,4%. Kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 của BMP là doanh thu 4.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 582 tỷ đồng.

Với NTP, doanh thu 6 tháng đầu năm là 2.155,8 tỷ đồng, giảm 13,4%; lợi nhuận sau thuế 204,1 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng từ 21,1% lên 32,3%, biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 28,2% lên 29,3%.

Trong đó, quý II/2020, giá nguyên liệu đầu vào giảm giúp lợi nhuận gộp tăng, nhưng NTP thực hiện trích lập dự phòng các khoản phải thu nên lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.

Kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 của NTP (bao gồm công ty con - Nhựa Thiếu niên Tiền Phong miền Trung, không bao gồm công ty liên doanh, liên kết) là doanh thu 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 470 tỷ đồng.

Còn DAG trong 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 814,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,5% và 85,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,6% về 7% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 43,3% về 8,9%.

Theo DAG, trong quý II/2020, doanh thu tăng trưởng, nhưng tình hình tài chính của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dòng tiền thu về chậm so với yêu cầu, chi phí bán hàng tăng do tăng chiết khấu để tăng lượng hàng bán.

Năm 2020, DAG đặt kế hoạch doanh thu 1.510 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngành nhựa hút dòng tiền  ảnh 2

Giá nguyên liệu giảm và cổ tức hấp dẫn

Do hạt nhựa là chế phẩm dầu mỏ nên có độ tương quan cao với giá dầu, đặc biệt là hạt nhựa PE và PP. Giá hạt nhựa PVC có mức độ tương quan trung bình với giá dầu, nhưng nhạy cảm hơn trong giai đoạn giá dầu giảm.

Thông thường, chi phí hạt nhựa chiếm khoảng 90% chi phí nguyên liệu và chiếm trên 75% tổng chi phí sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa. Do vậy, giá hạt nhựa giảm giúp các doanh nghiệp ngành này giảm mạnh chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có thể chia diễn biến giá nguyên liệu nhựa thành hai giai đoạn tương quan với giá dầu.

Từ đầu năm tới cuối tháng 4 chứng kiến đà lao dốc của giá dầu do cú sốc tổng cầu sụt giảm vì việc giãn cách xã hội gần như được thực hiện trên toàn cầu nhằm phòng chống đại dịch Covid-19, nên giá nguyên liệu nhựa giảm.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2020, các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, trong khi nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác, còn số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ liên tục giảm, nên giá dầu có diễn biến tăng.

Hiện tại, mặc dù giá dầu hồi phục nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn đang ở vùng giá thấp hơn. Theo đó, giá nguyên liệu nhựa vẫn ở vùng thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài yếu tố này, nhóm cổ phiếu nhựa hấp dẫn nhờ tình hình tài chính nhìn chung lành mạnh và chính sách cổ tức tiền mặt ở mức cao.

Cụ thể, BMP năm 2019 chia cổ tức 50% tiền mặt, dự kiến năm 2020 chia tối thiểu 50% trên lợi nhuận sau thuế. Tính tới 30/6/2020, BMP có 1.263,6 tỷ đồng bao gồm tiền, tiền gửi kỳ hạn ngắn và tiền gửi kỳ hạn dài, chiếm 42% tổng tài sản.

Đối ứng phần nguồn vốn, Công ty chỉ sử dụng nợ vay 55,3 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng nguồn vốn. Được biết, BMP hiện sở hữu 4 nhà máy với tổng công suất thiết kế tương tự NTP, khoảng 150.000 tấn/năm, trong đó giá nguyên vật liệu chiếm 60% cơ cấu chi phí.

Tại NTP, năm 2019, doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%, dự kiến năm 2020 là 20%. Tính tới 30/6/2020, doanh nghiệp có 198,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 4,5% tổng tài sản.

Đối ứng với nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp là 1.536,4 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng nguồn vốn. Được biết, NTP hiện sở hữu 3 nhà máy, với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn/năm, giá nguyên vật liệu chiếm từ 65 - 75% tổng chi phí sản xuất - kinh doanh.

Đối với DAG, tính tới 30/6/2020, doanh nghiệp này có 22,1 tỷ đồng tiền, chiếm 1,3% tổng tài sản, nợ ngắn hạn và dài hạn là 698,6 tỷ đồng, chiếm 42,4% tổng nguồn vốn.

Như vậy, các doanh nghiệp nhựa hoạt động kinh doanh ổn định, tình hình tài chính lành mạnh và cổ tức cao đã thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh có thể gay gắt hơn khi những công ty nhỏ gặp khó khăn đẩy mạnh chính sách chiết khấu, hạ giá bán để cải thiện dòng tiền.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ