Doanh nghiệp niêm yết “thắt lưng buộc bụng” trong mùa Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cắt giảm, tối ưu hoá chi phí đang là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp để có đủ sức bền đi qua đại dịch và có lãi trong năm nay.
6 tháng đầu năm, dù doanh thu sụt giảm 20,4%, lợi nhuận của May 10 vẫn tăng trưởng nhẹ nhờ tiết giảm hàng loạt chi phí. Ảnh: Dũng Minh. 6 tháng đầu năm, dù doanh thu sụt giảm 20,4%, lợi nhuận của May 10 vẫn tăng trưởng nhẹ nhờ tiết giảm hàng loạt chi phí. Ảnh: Dũng Minh.

Tiết kiệm chi phí để có lãi

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) cho biết, trong quý II/2021, nhiều showroom của Công ty tại TP.HCM phải tạm dừng hoạt động theo lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Tại Hà Nội, các showroom của Haxaco cũng bắt đầu đóng cửa từ ngày 24/7/2021 theo Chỉ thị 17 của UBND Thành phố.

Haxaco đã giảm chi phí lãi vay, cắt giảm chi phí marketing, tiền thưởng của nhân viên, tối ưu chi phí điện, nước, tồn kho, nhờ đó quý II vẫn có lãi”.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco)

“Chưa bao giờ hoạt động kinh doanh lại khó khăn như vậy. Công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như kiểm soát dư nợ vay ở các ngân hàng để giảm chi phí lãi vay, cắt giảm chi phí marketing, tiền thưởng của nhân viên, tối ưu chi phí điện, nước, tồn kho, nhờ đó quý II vẫn có lãi”, ông Dũng nói.

Haxaco vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021, với doanh thu hợp nhất 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,48 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt gần 2.687 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 59,1 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm trước (nhờ lãi đậm trong quý I/2021).

Trong khi đó, tại Tổng công ty cổ phần May 10 (mã M10), quý II, doanh thu đạt hơn 711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 1.433 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 33,7 tỷ đồng.

May 10 cho biết, lợi nhuận nửa đầu năm nay vẫn tăng trưởng nhẹ dù doanh thu sụt giảm 20,4% là nhờ Công ty tiết giảm hàng loạt chi phí. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng của May 10 giảm 4,3%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 26,4%, chi phí lãi vay giảm 39,2%.

Năm nay, May 10 đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.359 tỷ đồng, lợi nhuận 91 tỷ đồng. Như vậy, Công ty mới thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Tình hình đơn hàng mới của May 10, theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty là khá tích cực, đủ cho sản xuất quý III và có nhiều đơn hàng cho quý IV. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đông Nam Bộ - trung tâm công nghiệp của cả nước, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải tạm dừng hoạt động và đơn hàng dệt may đang đổ dồn về những doanh nghiệp phía Bắc. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp như May 10 gia tăng đơn hàng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) cũng là một ví dụ cho việc cắt giảm chi phí để ứng phó với bối cảnh kinh doanh nhiều biến động khó lường. Nửa đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 661 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ tăng mạnh, kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm 11% so với cùng kỳ. Nhờ Công ty cắt giảm mạnh chi phí tài chính, chi phí bán hàng và nguyên vật liệu bao bì, lợi nhuận vẫn đạt 22 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.

Cụ thể, trong kỳ, chi phí tài chính của ACL đã giảm 25%, trong đó chi phí lãi vay giảm 22%; chi phí bán hàng giảm 22%. Công ty cũng tiết kiệm được hơn 19 tỷ đồng chi phí vật liệu, bao bì, phí kiểm nghiệm, phí vi sinh…

Tại Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL), ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới tình hình hoạt động của Công ty.

Tiêu thụ thép trong nước chậm lại do hoạt động xây dựng sụt giảm mạnh. Đại Thiên Lộc nằm trong vùng dịch Đông Nam Bộ nên nhà máy đã tạm ngừng sản xuất từ ngày 9/7, khâu vận chuyển hàng hoá cũng gặp khó khăn. Việc đóng băng toàn bộ hệ thống nhà máy sẽ kéo theo doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

“Chúng tôi không thể làm gì khác, chấp nhận chờ dịch đi qua rồi tái khởi động sản xuất. Công ty cũng tiết giảm chi phí, cân đối để có lãi”, ông Nghĩa nói.

Chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 nhưng Tổng giám đốc Đại Thiên Lộc cho biết, “lợi nhuận sẽ không nhiều”.

… Và tồn tại qua đại dịch

Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần này, dự báo số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản dự báo sẽ tăng cao, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Với các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ có thể chịu áp lực thu hẹp quy mô sản xuất.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, có tới 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, các lĩnh vực dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch... chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Làm cách nào để tồn tại qua đại dịch là trăn trở của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Nếu như Đại Thiên Lộc chấp nhận đóng cửa để chờ dịch bệnh qua đi thì nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” (cán bộ công nhân viên làm việc, ăn, nghỉ tại chỗ).

Dù không nằm trong tâm dịch, nhưng Tổng công ty May 10 đã sớm kích hoạt đồng bộ cơ chế phòng chống dịch – đã phát huy hiệu quả trong các đợt bùng phát dịch trước đó - để đảm bảo lực lượng sản xuất.

Ông Thân Đức Việt cho hay, tất cả người lao động đến làm việc đều phải đi qua buồng khử khuẩn, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn.

Đồng thời, Công ty chia ca làm việc, điều chỉnh giờ ăn để tránh tập trung đông người. May 10 cũng xây dựng nhiều kịch bản sản xuất – kinh doanh cũng như phòng dịch để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong Công ty.

Việc đảm bảo vừa sản xuất hiệu quả vừa chống dịch an toàn đang khiến các doanh nghiệp căng như dây đàn. “Chi phí test nhanh Covid-19 từ 200.000 - 400.000 đồng/lần, chúng tôi phải tiết giảm các khoản chi phí khác để bù đắp cho chi phí 3 ngày test một lần cho công nhân để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Bối cảnh kinh doanh khắc nghiệt, doanh nghiệp phải tối ưu chi phí để có lợi nhuận”, một lãnh đạo chia sẻ.

Thừa nhận chi phí test Covid-19 và “3 tại chỗ” là gánh nặng lớn, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Bình (mã HBC) cho biết, hiện HBC có 60 công trình xây dựng trên cả nước thì có đến 50 công trình phải tạm dừng thi công, 10 công trình chỉ bố trí được khoảng 20% nhân sự ở lại làm việc.

Trong khi đó, lãnh đạo một tập đoàn sản xuất - kinh doanh đồ gia dụng cho biết, công ty trực thuộc tại TP.HCM hiện đang áp dụng chế độ làm việc online 100%. Việc bán hàng đã bị “đóng băng” kể từ khi lệnh phong toả tại TP.HCM và nhiều địa bàn được ban hành.

Lúc này, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để thu thập dữ liệu khách hàng phục vụ cho chiến lược mở rộng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn chất chồng và các doanh nghiệp đang phải gồng mình tìm cách xoay chuyển tình thế để có thể sống sót qua mùa dịch.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục