Cơ hội với các doanh nghiệp ngành xây lắp điện
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện I (PCC1).
Năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức cao, nhu cầu nguồn điện cho tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, do đó, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến như năm 2018.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời, với tổng công suất gia tăng, sẽ góp phần thúc đẩy nhiều dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, thu hút FDI, đầu tư vào khu công nghiệp, khu đô thị được dự báo tăng trưởng mạnh, tạo cơ hội hợp tác và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là cơ sở vững chắc để nhận định, năm 2019 sẽ có nhiều cơ hội với các doanh nghiệp ngành xây lắp điện nói chung, PCC1 nói riêng. Để khai thác hiệu quả tối đa từ các cơ hội này, PCC1 sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường năng lực quản trị hệ thống và quản trị năng lực nhằm nâng cao và đảm bảo chất lượng thi công công trình theo tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong các hợp đồng thầu EPC và PC; phấn đấu đạt mục tiêu gia tăng doanh thu các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, xây lắp điện; đầu tư năng lượng và đầu tư bất động sản; kiểm soát hiệu quả dòng tiền…
Công ty sẽ bám sát các mục tiêu chiến lược 2018 - 2022 tầm nhìn 2030, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm, lợi nhuận sau thuế/doanh thu bình quân hàng năm từ 8% trở lên; củng cố thị phần trong các lĩnh vực cốt lõi.
Giữ vững đà tăng trưởng sản lượng, lợi nhuận
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Năm 2019, Hội đồng quản trị Petrolimex đặt mục tiêu cho Ban điều hành giữ vững đà tăng trưởng về sản lượng, lợi nhuận, đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn, hiệu quả, để mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông, nhà đầu tư.
Hội đồng quản trị sẽ chỉ đạo việc xây dựng chiến lược tái cấu trúc Tập đoàn, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu trở thành một tập đoàn năng lượng có quy mô lớn, cung cấp các sản phẩm năng lượng sạch, tái tạo, thân thiện với môi trường, dựa trên nền tảng quản trị doanh nghiệp minh bạch, chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Hiện tại, Petrolimex là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường như sản phẩm dầu Diesel tiêu chuẩn Euro 5, xăng Ron 95 tiêu chuẩn Euro 4. Đây đều là những nhiên liệu có mức tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại Việt Nam.
Trước mắt, Tập đoàn đang hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để triển khai dự án cung cấp nhiên liệu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) cho nhà máy điện của EVN. LNG với đặc tính hạn chế cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và các nước châu Âu, Bắc Mỹ. Đó sẽ là một trong những dự án năng lượng mới mang tính chiến lược với sự phát triển trong tương lai của Petrolimex.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đang nghiên cứu để trong tương lai gần sẽ cung cấp các sản phẩm xăng, dầu cao cấp hơn ra thị trường, đạt tiêu chuẩn Euro mức 5, mức 6 và xa hơn nữa là nghiên cứu hợp tác và cho ra đời các sản phẩm năng lượng tái tạo.
Tập trung phát triển hệ thống bất động sản tại các khu trung tâm
Ông Đoàn Phong Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Văn Phú - Invest (VPI).
Trong năm 2019 cũng như trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển hệ thống bất động sản tại các khu trung tâm đông dân cư, đồng thời đầu tư hình thành nên chuỗi bất động sản cho thuê tại các vị trí trung tâm giàu tiềm năng. Bên cạnh đó, Văn Phú sẽ tiếp tục tạo lập quỹ đất xây dựng các đô thị ven biển, các khu trung tâm dân cư mới.
Hướng tới chiến lược phát triển 5 năm tới, Văn Phú sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm có phân khúc đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường và định vị là doanh nghiệp dẫn đầu về các sản phẩm bất động sản tầm trung.
Những mục tiêu trên có cơ sở trở thành hiện thực, bởi chúng tôi có lợi thế 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, có quỹ đất sạch tại trung tâm các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Huế, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ… Từ những gì đã làm tại Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ, tin cậy từ những địa phương khác.
Hiện Công ty tiếp tục triển khai nghiên cứu và tiến hành đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Quỹ đất VPI đang nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư lên đến hàng ngàn héc-ta.
Văn Phú còn đồng hành cùng với chính quyền địa phương xây dựng các công trình an sinh xã hội, nhằm tạo ra sự ảnh hưởng sâu rộng tại các địa phương khi Công ty vào đầu tư các dự án. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, Văn Phú định vị thương hiệu là nhà phát triển bất động sản chuyên tâm.
M&A là điều kiện để Yeah 1 tăng trưởng cao
Ông Đào Phúc Trí, Tổng giám đốc điều hành Yeah1 Group.
Niêm yết và huy động vốn thành công trong năm 2018 đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Yeah 1, dù việc huy động vốn hoàn tất chậm hơn so với kế hoạch của Ban lãnh đạo khoảng 2 tháng, khiến cho một số mục tiêu M&A không thể thực hiện như dự định ban đầu. Nhiều doanh nghiệp đã không thể chờ và tìm được đối tác mới, nhưng ngược lại, có rất nhiều thương hiệu từ các thị trường lớn chủ động tìm tới Yeah1 để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Đồng thời, thị trường nội dung số liên tục vận động và Ban lãnh đạo Yeah 1 nhìn thấy triển vọng khai thác thị trường toàn cầu còn rất lớn nên cũng đã ưu tiên chiến lược đầu tư, hợp tác và khai thác thị trường quốc tế. Chúng tôi đã thực hiện mua thành công ScaleLab, hợp tác với các thương hiệu lớn như TVB, Nickoledeon… Các thương vụ M&A tiếp theo sẽ được tiến hành trong năm nay.
Các thương vụ này là điều kiện để Yeah 1 thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2019 - 2022 đạt trung bình hơn 50%/năm.
Kỳ vọng mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế VAT
Ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng của năm 2018, với các yếu tố tích cực như Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Hiệp định EVFTA có thể được ký kết, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt là yếu tố nội tại như Chính phủ quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp.
Riêng với ngành phân bón, kỳ vọng của chúng tôi là Quốc hội sẽ sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp theo hướng các mặt hàng này từ đối tượng không chịu thuế VAT trở về đối tượng chịu thuế VAT. Nếu được như vậy, phân bón sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm phân bón chất lượng cao, đầu tư công nghệ hiện đại sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, nhờ đó giảm giá thành, có thể cạnh tranh công bằng với sản phẩm nhập khẩu và bà con nông dân được hưởng lợi.
Tất nhiên, có các khó khăn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết diễn tiến sẽ ra sao, thị trường dầu mỏ vẫn rất bất định và có tác động khó lường tới ngành phân bón, biến đổi khí hậu và giá nông sản giảm sâu ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, qua đó tác động tới ngành phân bón…
Trước bối cảnh đó, chủ trương xuyên suốt của chúng tôi vẫn là bám sát tình hình thị trường, tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị sản xuất - kinh doanh, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau để có thể sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoàiÔng Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam
Với môi trường kinh doanh, đầu tư đang được Chính phủ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, nền kinh tế vĩ mô ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, cùng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang và sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.
Thời gian qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót một lượng lớn vốn đầu tư và triển khai nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng và mong muốn tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam đã thành công trong thu hút vốn FDI, nhưng dự báo xu hướng đầu tư sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, xu thế kinh tế thế giới biến đổi nhanh chóng sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trở thành điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư mới, nhưng dòng chảy đầu tư sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ tới đây như thế nào.
Bên cạnh việc thu hút dòng vốn FDI mới, Việt Nam nên chú trọng tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích nhà đầu tư hiện tại mở rộng đầu tư. Môi trường kinh doanh với ưu đãi thuế đơn giản là không đủ, cần có những chính sách thân thiện hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần đơn giản hơn.
Mối quan tâm khác của các nhà đầu tư là khung pháp lý có thể thay đổi. Các cơ quan thực thi cần cải thiện việc thực thi luật pháp để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi các luật mới có hiệu lực.
Dồn toàn lực triển khai Dự án thép Dung QuấtÔng Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát.
Theo tôi, năm 2019 và trong nhiều năm tới, Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng cao. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực, quản trị tốt và biết đón nhận thời cơ, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Trên cơ sở kinh tế vĩ mô khả quan và chủ trương khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước của Chính phủ, Tập đoàn Hòa Phát đã đón đầu, dồn toàn lực triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi với công suất 4 triệu tấn thép/năm đúng tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Khi đó, dự án sẽ cung cấp thép cuộn cán nóng HRC, giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam chủ động được nguyên liệu, tránh các dòng thuế đánh vào xuất xứ Trung Quốc của Mỹ.
Ngành thép thế giới và Việt Nam không nằm ngoài phạm vi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ở phân khúc thép dài (chủ yếu cho xây dựng), Việt Nam đang phải chịu mức thuế 25% theo Đạo luật 232 về an ninh sản xuất hàng hóa quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, với sức cạnh tranh vượt trội, thép xây dựng Hòa Phát vẫn xuất khẩu tốt sang thị trường Mỹ và còn xuất sang nhiều nước khác, không phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nào.
Còn trong lĩnh vực thép dẹt (dùng cho gia công cơ khí thép cán nguội, tôn mạ, thép không gỉ, cơ khí chế tạo khác), ngoài đánh thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, Mỹ còn áp mức thuế bổ sung rất cao nhằm hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế xuất xứ thép từ Trung Quốc.
Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thép HRC từ Trung Quốc về để sản xuất thép cán nguội, thép không gỉ rồi xuất sang Mỹ sẽ bị đánh thuế lẩn tránh rất nặng. Hòa Phát chưa xuất khẩu thép cán nguội hay thép không gỉ ra thị trường thế giới, nên chưa ảnh hưởng bởi các dòng thuế này.
Mặt bằng giá thép có diễn biến giảm dần trong nửa cuối năm 2018, nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ trong năm 2019.