Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy một vấn đề đáng chú ý. Đó là, cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, kể cả có thời gian hạn và vô thời hạn (doanh nghiệp giải thể) trong 5 tháng đầu năm nay, thì dải quy mô vốn của các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dường như cũng đang có xu hướng mở rộng.
Cụ thể, trong khi quy mô vốn của doanh nghiệp xin giải thể ở mức từ 20 - 50 tỷ đồng không có sự biến động đáng kể, thì ở các quy mô vốn còn lại, số lượng doanh nghiệp giải thể lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất, chiếm tới 91,5%.
Chưa tính tới những lý do chủ quan doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động có thời hạn (như do đặc thù ngành nghề, lĩnh vực hoặc chu kỳ, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp), theo đánh giá của PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam mới đây, thì con số này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều vấn đề.
Theo phân tích của ông Đình, thực trạng gia tăng giải thể của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, vốn là khu vực chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã cho thấy khu vực này chưa có sự phát triển bền vững.
Nếu không có những cải thiện thực sự giúp khu vực này đứng vững trước các thách thức và cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường và những biến động lớn trong xu thế hội nhập thì các doanh nghiệp sẽ rất dễ bị lạc nhịp phát triển, từ đó, dẫn tới sự tụt hậu và thậm chí là bị loại khỏi thị trường.
Đồng tình với nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cảnh báo, bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây bên cạnh những cải thiện tích cực vẫn bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng quy mô trung bình của doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt, sức khỏe của doanh nghiệp tư nhân chưa có sự cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, ông Tuấn chỉ ra một tồn tại lớn từ lâu vẫn chưa được khắc phục là mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn thấp hơn hẳn so với các đơn vị thuộc khu vực khác.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi về điều kiện kinh doanh, bị đối xử thiếu công bằng so với các khu vực khác, đặc biệt trong các quy định pháp lý. Điển hình như các quy định về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị chuyên dùng, quy định về nhân sự trong bộ máy quản lý, điều kiện về vốn hoạt động trong nhiều trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các đơn vị FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực.
“Chưa kể tâm lý và cách ứng xử theo hướng tận thu, yêu cầu gia tăng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào ngân sách vẫn tồn tại, thậm chí có xu hướng tăng lên tại các cơ quan quản lý. Thuế luôn là gánh nặng, sức ép tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp tư nhân”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh về nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân nhỏ của Việt Nam khó có thể lớn.
Theo ông Tuấn, tuy chủ trương, chính sách của Chính phủ thời gian qua là giảm chi phí cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, song những dự án luật, đề xuất chính sách gần đây lại chủ trương theo hướng tăng thu như Luật sửa 6 luật thuế đề xuất tăng thuế VAT, thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, điều chỉnh trần thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu hay một số địa phương cũng đặt ra một số khoản phí như hạ tầng, cảng biển… Điều này đang khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp bị suy giảm.
Trước thực trạng này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh việc cải thiện chính sách phát triển doanh nghiệp và môi trường kinh doanh một cách thực chất hơn.
Những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua mới chỉ chạm tới việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc xoá bỏ rào cản, mà chưa đi sâu vào việc tạo lập những yếu tố giá trị để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, như giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh, đảm bảo an toàn trong kinh doanh thông qua bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh chính sách cạnh tranh.
“Cần phải tạo ra một cơ chế mang tính bắt buộc để xử lý dứt điểm những rào cản gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 52.322 doanh nghiệp và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 13.267 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại tăng 3,9% so với cùng kỳ, lên tới gần 33.340 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2018 của cả nước cũng tăng mạnh ở mức 18,1% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 5.533 doanh nghiệp.