Doanh nghiệp nhỏ Mỹ “sống mòn” chờ cứu trợ

Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) của Mỹ về lý thuyết là phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng đang bế tắc do những quy định phi thực tế.
Doanh nghiệp quy mô nhỏ tại Mỹ chưa thoát khỏi vòng vây Covid-19. Ảnh: AFP Doanh nghiệp quy mô nhỏ tại Mỹ chưa thoát khỏi vòng vây Covid-19. Ảnh: AFP

Tồn 100 tỷ USD chưa giải ngân

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn theo chương trình PPP được đánh giá là một trong số những sáng kiến có ý nghĩa của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19.

Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đang mắc kẹt ở khâu tiếp cận vốn vay ưu đãi hay thậm chí được xóa nợ theo chương trình PPP, do thiếu hướng dẫn cụ thể của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ Mỹ (SBA) về các quy định sử dụng vốn vay và xóa nợ một cách hợp lý.

Khi mà đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ, các doanh nghiệp quy mô nhỏ của nước này không tránh được ảnh hưởng, nặng thì đóng cửa hàng loạt còn nhẹ thì sa thải nhân viên và hụt doanh số. Số phận các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đang lung lay trong đại dịch.  

Chương trình PPP đã bước sang giai đoạn 2 với tổng mức cho vay dự kiến 300 tỷ USD nhưng hơn 100 tỷ USD vẫn chưa được giải ngân do những vướng mắc thủ tục.

Theo Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ, có đến 80% số 685 chủ doanh nghiệp nhỏ được khảo sát đã nộp hồ sơ xin viện trợ theo chương trình PPP và 90% trong số doanh nghiệp này đã nhận được viện trợ.

Theo quy định, họ có 8 tuần để chi tiêu các khoản vay này, tính từ thời điểm giải ngân. Theo kết quả khảo sát, 75% khoản vay được doanh nghiệp dùng cho trả lương nhân viên và 25% còn lại thanh toán các chi phí khác như tiền thuê nhà và các tiện ích khác.

Hơn một nửa số chủ doanh nghiệp Mỹ hy vọng khoản chi cho các chi phí sẽ được “xóa nợ” còn 27% hy vọng 3/4 khoản vay sẽ được xóa nợ theo các hướng dẫn hiện hành. Rất ít doanh nghiệp muốn biến các khoản vay PPP thành các khoản vay lãi suất thấp.

3/4 doanh nghiệp nhỏ thấy khó hiểu

Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) và Bộ Tài chính Mỹ tuần trước đã ban hành mẫu đơn xin xóa nợ cho bên vay, đồng thời cam kết sẽ hướng dẫn thêm cho cả bên vay và bên cho vay về việc xóa nợ.

Nhưng thách thức lớn cho doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận vốn vay theo chương trình PPP là đáp ứng các điều kiện để đạt mức xóa nợ cao nhất. Ngoài ra, gần một nửa số doanh nghiệp vay vốn cho rằng việc sử dụng khoản vay trong vòng 8 tuần là điều khó thực thi vì giữa đại dịch không dễ đạt được tỷ lệ người lao động trở lại bình thường như trước đại dịch.

Báo cáo của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ chỉ rõ, gần 3/4 doanh nghiệp nhỏ cho rằng các điều khoản và điều kiện vay theo chương trình PPP khó hiểu còn 22% trong số họ thấy khó thực hiện.

Theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế, tỷ lệ chi tiêu 75-25 đối với khoản vay theo PPP cần được điều chỉnh thành 50/50 và thời hạn chi tiêu cũng cần được gia hạn đến ngày 31/12, thay vì 8 tuần kể từ ngày giải ngân.

Bà Karen Kerrigan, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Doanh nghiệp Nhỏ và Doanh nhân Mỹ kêu gọi, chương trình PPP cần được cấu trúc linh hoạt hơn do mỗi bang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa khác nhau; do đó kế hoạch mở cửa hoạt động kinh doanh cũng rất khác nhau và điều này sẽ quyết định nhu cầu vay.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục