Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), dự kiến công bố ngày hôm nay (24/2), nhiều doanh nghiệp (DN) nước này vẫn lo ngại về những rủi ro liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, chi phí nhân công tăng; thủ tục hành chính phức tạp; chính sách không minh bạch; chế độ thuế, thủ tục thuế quan phức tạp; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch tiếp tục thuộc “top 5” yếu tố rủi ro trong môi trường đầu tư.
“Vẫn có quá nửa số DN Nhật Bản tại Việt Nam thống nhất với các ý kiến trên”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết.
Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, 66,6% DN Nhật ở Việt Nam được hỏi trả lời rằng, họ lo lắng khi chi phí nhân công tăng vọt. Trong khi đó, 66,1% cho rằng, thủ tục hành chính phức tạp; 55,6% quan ngại chính sách không minh bạch; 65% nói thủ tục thuế quan phức tạp; 67,5% băn khoăn hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch.
“Các tỷ lệ này đều tăng hơn so với khảo sát trước”, ông Kawada nói và phân tích, các vấn đề liên quan đến tăng lương nhân viên, cũng như những khó khăn trong việc nội địa hóa nguyên liệu, vật tư tiếp tục “cùm chân” hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo khảo sát của JETRO, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản hiện ở mức 32,2%, tăng 4,3 điểm phần trăm so với năm trước, nhưng vẫn thấp so với mức 64% tại Trung Quốc, 53% tại Thái Lan, 42% tại Malaysia và 41% tại Indonesia.
“Điều đáng ngạc nhiên là, tỷ lệ mua nguyên liệu từ các DN Nhật Bản tại Việt Nam tăng lên, trong khi tỷ lệ mua từ các DN Việt Nam giảm. Để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí, thì việc đẩy mạnh mua nguyên liệu, vật tư từ DN Việt Nam là rất cần thiết”, ông Kawada nói và cho rằng, cần phải có chính sách trợ giúp DN Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Liên quan vấn đề này, theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM, chỉ thu hút các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển công nghiệp hỗ trợ thì không thể cắt giảm được chi phí, mà phải phát triển các DN bản địa Việt Nam.
“Để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần có thị trường lớn, nhưng mấu chốt hiện nay là thị trường nội địa Việt Nam còn nhỏ bé. Vì thế, cần nắm lấy xu hướng chiến lược Thái Lan + 1 của nhà đầu tư Nhật Bản tại Thái Lan để xây dựng chuỗi cung ứng cho cả thị trường Việt Nam và Thái Lan”, ông Hirotaka đề xuất. Mặc dù có những quan ngại về môi trường đầu tư Việt Nam, nhưng điểm đặc biệt là, theo khảo sát của JETRO, vẫn có tới 70% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Tỷ lệ này cao hơn con số 66,4% tại Indonesia, 66,2% ở Thái Lan, 51,6% ở Malaysia…
“DN Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng. Hơn 90% DN cho rằng, lý do chính để mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu, khả năng tăng trưởng cao và có tiềm năng”, ông Kawada nói.
Theo ông Kawada, mối quan tâm của DN Nhật Bản tới Việt Nam vẫn ở mức cao. Ông Kawada cho biết, trong năm nay, JETRO sẽ tổ chức nhiều đoàn DN Nhật Bản tới Việt Nam để khảo sát đầu tư, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Nhật Bản trong những năm gần đây đã nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Lũy kế tính đến hết năm 2013, đã có 34,58 tỷ USD vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó riêng năm 2013 đạt 5,747 tỷ USD.
Một làn sóng đầu tư của Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đổ vào Việt Nam. Minh chứng mới nhất là, cuối tuần qua, Công ty Wonderful Sài Gòn Electrics đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để tăng vốn thêm 240 triệu USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Kawada, để tiếp tục thu hút đầu tư từ Nhật Bản, thì Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.