Doanh nghiệp nhà nước xếp hàng bán vốn

(ĐTCK) Hoạt động bán đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) chưa khi nào được triển khai một cách quyết liệt như giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, khi một lượng hàng hóa khổng lồ được đẩy ra thị trường trong cùng một thời điểm có thể gây ra tình trạng “dồn toa”.

Ngày 6/5 vừa qua, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) đã tổ chức bán đấu giá 28,6% cổ phần ra công chúng, tương đương giá trị hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, buổi đấu giá của Cienco 8 chỉ thu hút 26 nhà đầu tư tham gia, tất cả đều là nhà đầu tư cá nhân, với tổng khối lượng đăng ký mua là 37.000 cổ phần, tương đương giá trị 370 triệu đồng. Dẫu sao, so với nhiều DNNN đưa cổ phần ra đấu giá từ đầu năm tới nay, Cienco 8 vẫn còn được xem là may mắn, vì đã có 3 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Cầu đường Long Biên, CTCK Vietcombank và CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC đăng ký mua 21% cổ phần, tương đương 73,5 tỷ đồng.

Hoạt động IPO tại các DN trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải đang được triển khai rất quyết liệt. Thông điệp mạnh mẽ được vị tư lệnh ngành Giao thông Vận tải đưa ra là, nếu chậm trễ trong triển khai cổ phần hóa, lãnh đạo DN sẽ bị buộc phải điều chuyển sang vị trí khác. Chính vì vậy, các DN thuộc ngành giao thông không thể chậm trễ.

Ở các ngành khác, hoạt động IPO cũng đang được rậm rịch triển khai. Theo kế hoạch, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) sẽ bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngay trong năm nay. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sau nhiều lần trì hoãn cũng cho biết sẽ thực hiện IPO vào tháng 7 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinatex vẫn đang bám theo tiến độ của Ban chỉ đạo, Tập đoàn cũng đang tìm kiếm và lựa chọn một số đối tác chiến lược. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đang gấp rút thực hiện công đoạn chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện IPO vào cuối năm 2014…

Trao đổi với ĐTCK, ông Tào Minh Dương, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, BVSC đã tư vấn đấu giá cho 11 DNNN, trong đó những DN lớn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải như Tổng công ty Ô tô Việt Nam (Vinamotor) đấu giá 51 triệu cổ phần (tương đương với 510 tỷ đồng), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) đã bán đấu giá thành công hơn 2,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 26 tỷ đồng, tương ứng 20,8% vốn điều lệ… Ngoài các DN ngành giao thông, dự kiến từ nay đến hết năm 2014, BVSC sẽ tư vấn cổ phần hóa cho thêm 5 tổng công ty lớn, chưa kể Công ty sẽ làm đại lý đấu giá cho khá nhiều DNNN bán vốn dưới 10 tỷ đồng.

CTCK Vietcombank (VCBS) và CTCK MB (MBS) cũng ký hợp đồng thực hiện khá nhiều cuộc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp. Lãnh đạo MBS cho biết, Công ty đã ký hợp đồng với khá nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, một số công ty con của Vinatex… Dự kiến, từ nay đến cuối năm, MBS sẽ tư vấn IPO cho khoảng 10 DNNN. Còn tại VCBS, Công ty dự kiến sẽ tư vấn cổ phần hóa cho gần 30 DNNN.

Lãnh đạo VCBS cho biết, cùng với chuyển động cổ phần hóa các tổng công ty, việc thoái vốn của SCIC tại các công ty con có quy mô vừa, nhỏ đang diễn ra khá nhiều, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Một số CTCK như VietinbankSC, CTCK Đông Á, CTCK ACB, IVS cũng vừa nhận được danh sách làm đại lý đấu giá cho các DNNN do SCIC thoái vốn.

Có thể thấy rõ quyết tâm từ phía Chính phủ và các DNNN trong việc thực hiện cổ phần hóa, nhưng với việc đưa ra thị trường một nguồn cung cổ phiếu lớn trong một thời gian ngắn, thị trường khó có thể hấp thu hết. Cuộc IPO của mỗi DNNN thành công đến đâu sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng thuyết phục NĐT của DN.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục