Kỳ 2: Cơ chế dò sai để phạt
Cơ chế dò sai để phạt, thay vì tìm ý tưởng tốt, việc làm hay để thưởng đang bó chặt sức sáng tạo và tiềm lực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thế khó của người đứng đầu
Không phải ngẫu nhiên, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) chọn cách nói “nếu - thì” để chia sẻ về cơ hội phát triển thời gian tới của VNPT cũng như khu vực doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi năm nay 55 tuổi, vào làm VNPT từ năm 1992. VNPT cho tôi cuộc sống, sự nghiệp, vị trí, nên tôi biết ơn, rất muốn làm mọi thứ để phục vụ lợi ích của Tập đoàn, có thể hơi vượt rào một chút cũng được. Nhưng tâm lý con người mà, làm gì cũng phải nghĩ đến an toàn cho mình trước. Thực tế là nếu thành công thì cho tập thể, nhưng nếu sai sót thì cá nhân chịu”, ông Thái thẳng thắn bộc bạch.
So với doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp viễn thông có được nhiều dấu ấn thị trường hơn cả nhờ được hợp tác, cạnh tranh sớm.
Từ năm 2016, VNPT đã bắt đầu triển khai chiến lược chuyển đổi số VNPT 4.0, đầu tư nguồn lực lớn cho hạ tầng số, đã và đang phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ICT... Nhiều dự án quốc gia thành công có sự tham gia tích cực, chủ đạo của VNPT như hệ thống báo cáo quốc gia kết nối thông tin các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cổng dịch vụ công quốc gia…
Nhưng chính người tiên phong trong công nghệ lại không thể nói nhiều về điều này khi chọn an toàn, dù nhu cầu có và không gian tốt để đổi mới, sáng tạo đang có và có cả tiền.
Hơn chục ngày trước, Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa trình Quốc hội trong phiên làm việc ngày 23/5/2022 đã nhắc tới số dư Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lên tới 11.680 tỷ đồng (tính tới ngày 31/12/2021).
Trong số này, quỹ của Viettel có 6.926 tỷ đồng, PVN có 1.100 tỷ đồng, MobiFone có 1.125 tỷ đồng và VNPT dư 895 tỷ đồng... Nguyên nhân là Thông tư 12/2016/ TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ rất phức tạp, không rõ ràng, rất dễ vi phạm.
Khi không doanh nghiệp nào dám tiêu hàng ngàn tỷ đồng dành cho nghiên cứu và phát triển, thì sẽ không có đầu tư mạo hiểm, không thể có sản phẩm, dịch vụ mới, không thể có làm chủ công nghệ lõi, không thể có tiên phong, dẫn dắt...
11 năm chỉ làm dự án dở dang
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn chắc hẳn rất tâm tư khi nhắc tới 11 năm chỉ toàn đi hoàn thiện các dự án dở dang của mình. Ông kể, từ khi ông làm Tổng giám đốc TKV, từ năm 2011 đến 2014, sau đó là vị trí Chủ tịch HĐTV, ông hầu như không có cơ hội làm dự án mới.
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3 vừa qua, những dự án được TKV đề xuất cơ chế để triển khai vẫn là những dự án từ giai đoạn 2007-2011, như Dự án Sắt Thạch Khê, Dự án khai thác, chế biến Cromit Cổ Định - Thanh Hóa... Đề xuất mới là nâng cấp công suất 2 dự án bauxit ở Tây Nguyên gồm Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, lên 800.000 tấn alumin/năm để tận dụng mặt bằng, hạ tầng đầu tư đã được TKV trình từ năm 2021, nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành thẩm định để trình Chính phủ.
“Tôi rất buồn vì tiềm lực có mà không phát triển tương xứng. Chúng tôi cũng rất cố gắng, nhưng cơ chế chính sách đáng ra phải mở, chứ cứ bó lại thì doanh nghiệp nhà nước không thể phát triển được”, ông Chuẩn nói đầy trăn trở.
TKV không đơn độc ở tình trạng không có dự án mới. Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel chỉ triển khai được 4 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong 5 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng dầu khí mới, trong khi giai đoạn 5 năm trước là 21 hợp đồng.
Không chỉ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang bị bó tay, bó chân khi triển khai dự án đầu tư. Cùng một dự án như xây dựng nhà máy may, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất 6-8 tháng từ khi quyết định đầu tư đến lúc đưa vào vận hành, nhưng Vinatex cần ít nhất gấp đôi thời gian trên, để xin phê duyệt được chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án khả thi chi tiết, thực hiện các quy trình, thủ tục của Luật Đấu thầu.
“100% vấn đề HĐQT hay HĐTV ra nghị quyết đều cần xin ý kiến chủ sở hữu, khiến tốc độ ra quyết định chậm. Nhiều khi xin ý kiến xong thì cơ hội cũng qua đi. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì vai trò chủ đạo, dẫn dắt của khu vực này sẽ được thể hiện bằng điều gì? Chúng tôi chỉ mong có chính sách quản lý vốn và người đại diện vốn phù hợp, nâng cao trách nhiệm của HĐQT, HĐTV...”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex đặt vấn đề.
Cơ chế dò sai để phạt?
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Bùi Thị Thanh Tâm thậm chí còn chọn “đầu tư càng ít càng tốt”.
“Chúng tôi chủ yếu đầu tư kho tàng, nghĩa là liên quan đến đất đai, đến các địa phương nên rất phức tạp. Chúng tôi cố gắng làm đúng hôm nay, nhưng không biết mai xét lại còn đúng không”, bà Tâm không ngần ngại nói thẳng.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gọi hiện trạng trên là hệ quả của tư duy “dò sai để phạt”, thay vì “tìm hay để thưởng”. Đáng nói là tư duy này đã chi phối hệ thống cơ chế, chính sách và cả hệ thống động lực dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước kể từ khi những sai phạm của Vinashin gây nên những tổn thương vô cùng lớn cho nền kinh tế.
Nhìn lại, cơ chế, chính sách của doanh nghiệp nhà nước có thể chia thành 2 giai đoạn. Trước và sau vụ án Vinashin, với hai tư tưởng mở và thắt rõ ràng. Với cơ chế hiện tại, mục tiêu chính là làm sao quản lý chặt chẽ vốn nhà nước, chứ không phải là để thúc đẩy phát triển, sáng tạo để gia tăng vốn nhà nước, nên quy trình, thủ tục được thiết kế cồng kềnh, phức tạp.
Thậm chí, Luật số 69/2014/QH13 đang đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước, nên thiết lập hệ thống công cụ để can thiệp trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tâm lý ai cũng sợ làm sai, sợ trách nhiệm nên bó chặt nhau, dù tôi biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thực sự đôn đáo, chấp nhận va đập để tìm hướng đi”, ông Thành phân tích.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhìn thẳng vào vấn đề này khi cho rằng, 10 năm trở lại đây, các nỗ lực triển khai, củng cố vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Những thay đổi trong hệ thống chính sách chủ yếu để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn; để rốt ráo xử lý những tồn tại, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện tái cơ cấu, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước...
Nhưng chính vì khi thấy còn sai phạm chưa xử lý xong thì không cơ quan, đơn vị nào đề xuất phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành; càng không có nhiều nỗ lực thay đổi thể chế, cơ chế, chính sách tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo khoa học - công nghệ phù hợp với xu thế thời đại để doanh nghiệp nhà nước thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Với tư duy này, doanh nghiệp nhà nước làm gì cũng phải xin, đợi được cho mới làm, không thể thực hiện quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, nghĩa là cũng không thể cải thiện được năng lực cạnh tranh.
Ngay cả những chậm trễ trong thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm qua cũng bắt nguồn từ hệ lụy dò sai để phạt, nên chẳng mấy địa phương, doanh nghiệp quyết liệt tìm giải pháp cho vướng mắc về đất đai.
Nên, cho đến giờ, trong các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước, mong muốn chi phối vẫn là được làm những việc bình thường như một doanh nghiệp trong huy động vốn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư, kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ...
Nghĩa là được làm khác những gì mà các doanh nghiệp nhà nước đang phải tuân thủ.
“Chúng tôi thực sự muốn được làm khác đi, muốn đạt được những mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ giao cho, nhưng là doanh nghiệp thì phải làm theo luật”, ông Tô Dũng Thái nói.
(Còn tiếp)