Lời Tòa soạn: Thay vì đàng hoàng nói về trọng trách tiên phong, dẫn dắt, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang ẩn mình trong nỗi ấm ức không dám làm doanh nghiệp đúng nghĩa. Hàng triệu tỷ đồng, những lợi thế hiếm có của những ngành nghề, lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế bị ghim trong tầng lớp quy trình, thủ tục và tâm lý chọn an toàn, sợ sai của những người đứng đầu.
Kỳ 1: Những gương mặt tỷ đô
Không quá khó khi dự báo sớm 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng con số không phải là tất cả.
Tỷ đô không còn là khát vọng
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) trầm ngâm khá lâu trước câu hỏi, VNPT có thể là một trong trong 10 doanh nghiệp đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2025 không, thực sự là một con sếu đầu đàn của nền kinh tế không.
“Nếu cả hệ thống mong muốn và cùng làm, tôi nghĩ chỉ mất 5 năm hoặc cùng lắm là 10 năm”, ông Thái nói.
Đây không chỉ là tham vọng của VNPT, mà là một trong những mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 68/2022/NQ-CP (Nghị quyết 68) về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa được Chính phủ ban hành giữa tháng 5/2022.
Cùng với con số trên, Nghị quyết 68 cũng đặt chỉ tiêu là có được ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD.
Nhìn vào nguồn lực hiện có của khu vực này, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, việc đạt được con số tuyệt đối là không quá tầm với, ngay cả khi thời gian còn lại không nhiều.
Thậm chí, ngay thời điểm này, nhiều gương mặt tỷ đô đã lộ diện.
Tính trên thị trường chứng khoán, đến tháng 3/2022, trong số 49 doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, có tên các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như VCB, BIDV, VietinBank; có cả Petrolimex, Tổng công ty Hàng không Việt Nam... Thậm chí, năm 2022, Vietcombank đã có mặt trong Top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu do Forbes bình chọn, với thứ hạng 950, theo 4 tiêu chí doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.
Đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).
Riêng VNPT, theo Báo cáo công khai thông tin tài chính 6 tháng đầu năm 2021 gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của VNPT là hơn 67.000 tỷ đồng, tương ứng trên 2,8 tỷ USD, nghĩa là đã góp một vị trí trong danh sách 25 doanh nghiệp nhà nước tỷ USD.
Nhưng, con số chỉ là một mặt của doanh nghiệp nhà nước. Nguồn lực và vị trí mà khu vực này đang nắm giữ đáng giá hơn nhiều.
Có thể nhắc đến trong lĩnh vực điện, các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội.
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò độc quyền.
Lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, TKV chiếm thị phần chi phối. Lĩnh vực xăng dầu, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.
Cũng phải nhắc tới Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý 22 cảng hàng không trong cả nước, đều là các cảng lớn, quan trọng, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực quản lý cảng biển, vận tải hàng hải và dịch vụ logistics.
Đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán và các dịch vụ ngân hàng khác cho nền kinh tế - xã hội, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.
Còn trong lĩnh vực viễn thông, Viettel, VNPT và MobiFone đang chi phối tất cả hoạt động trong lĩnh vực này, chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất; thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp...
Bước chân tới hạn
Bức tranh rất sáng về doanh nghiệp nhà nước lại không thỏa mãn chính những người trong cuộc. Thậm chí, những thành tựu đang có không đủ để người đứng đầu VNPT tin vào sức vươn vững vàng của doanh nghiệp này, cũng như của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thậm chí, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước cuối tháng 3/2022, ông Tô Dũng Thái đã đưa ra cảnh báo tình trạng doanh thu của doanh nghiệp viễn thông đang đi ngang và có nguy cơ đi xuống khi thị trường viễn thông đối mặt với tình trạng bão hòa.
“Không gian tăng trưởng mới của các doanh nghiệp trong ngành là chuyển đổi số đang rất rộng mở, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa làm được bao nhiêu”, ông Thái trăn trở.
Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cơ hội cho doanh nghiệp đang mở rộng. Để phát triển, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, sáng tạo, tìm kiếm cơ hội mới hoặc mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế.
Nhưng, thực tế vận hành doanh nghiệp nhà nước lại không được như vậy.
Doanh nghiệp trong khu vực này thường được tổ chức theo lĩnh vực hẹp (viễn thông, dầu khí, điện lực, hàng không…), nên khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, thì không gian tăng trưởng bị hạn chế.
Mặt khác, do các ngành, lĩnh vực này có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính, tín dụng), nên xu hướng hướng nội chi phối hoạt động của nhiều doanh nghiệp, khiến áp lực hướng ra ngoài, liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp khác hay tham gia cạnh tranh quốc tế không thực sự lớn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã thẳng thắn nhận định, hiện trạng trên khiến chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Một số doanh nghiệp quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn.
Trong năm tài chính 2020, vẫn còn 11/73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có số lỗ lũy kế (chiếm hơn 15% số lượng) với giá trị là 11.464,2 tỷ đồng. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu ở một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.
Đặc biệt, suốt 5 năm vừa qua, rất ít dự án, công trình mới của doanh nghiệp được khởi công. Hầu như các doanh nghiệp chỉ thực hiện những dự án dở dang hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ giai đoạn trước.
Vì vậy, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của khu vực này dù có nhiều cải thiện, nhưng chưa rõ nét.
Nếu sử dụng xuất khẩu làm tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì có thể thấy, khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Theo tổng hợp số liệu, trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách nhà nước, thì trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36%, còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước đều chiếm khoảng 2,2%.
Nhưng nguyên do căn cơ của tình trạng này mới là điều khiến nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước như ông Thái tâm tư, vì chúng không chỉ nằm ở mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, ở quy mô vốn đang có xu hướng nhỏ hơn các doanh nghiệp khác...
“Các doanh nghiệp ngoài nhà nước thấy có lợi thì làm, còn doanh nghiệp nhà nước phải đúng mới làm. Trong thời buổi 4.0, nếu phải đúng mới làm thì không thể sáng tạo, không dám làm. Mà đã không dám làm thì không thể dẫn dắt, không thể tiên phong được. Nên tôi mới nói, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, doanh nghiệp nhà nước sẽ thay đổi thực sự, sẽ thành những doanh nghiệp tỷ đô tầm cỡ khu vực, toàn cầu”, ông Thái nói.
Cũng có thể trong tâm lý “đúng mới làm” còn có cả hình ảnh những vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước danh tiếng một thời và những bản án nặng nề khi hàng loạt dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong quá khứ vẫn đang được tiếp tục xử lý...
Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho doanh nghiệp nhà nước đến hết năm 2025 Nguồn: Nghị quyết 68/2022/NQ-CP
100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của Tổ chức OECD.
Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước.
Có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.
100% doanh nghiệp nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.
Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 5 - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.
(Còn tiếp)