Cho dù công bố muộn, nhưng có vẻ những lấn cấn về việc xử đúng các lỗi vi phạm của khu vực doanh nghiệp nhà nước dần được giải tỏa. Doanh nghiệp nhà nước đang được đặt về đúng vị trí trong nền kinh tế thị trường, trong sự bình đẳng và công khai với các khu vực doanh nghiệp khác.
Song, công khai danh tính là chưa đủ, công việc này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với các chế tài nghiêm khắc, vì thực tế, áp đặt kỷ luật thị trường với khu vực doanh nghiệp này không phải là việc dễ dàng. Phải nói rõ, yêu cầu này đã được xác định là một trong những mục tiêu của tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua, nhưng kết quả chưa rõ nét.
Thậm chí, Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham vấn ý kiến rộng rãi đã buộc phải thừa nhận, tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, chưa đạt được các chuyển biến cơ bản theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Điều này cũng có nghĩa, tình hình sẽ không thể chuyển biến nếu việc đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt; việc thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác... không được thúc đẩy nhanh chóng. Đây là trách nhiệm của cơ chế, chính sách.
Nhưng trong quá trình này, tư duy của chính các doanh nghiệp nhà nước có lẽ đang là rào cản lớn. Trở lại yêu cầu về công bố thông tin, ở vế ngược lại, danh mục doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ vẻn vẹn có 3 dòng với 3 cái tên, cho dù nghị định này đã có hiệu lực được 9 tháng, thời hạn cuối để công bố nhiều loại thông tin đã qua gần 6 tháng.
Trong khi đó, hiện tượng một số giám đốc tự trả tiền lương cho mình cao một cách bất thường vẫn đang xảy ra, nhưng chưa được phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm. Hay các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” trong kinh doanh, chưa áp dụng nguyên tắc thị trường về giá của vốn, vẫn có thói quen trình xin hỗ trợ khi gặp khó khăn…
Mới đây nhất, những điều tiếng xung quanh quy trình bổ nhiệm nhân sự của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khải Sài Gòn (Sabeco) hay thắc mắc về khoản mua lại 95% cổ phần AVG của MobiFone... đều xuất phát từ việc không tuân thủ quy định về công bố thông tin của chính các doanh nghiệp nhà nước trong cuộc, khiến các cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro với khu vực doanh nghiệp này trở nên kém hiệu quả.
Hệ quả là Nhà nước, về cơ bản, vẫn phải đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho doanh nghiệp dưới hình thức giãn nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh nợ... Những người có liên quan, như đại diện chủ sở hữu, người quản lý... doanh nghiệp nhà nước gần như không chịu ảnh hưởng bởi sự khắt khe và công bằng của thị trường.
Ở góc nhìn tổng thể, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang gánh chịu những tác động méo mó, lệch lạc từ sự không minh bạch thông tin, tư duy “vị thế đặc biệt, đặc thù” của khu vực doanh nghiệp nhà nước…
Sẽ có nhiều việc phải làm, nhiều cơ chế, chính sách phải thay đổi để thực sự đặt đúng chỗ, đúng vị trí doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhưng, công khai thông tin sẽ là điều kiện tiên quyết để các thay đổi tới đây đi đúng hướng, đáp ứng đúng yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý.