Công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế, "con nợ" đã dần biết "xấu hổ"

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 tiếp tục yêu cầu ngành tài chính tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. Theo ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, thu hồi nợ đọng cần cả hệ thống chính quyền vào cuộc, chứ không riêng gì ngành thuế.
Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội
Năm nay, Cục Thuế Hà Nội phải thu hồi 22.500 tỷ đồng tiền nợ thuế, phí, tiền chậm nộp và tiền sử dụng đất. Thưa ông, ngành thuế đã và đang làm gì để thu hồi số tiền nợ đọng này?

Chúng tôi thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, trong đó có biện pháp công bố công khai đối tượng nợ thuế. Nếu như cả năm 2015, Cục Thuế Hà Nội công bố 7 đợt danh sách doanh nghiệp nợ thuế thì chỉ từ đầu năm tới nay đã công bố 6 đợt.

Mới đây (đợt 6), chúng tôi công bố danh sách 152 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền nợ 184,198 tỷ đồng. Trong đó có 13 dự án nợ tiền thuê đất 35,138 tỷ đồng và 139 doanh nghiệp nợ thuế, phí 149,061 tỷ đồng.

Ông nói rằng, công bố danh tính doanh nghiệp nợ thuế là biện pháp thu hồi nợ đọng hiệu quả. Hiệu quả đó thể hiện ở chỗ nào?

Năm 2015, ngành thuế Hà Nội thu hồi được 9.758 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng. Qua 7 đợt công khai 627 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất đã có 311 doanh nghiệp thu xếp nguồn tài chính để nộp nợ thuế vào ngân sách nhà nước với số tiền gần 1.792 tỷ đồng, trong đó có 30 doanh nghiệp nộp hết nợ thuế. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, sau khi công khai 655 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất, đã có 322 doanh nghiệp nộp tiền nợ vào ngân sách nhà nước.

Công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế hiệu quả như vậy, tại sao nợ thuế ở Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng, thưa ông?

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng người nộp thuế nhiều  nhất cả nước và ngày càng tăng lên. Hiện tại, chúng tôi quản lý thuế trên 120.000 doanh nghiệp, 140.000 hộ kinh doanh cá thể và hơn 3,2 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, 122 dự án nộp tiền sử dụng đất, 8.300 điểm thuê đất của tổ chức, cá nhân và gần 2 triệu hộ gia định nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với số thu ngân sách nhà nước hàng năm lớn nhất nhì cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm nay chững lại, số lượng doanh nghiệp giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động tăng (trong 5 tháng đầu năm cả nước có trên 28.580 doanh nghiệp tạm ngừng, đóng cửa, giải thể tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2015). Trong quý I/2015, trên địa bàn Hà Nội có tới 8.000 doanh nghiệp đăng ký giải thể, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015 (chưa kể số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động), khiến nợ thuế gia tăng, mặc dù ngành thuế nói chung, ngành thuế Hà Nội nói riêng rất nỗ lực và đã sử dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng thuế cũng như nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.

Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ tiền thuế, ngành thuế sẽ làm gì tiếp theo?

Trước thực tế nợ thuế vẫn có xu hướng gia tăng, ngày 11/4/206, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đôn đốc thu hồi nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất trên địa bàn, trong đó một Phó chủ tịch UBND Hà Nội trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội làm Phó ban thường trực, ủy viên gồm lãnh đạo Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội, Kho bạc Hà Nội… và chủ tịch UBND các quận, huyện.

Điều này cho thấy, công tác thu hồi nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không còn là việc riêng của ngành thuế, mà đã có sự tham gia trực tiếp của cả hệ thống chính quyền trên địa bàn. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính quyền, hy vọng nợ đọng thuế trên địa bàn sẽ giảm mạnh.

Về phần mình, với những đối tượng cố tình trây ỳ, cơ quan thuế tiếp tục sử dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đã được quy định trong Luật Quản lý thuế. Bên cạnh công bố danh tính doanh nghiệp nợ thuế, chúng tôi thực hiện cưỡng chế tài khoản của đối tượng nợ thuế và công bố hóa đơn của đối tượng nợ thuế không còn giá trị sử dụng.

Trong quý I vừa qua, chúng tôi đã ban hành 2.570 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng đối với 1.555 doanh nghiệp với tổng số nợ 2.403 tỷ đồng. Sau một thời gian nhất định sau khi công bố công khai doanh nghiệp nợ thuế, nếu doanh nghiệp không nộp tiền vào ngân sách nhà nước, chúng tôi đều thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi từ tài khoản ngân hàng để thu nợ và thực hiện công bố hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngoại trừ những đối tượng cố tình chây ỳ, nhiều doanh nghiệp nợ thuế do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Thưa ông, với những trường hợp này, ngành thuế Hà Nội có giải pháp gì để hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp? 

Ngành thuế Hà Nội thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp quản lý thuế phù hợp với từng trường hợp trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Chúng tôi đã kiến nghị, tham mưu với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp, như cho phép xuất lẻ hóa đơn cho doanh nghiệp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; không tính tiền chậm nộp với nhà thầu phụ thi công công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán…

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục