Doanh nghiệp nhà nước nợ 1,6 triệu tỷ đồng

Báo cáo giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy trong giai đoạn 2011-2016, nợ của khối doanh nghiệp này đã gia tăng lên tới 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD).
Doanh nghiệp Nhà nước đang ghánh khoản nợ lên tới 1,6 triệu tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước đang ghánh khoản nợ lên tới 1,6 triệu tỷ đồng.

Sáng 28/5/2018, Đại diện Đoàn giám sát trình bày trước Quốc hội kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Theo đánh giá, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo nhận xét của Đoàn giám sát, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã "từng bước được hoàn thiện" và không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối doanh nghiệp này trong thời gian qua.

Có những doanh nghiệp có năm đạt tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng, Viettel nộp NSNN 131.400 tỷ đồng...”.

Tuy nhiên, "hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội", báo cáo nêu.

Báo cáo của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và một số vi phạm.

Cụ thể, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng); chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Đáng nói là tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD).

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Lũy kế tính đến 31/12/2016, doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.

Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục