Theo số liệu công bố, riêng trong quý III/2015, tổng doanh thu của 8 DN ngành than niêm yết giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng mức lỗ ròng lên tới 117,5 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với tổng mức lỗ cùng kỳ năm ngoái là hơn 96 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kết quả sản xuất - kinh doanh khả quan trong 2 quý đầu năm 2015, nên tổng doanh thu 9 tháng của 8 DN ngành than ước tăng 3,4% so với cùng kỳ (tổng mức lỗ 9 tháng hơn 24 tỷ đồng), giảm hơn phân nửa so với con số lỗ hơn 50 tỷ đồng trong quý III/2014.
Cụ thể, Công ty Than Mông Dương - đơn vị chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt mưa lũ, công bố con số lỗ quý III/2015 lên tới gần 118 tỷ đồng. Theo Công ty Than Mông Dương, do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa cấp bù chi phí khắc phục sự cố ngập mỏ, nên kết quả kinh doanh quý III của DN bị rơi vào tình trạng lỗ đột biến. Cùng với khoản lỗ hơn 17 tỷ đồng trong nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, Than Mông Dương lỗ ròng 135 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng.
Mặc dù có doanh thu tăng so với cùng kỳ, song kết quả kinh doanh quý III/2015 của Than Hà Tu và Than Cao Sơn cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Than Hà Tu cho biết, do giá vốn hàng bán tăng 17% dẫn đến quý III Công ty lỗ 24,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang có sự cạnh tranh mạnh với các nguồn than nhập khẩu, than ngoài TKV; cộng với tình hình mưa lũ bất thường đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng, sức tiêu thụ; chi phí khắc phục thiên tai là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của đơn vị này. Lũy kế 9 tháng, Than Hà Tu lỗ hơn 15,7 tỷ đồng.
Đối với Than Cao Sơn, tuy báo lỗ gần 1 tỷ đồng trong quý III cũng vì lý do giá vốn bán hàng tăng, song nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong quý II, Công ty báo lãi 9 tháng hơn 21 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ 202 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, EPS 9 tháng của Than Cao Sơn đạt 1.403 đồng.
Cùng chịu ảnh hưởng khá lớn từ mưa lũ, với 4 nhà máy bị ngấm nước, Công ty Than Vàng Danh tuy không rơi vào tình trạng thua lỗ, nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tới 78,3%, chỉ đạt 7,35 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Than Vàng Danh lãi sau thuế 42,45 tỷ đồng, giảm 41% so với 9 tháng 2014. Dù mức lãi giảm mạnh, song Than Vàng Danh vẫn được đánh giá là đơn vị có mức lãi cao nhất trong các DN than trên sàn niêm yết.
Bốn DN còn lại gồm Than Núi Béo, Than Hà Lầm, Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai đều công bố lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Than Núi Béo, do tình hình tiêu thụ than khó khăn làm giảm doanh thu, cộng với mưa lũ lớn gây thiệt hại dẫn đến tăng chi phí đã khiến lợi nhuận quý III/2015 của DN này giảm 76% so với cùng kỳ. Cụ thể, quý III, Than Núi Béo đạt 314 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với quý III/2014, trong khi chi phí bán hàng tăng 17%, lên 1 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi ròng 1,3 tỷ đồng, giảm 76%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Than Núi Béo đạt 23 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch năm đề ra là 34 tỷ đồng.
Đối với Than Hà Lầm, do các khoản chi phí hoạt động đều tăng mạnh so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý III/2015 của Công ty chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 28%. Theo lãnh đạo Than Hà Lầm, nguyên nhân chủ yếu là do chịu ảnh hưởng của trận mưa lũ hồi tháng 7. đầu tháng 8 nên sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Trong quý III/2015, doanh thu thuần của Than Hà Lầm tăng hơn 31%, đạt 690,3 tỷ đồng; giá vốn hàng bán tăng 29,5% nên lãi gộp đạt 107,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 40,5%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 19,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,5% so với 9 tháng 2014. EPS đạt hơn 776 đồng.
Than Cọc Sáu có doanh thu quý III/2015 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ lợi nhuận khác và cắt giảm chi phí, nên lãi ròng đạt 3,5 tỷ đồng, tăng 3%. Lũy kế 9 tháng, Than Cọc Sáu thu về 14 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 35% kế hoạch năm (38 tỷ đồng).
Nhờ chi phí lãi vay và tiền thuê đất trong kỳ giảm, trong khi được miễn giảm phí thương hiệu, Than Đèo Nai lãi ròng 9,5 tỷ đồng trong quý III/2015, tăng 11% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Công ty lãi ròng 14,1 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 11,3 tỷ đồng.
Bước sang quý IV, cùng với những hỗ trợ vừa được Chính phủ chấp thuận, bức tranh lợi nhuận của 8 DN ngành than được kỳ vọng sẽ khả quan hơn.