Doanh nghiệp ngành gỗ tìm hướng tăng tốc

(ĐTCK) Nhiều cơ hội lớn được mở ra, doanh nghiệp ngành gỗ đang chuẩn bị các nguồn lực để tăng tốc và bứt phá, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2019.
Doanh nghiệp ngành gỗ tìm hướng tăng tốc

Rộng đường tăng trưởng

Năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản của Việt Nam cán mốc 9,4 tỷ USD, xuất siêu 7,1 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt giá trị xuất khẩu 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.

Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu mạnh nhất gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán (gỗ ghép). Năm 2018, giá trị xuất khẩu viên nén tăng gần 2 lần, dăm gỗ tăng 1,2 lần, gỗ dán (gỗ ghép) tăng 1,7 lần. Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 tăng 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% trong con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018. Năm thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ năm 2018 đem về 3,5 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản đem lại 1,1 tỷ USD (tăng 13%), tại châu Âu đạt 785 triệu USD, Hàn Quốc gần 938,7 triệu USD; Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD.

Xuất khẩu vào các thị trường chủ lực được dự báo tiếp tục giữ phong độ tăng trưởng trong năm 2019, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực.

Cùng với đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được nhìn nhận sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Ngành này cũng đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt từ 10,8 - 11 tỷ USD, tăng trưởng 16 - 18% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, tăng trưởng trong xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức hai con số trong năm 2019, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm gỗ nguyên liệu có tốc độ tăng trưởng lớn trong năm 2018. 

Chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phan Thiên Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc - doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ cho biết, xuất khẩu gỗ vào Mỹ đang có nhiều thuận lợi.

“Sẽ có một khoảng trống tại thị trường Mỹ khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp hạn chế trong xuất hàng qua Mỹ. Doanh nghiệp gỗ Việt Nam như chúng tôi đang nỗ lực để tiếp cận và lấp khoảng trống ấy”, ông Hải nói.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên ngành gỗ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn Việt Nam là quốc gia trung chuyển, xây dựng nhà xưởng, sản xuất sản phẩm xuất đi Mỹ, dẫn đến nguy cơ sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại...

Một thách thức khác, theo ông Bùi Như Việt, Giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Long Việt, là vấn đề mặt bằng nhà xưởng. Doanh nghiệp gỗ muốn tăng trưởng mạnh cần có mặt bằng nhà xưởng lớn. Hiện nay, để đem về doanh thu 9,4 tỷ USD, nhà xưởng của các doanh nghiệp đã chật kín.   

“Cần có thêm khu công nghiệp chuyên cho ngành gỗ mới xây dựng được chuỗi sản xuất, từ đó ứng dụng công nghiệp 4.0 để có sản lượng lớn, số lượng lớn”, ông Việt kiến nghị.

Về thị trường, ngành gỗ đang có nhiều lợi thế. Còn về nguyên liệu, theo CEO Long Việt, có hai nguồn nguyên liệu gồm nguyên liệu rừng trồng trong nước và nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, nhóm doanh nghiệp ngành gỗ đã thành lập được trung tâm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về với giá cạnh tranh nên nguyên liệu không phải là vấn đề lớn.

Một vấn đề doanh nghiệp gỗ cần quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh là công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, quá trình kinh doanh.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu theo chiều rộng, thông qua việc mở rộng xuất khẩu sản phẩm thô, chứ chưa phải tăng trưởng theo chiều sâu, đi vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Ðể đạt mục tiêu phát triển bền vững, ngành gỗ Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản, chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải có sự thay đổi đồng bộ, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.               

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục