Sản lượng thịt sẽ giảm do dịch bệnh
Ông Phạm Cao Bằng, Giám đốc Điều hành Khối Chăn nuôi, Tập đoàn Mavin
Diễn biến của dịch bệnh đang trở nên phức tạp, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt để chung tay với người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi trước thiệt hại do dịch. Do vậy, việc dự đoán giá thịt ở thời điểm này là rất khó. Tuy nhiên, có thể khẳng định, sản lượng thịt sẽ giảm do dịch bệnh và có giai đoạn giá tăng sau đó. Đối với Mavin, giá cả sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Tập đoàn, bởi chúng tôi hoạt động theo chuỗi khép kín, chăn nuôi chỉ là một mắt xích trong chuỗi đó.
Trước sự lan rộng của ASF hiện nay, là một công ty chăn nuôi chuyên nghiệp, Mavin đã áp dụng đồng bộ, quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh trong hệ thống trang trại chăn nuôi, bao gồm các biện pháp như:
Nâng cao an toàn sinh học: tăng sát trùng người, phương tiện, công cụ, vật tư…, đối với cả ra và vào các trại để đảm bảo an toàn cho nội bộ và cộng đồng.
Hạn chế tối đa người ra vào trại, 100% người vào trại phải bỏ toàn bộ quần áo thường ngày tại vị trí quy định, đi qua sát trùng, tắm sạch và thay quần áo bảo hộ lao động, đi ủng bảo hộ trước khi vào khu vực chăn nuôi.
Kiểm soát chặt chẽ và chủ động thực phẩm, nước uống cho lợn trong trại. Đảm bảo nguồn cám sạch từ nguyên liệu cho đến thành phẩm và chuyên chở.
Tích cực phổ biến kiến thức và biện pháp phòng chống dịch cho cộng đồng.
Không chỉ trong các trang trại chăn nuôi, tại các nhà máy của hệ thống Mavin đều được lắp đặt hệ thống phun sát trùng, đảm bảo 100% xe xuất/nhập hàng ra vào nhà máy đều được xịt/phun thuốc sát trùng toàn bộ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ tặng thuốc sát trùng cho toàn bộ các khách hàng và đại lý thức ăn chăn nuôi của Mavin trên toàn quốc, hỗ trợ phun thuốc sát trùng cho các khu vực lân cận trang trại chăn nuôi của Mavin.
Người chăn nuôi và các công ty sản xuất thức ăn gia súc đều chịu ảnh hưởng
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Masan
ASF bùng phát ở Trung Quốc và gần đây là ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam đã cho thấy dịch bệnh lây lan rất nhanh. Đây là dịch bệnh hiện tại chưa có biện pháp can thiệp điều trị, chủ yếu là phòng ngừa bằng biện pháp an toàn sinh học. Do đó, khi có ổ dịch thì phải tiêu hủy toàn bộ và khoanh vùng dịch. Vì vậy, không chỉ người chăn nuôi, mà còn các công ty sản xuất thức ăn gia súc đều chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng cần phải xem xét nhiều yếu tố như ý thức của người chăn nuôi: có áp dụng biện pháp an toàn sinh học, tuân thủ quy định có dịch là phải khai báo để tiêu hủy, không bán chạy hay không. Mức độ kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước và thú y các địa phương: khoanh vùng dịch bệnh, tiêu hủy nhanh, ngăn ngừa vận chuyển lợn xuyên tỉnh, giám sát kỹ các lò mổ, kiểm soát sản phẩm, chế phẩm từ lợn nhiễm bệnh.
Thật khó để dự đoán quy mô và mức độ ảnh hưởng, không chỉ là ảnh hưởng của dịch bệnh, mà còn về tâm lý. Thực tế, một số bà con sẵn sàng bán hết lợn trong chuồng, dù lớn, dù nhỏ để hạn chế thiệt hại. Ngược lại, với các trang trại lớn, chăn nuôi chuyên nghiệp thì không làm như thế.
Để giảm thiểu ảnh hưởng cho khách hàng, nhiều tháng nay, đội ngũ kỹ thuật của Masan liên tục hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hỗ trợ thuốc sát trùng và tài liệu để ngăn ngừa dịch bệnh.
Masan đang triển khai nhiều giải pháp để phòng tránh dịch tả bùng phát. Với mảng thức ăn: đảm bảo thức ăn cung cấp cho khách hàng an toàn, không nhập nguyên liệu từ những khu vực không an toàn dịch, đảm bảo chất lượng thức ăn tốt nhất; vệ sinh sát trùng tất cả phương tiện ra vào nhà máy; đội ngũ kỹ thuật Công ty hỗ trợ người chăn nuôi hiểu và thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học ngăn ngừa sự lây nhiễm ASF cũng như hợp tác tốt với cơ quan thú y phòng chống dịch.
Với mảng thịt mát, Masan thực hiện nghiêm túc từ khâu thú sống đến vận chuyển, giết mổ, pha lóc, đóng gói và bảo quản cho người tiêu dùng, với công nghệ giết mổ thịt mát đảm bảo an toàn thực phẩm.