Nghị định 71/2017/NĐ-CP và Thông tư 95/BTC đã thay đổi đáng kể quy định về quản trị công ty đối với các công ty đại chúng. Có thể thấy, cùng với Luật Doanh nghiệp (2015), đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết các nội dung về quản trị công ty với phạm vi và tính phổ quát rộng hơn so với các các văn bản trước đó ở dạng thông tư do Bộ Tài chính ban hành. Nghị định 71 là khung pháp lý quan trọng, cơ bản để các công ty đại chúng thực hiện, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tiếp cận các thông lệ tốt về quản trị công ty theo các chuẩn mực quốc tế, doanh nghiệp niêm yết cần thực hiện tốt các quy định trong việc báo cáo và công bố thông tin theo Luật Chứng khoán và Thông tư 155/BTC. Theo đó, doanh nghiệp khi lập báo cáo thường niên cần chú trọng đến việc xây dựng, hoặc tích hợp với báo cáo phát triển bền vững… để giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từ đó giúp TTCK phát triển bền vững hơn.
Doanh nghiệp nên tạo điều kiện tối đa để các cổ đông có thể tham gia đại hội đồng cổ đông thông qua hình thức bỏ phiếu điện tử từ xa
Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phần của Nhà nước lớn, hay các doanh nghiệp thuộc nhóm cổ đông “gia đình trị”.
Mặc dù, các quy định pháp luật về quản trị công ty và công bố thông tin thường hướng đến bảo vệ các lợi ích của cổ đông thiểu số, nhưng thực tế vai trò của cổ đông nhỏ lẻ chưa được chú trọng do các vấn đề lớn của doanh nghiệp được xác lập trên cơ sở biểu quyết của cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối.
Thực tế, tại đại hội đồng cổ đông của một số doanh nghiệp, các kiến nghị của cổ đông nhỏ lẻ khó được các doanh nghiệp chấp nhận, như các vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành, thưởng cổ phiếu, chia cổ tức, huỷ niêm yết …
Chính vì vậy, theo tôi, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty và công bố thông tin, nỗ lực của doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần hướng đến việc nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán tiếp cận với các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế.
Đồng thời, cần đảm bảo tính đại chúng của doanh nghiệp thông qua việc giảm bớt phần nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước thông qua cơ chế thoái vốn Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp cổ phần có nguồn gốc tư nhân, quá trình tăng vốn cần hướng tới đa dạng hoá cổ đông với nhiều thành phần tham gia vào cơ cấu bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp, hạn chế trong một nhóm người liên quan có nguồn gốc gia đình.
Hiện nay, VSD đã cung cấp các dịch vụ liên quan đến biểu quyết điện tử ( E-Votting). Do đó, các doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện tối đa để các cổ đông có thể tham gia đại hội đồng cổ đông thông qua hình thức sử dụng bỏ phiếu điện tử từ xa, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc bỏ phiếu điện tử sẽ giúp tăng khả năng thành công của đại hội, giúp tiết kiệm giấy tờ và chi phí quản lý cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm gia tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.