Những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành xu thế mạnh mẽ trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng ngày càng được chú trọng đặc biệt. Nhiều đơn vị đã nhận thức được đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng, qua đó mang lại thêm giá trị doanh nghiệp, nhất là trong mắt của các đối tác ngoại.
Lựa chọn hướng đi phát triển bền vững tưởng như đã là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tiêu biểu là những “ông lớn” như Tập đoàn TH, Tập đoàn Bảo Việt, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk…, nhưng vấn đề này đôi khi vẫn tạo ra sự tranh cãi trong các doanh nghiệp.
Trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược vươn xa” phát sóng ngày 12/11 vừa qua, vấn đề phát triển bền vững hay chớp thời cơ tăng trưởng lợi nhuận đã được đề cập và thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.
Tình huống mà chương trình đưa ra là CEO của một doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực thực phẩm dinh dưỡng và sản phẩm từ nông nghiệp có quy mô và vị thế trên thị trường đang tính những bước đi để đưa doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Vừa qua, doanh nghiệp đã thành công khi phát triển ra thị trường nước ngoài và sắp tới có ý định tiến hành IPO để kêu gọi thêm nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển và nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác nước ngoài.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, doanh nghiệp đã thuê một CEO chuyên nghiệp có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài vào để điều hành trong giai đoạn mới. Qua quá trình làm việc, CEO nhận thấy doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển quá nóng mang tính chớp thời cơ, mà không chú trọng vào việc phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững không được xác định và quản trị một cách bài bản, có hệ thống và được tích hợp vào chiến lược, kế hoạch và quy trình triển khai.
Nhận thấy rằng, doanh nghiệp phải cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và phi tài chính như chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm, chỉ số về chất thải môi trường, trách nhiệm xã hội, phát triển con người, sử dụng lao động…, CEO cho rằng, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại chiến lược nhằm chú trọng vào các hoạt động đầu tư mang tính dài hạn này, hơn là chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt.
Ý kiến của CEO đã không được HĐQT chấp thuận, bởi lẽ các thành viên HĐQT cho rằng, doanh nghiệp cần tích lũy đủ nguồn lực mới có thể tính đến việc đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, do đó cần nắm bắt kịp thời cơ hội đang có để đạt mức tăng trưởng nhanh.
Sau khi phát sóng, khán giả theo dõi chương trình đã chia làm 2 “phe” với những lý lẽ riêng. Trong khi bạn Bảo Nam cho rằng, phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thành công lâu dài, xây dựng được danh tiếng và văn hóa doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị cho doanh nghiệp, thì bạn Nguyễn Văn Vũ lại “bênh” các cổ đông. Bạn Vũ quả quyết, khi quy mô doanh nghiệp gia đình còn nhỏ và tiềm lực chưa đủ lớn, phát triển bền vững cũng đồng nghĩa với các rủi ro cao.
Ý kiến của bên nào cũng có lý, do đó, CEO của chương trình là ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Onnet phải tìm đến sự tư vấn của 2 chuyên gia để tìm lời giải cho tình huống này. Hai chuyên gia của chương trình là ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Giầy BQ và ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Phụ trách Phát triển thị trường của PwC Vietnam đã đưa ra giải pháp phù hợp cho tình huống này. Những lời khuyên mà 2 vị chuyên gia đưa ra chắc hẳn cũng là những gợi ý hữu ích cho các doanh nghiệp.