Dệt may, điện tử, giày dép...
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St Louis (Mỹ) được nêu trong bài viết trên MarketWatch ngày 26/2/2021, gói kích thích kinh tế đầu tiên vào tháng 5/2020 đã có tác động tích cực đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Cụ thể, chi tiêu của người tiêu dùng giảm hơn 12% trong tháng 4/2020, trước khi có gói kích cầu. Nhưng sau khi mỗi người trung bình nhận được tấm séc hỗ trợ trị giá khoảng 600 USD, chi tiêu của người tiêu dùng tăng vọt 8,7% vào tháng 5/2020. Trong 5 tháng tiếp theo, chi tiêu của người tiêu dùng đều tăng.
Vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Theo đó, hàng điện tử, tiêu dùng, may mặc và giày dép có thể được mua bằng tấm séc trị giá 1.400 USD/người mà hầu hết các hộ gia đình đủ điều kiện sẽ nhận được từ tháng 4/2021.
Tiến sĩ Burkhard Schrage tại Đại học RMIT cho rằng, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD (một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ) sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam trong năm nay. Bởi lẽ, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là hàng dệt may, điện tử, giày dép.
Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, tập trung vào hàng dệt may, điện tử, giày dép.
Theo Tiến sĩ Burkhard Schrage, giá hàng hóa đã tăng trong nửa cuối năm ngoái khi đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ dần đi đến hồi kết. Thị trường thế giới trong những tháng tới có thể sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu tiêu thụ mới tại Mỹ sau gói kích cầu 1.900 tỷ USD.
Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital nhìn nhận, nhu cầu của người dân Mỹ tăng mạnh sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể, GDP của Việt Nam có thể tăng từ mức 2,9% năm 2020 lên 6 - 7% năm 2021 dựa trên 2 yếu tố, thứ nhất là tiêu dùng hộ gia đình (chiếm 66% GDP) sẽ tăng trưởng từ mức 0% lên mức 8 - 9% và tăng trưởng khu vực sản xuất (chiếm 20% GDP) từ 5,8% lên mức 12%.
Đặc biệt, các ngành sản xuất tại Việt Nam đều phục vụ xuất khẩu và nhắm vào phân khúc phù hợp. Khi sản xuất tăng trưởng sẽ tạo ra thu nhập, đảm bảo lương nhân công và kích thích tiêu dùng nội địa, giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của các ngân hàng.
Số liệu của Phòng Thương mại Mỹ công bố cho thấy, chỉ số bán lẻ của Mỹ đã tăng đáng kinh ngạc từ mức âm 1% trong tháng 12 lên dương 5,3% trong tháng 1/2021, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với dự đoán của những chuyên gia lạc quan nhất.
Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD ước tính chiếm khoảng 10 - 15% GDP trong năm tài khoá 2021. Một tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, 1% GDP trong chi tiêu ngân sách năm tài khóa Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Canada thêm 1%.
Chưa có con số tính toán tương tự đối với Việt Nam, nhưng chuyên gia của VinaCapital nhận định, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 25% sản lượng và thương mại Việt - Mỹ bằng 200% GDP Việt Nam (là mức cao), nên ảnh hưởng tích cực của gói 1.900 tỷ USD tới kinh tế Việt Nam sẽ rất đáng kể.
Cơ hội tăng sản lượng
Tiến sĩ Burkhard Schrage cho rằng, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng của Việt Nam nên tìm cách đón đầu khả năng tăng đột ngột về nhu cầu từ phía người tiêu dùng và nhà phân phối Mỹ. Điều này có thể xảy ra trong vài tuần. Vì vậy, việc xem xét tăng năng lực sản xuất để điều chỉnh nhu cầu bổ sung là rất quan trọng.
Khi gói kích thích kinh tế được triển khai, nhu cầu sẽ tăng đối với cả hàng tiêu dùng không bền (như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm) và hàng tiêu dùng lâu bền (như ô tô, đồ nội thất).
Những người tiêu dùng tăng chi tiêu nhờ tấm séc hỗ trợ của Chính phủ Mỹ thường là các hộ gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình, vốn có xu hướng nhạy cảm về giá.
Đó là lý do tại sao thu nhập khả dụng bổ sung ở Mỹ sẽ ưu tiên các sản phẩm có giá thành cạnh tranh. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng tiêu chí này.
Trên thực tế, tiêu thụ đồ điện tử tại Mỹ tăng 14,7% trong tháng 1/2021, gấp 4 lần mức tăng cao nhất từng được ghi nhận trước đó; đồ gia dụng tăng 15%, gấp 3 lần. Chỉ số bán lẻ của Mỹ thực sự ấn tượng khi tăng 2,5% trong tháng 12/2020 lên 7,5% trong tháng 1/2021, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Điều này giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong tháng đầu năm tăng 70% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại 2,1 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái thâm hụt 300 triệu USD).
Burkhard Schrage phân tích thêm, tại Mỹ, các công ty trong ngành sản xuất, bán lẻ, ngân hàng hoặc các ngành tương tự sẽ có cơ hội hưởng lợi hơn từ gói hỗ trợ mới. Vì thế, trong những ngày qua, chỉ số Dow Jones (các công ty truyền thống có trọng số lớn) đạt mức cao nhất mọi thời đại, trong khi chỉ số NASDAQ nghiêng về công nghệ giảm điểm. Rõ ràng, các nhà đầu tư dự đoán phần lớn gói hỗ trợ sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thuộc “nền kinh tế cũ”.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index ngày 18/3/2021 tái lập ngưỡng cao lịch sử khi đóng cửa trên 1.200 điểm.
Lạm phát dự kiến gia tăng khi tiêu dùng được cải thiện có dẫn tới động thái siết chặt hơn chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán? Tiến sĩ Burkhard Schrage cho rằng, Fed cần phải cân bằng giữa một bên là cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra từ năm ngoái, với một bên là triển vọng kinh tế đã chuyển từ không chắc chắn sang bùng nổ trong vài tuần qua. Tỷ lệ lạm phát gần nhất (tháng 2/2021) là 1,7% (tính theo năm). Đây không phải là điều bất thường đối với một nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng vừa phải.
Nhiều khả năng Fed không muốn gây rủi ro cho mức tăng trưởng kinh tế mới tìm thấy trong giai đoạn hậu đại dịch. Do đó, trong trung hạn, Fed sẽ không tăng các mức lãi suất chủ chốt. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi gói kích thích đã được chi hết.