Doanh nghiệp Mỹ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Philippines

0:00 / 0:00
0:00
Các công ty Mỹ đang có kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực khác nhau của Philippines, bao gồm các dự án năng lượng và nâng cao kỹ năng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (bìa phải) trong chuyến thăm chính thức Philippines. Ảnh: AFP Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (bìa phải) trong chuyến thăm chính thức Philippines. Ảnh: AFP

Đầu tư vào AI, xe điện, năng lượng

Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines ngày 11/3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết các công ty Mỹ chuẩn bị công bố các khoản đầu tư sẽ được thực hiện vào các lĩnh vực ưu tiên đã được chính phủ Philippines xác định.

Bộ trưởng Raimondo cho biết: "Chỉ riêng chuyến thăm này, các công ty này đã công bố các khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD của Mỹ, bao gồm tạo cơ hội giáo dục cho hơn 30 triệu người Philippines dưới hình thức nâng cao kỹ năng kỹ thuật số, đào tạo kỹ thuật số nâng cao kỹ năng về AI (trí tuệ nhân tạo)".

Bà Raimondo cho biết thêm rằng Microsoft sẽ hợp tác với Cơ quan Phát triển Kỹ năng và Giáo dục Kỹ thuật Philippines (TESDA) để đào tạo cho hơn 100.000 phụ nữ Philippines về AI và an ninh mạng.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ, sẽ có tuyên bố về việc thành lập một trung tâm đào tạo xe điện để đào tạo người Philippines làm việc trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này.

Mỹ cũng sẽ có các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và hạt nhân để hỗ trợ các mục tiêu về năng lượng và khí hậu của Philippines.

Ngoài ra, một phần của các dự án sắp tới là triển khai đường bay mới nhằm mở ra cơ hội đi lại và du lịch đến Cebu, Philippines.

Tham gia phái đoàn thương mại và đầu tư của Tổng thống Mỹ Joe Biden do Bộ trưởng Raimondo dẫn đầu, còn có các giám đốc điều hành của GreenFire Energy, Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Visa, United Airlines, Boston Consulting Group, KKR, Capital One, FedEx, Mastercard, Microsoft, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN...

Theo tờ The Philippine Star, ông Frederick Go, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Philippines về các vấn đề kinh tế và đầu tư, cho biết chính phủ nước này khuyến khích các công ty Mỹ tham gia phái đoàn lần này tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng, cũng như xem xét kỹ hơn các lĩnh vực ưu tiên như chất bán dẫn, điện tử, công nghiệp sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, và khoáng sản xanh.

Ông Go nói thêm rằng chính phủ Philippines cũng đã đề cập trong các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Raimondo về việc gia hạn chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ, vốn đã hết hạn vào cuối năm 2020.

Philippines là quốc gia được hưởng GSP, cho phép nhập khẩu miễn thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Philippines Alfredo Pascual kêu gọi nhanh chóng thực hiện hỗ trợ của chính phủ Mỹ trong việc phát triển lực lượng lao động như một phần của Đạo luật CHIPS của Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch mở rộng vai trò của nước này trong ngành công nghiệp bán dẫn hơn là lắp ráp và đóng gói sản phẩm bán dẫn.

Manila cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bộ Thương mại Mỹ về các vấn đề thương mại, như hàng may mặc xuất khẩu cũng như việc các công ty điện tử Philippines không thể đấu thầu các hợp đồng của chính phủ Mỹ do yêu cầu trong Đạo luật Hiệp định Thương mại Mỹ.

"Chúng tôi tin tưởng rằng các cuộc thảo luận ngày hôm nay sẽ mang lại những biện pháp khả thi. Sứ mệnh lần này đóng vai trò như một nền tảng để điều chỉnh các nỗ lực của chúng ta và tận dụng những thành công kinh tế của cả hai quốc gia. Hơn nữa, sứ mệnh này vượt xa các sứ mệnh ngoại giao truyền thống để thúc đẩy chúng ta hướng tới mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn và thịnh vượng chung", Bộ trưởng Pascual nói.

Bộ trưởng Raimondo cho biết phái đoàn thương mại và đầu tư do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.

"Vì vậy, cho dù đó là GSP hay hợp tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ký kết MOU (biên bản ghi nhớ) giữa các quốc gia của chúng ta hay giữa các công ty, tất cả đều là những điều chúng ta cần tiếp tục thực hiện trên hành trình mở rộng thương mại và đầu tư giữa các quốc gia của chúng ta và ngày càng xích lại gần nhau hơn", Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, với tổng kim ngạch đạt khoảng 20 tỷ USD. Mỹ còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippine với kim ngạch đạt 12 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 với kim ngạch gần 8,5 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, Mỹ liên tục nằm trong top 5 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Philippines. Riêng từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Mỹ là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư của Philippines, với tổng số vốn đầu tư hơn 110 triệu USD.

Philippines ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng

Tổng thống Philippines Ferdinand Bongbong Marcos Jr. hôm 11/3 đã mời các công ty Mỹ tham gia chương trình "Xây dựng, Tốt hơn, Nhiều hơn" (BBM) của chính quyền nước này.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Raimondo đánh dấu việc thực hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden với chính quyền Tổng thống Marcos trong chuyến thăm chính thức Washington vào tháng 5 năm ngoái.

Phát biểu trước Bộ trưởng Raimondo và các thành viên của phái đoàn thương mại và đầu tư Mỹ tại Malacañang, Tổng thống Marcos cho biết Philippines đặt mục tiêu khởi động 198 dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên có tác động lớn với tổng trị giá 8,8 nghìn tỷ Peso (tương đương 148 tỷ USD) trong chương trình BBM.

Theo Tổng thống Philippines, các dự án hàng đầu, bao gồm kết nối vật lý, tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế, kết nối kỹ thuật số, viễn thông và năng lượng, sẽ đặt nền móng cho mục tiêu của Philippines trở thành trung tâm logistics tiếp theo ở châu Á.

"Chúng tôi háo hức chào đón sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ vào những sáng kiến mang tính thay đổi này", ông Marcos cho biết. Đồng thời khẳng định rằng Philippines mang lại "vô số" lợi thế cho các doanh nghiệp đang tìm cách phát triển và mở rộng, với lý do vị trí của nước này ở ngay trung tâm của Đông Nam Á, nơi mà theo ông, mang lại một vị trí chiến lược cho các nhà đầu tư.

Tổng thống Marcos cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào việc phát triển ngành năng lượng cũng như thăm dò và chế biến kim loại quan trọng của Philippines, cùng các lĩnh vực khác.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục