Cơ hội chung chung thì có, cơ hội cụ thể thì... chưa
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, trên bình diện tổng thể, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cho Việt Nam không ít cơ hội, nhưng đi kèm với đó là nhiều thách thức.
“Chúng ta đang nói nhiều về cơ hội của Việt Nam khi Mỹ đánh thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng tất cả cơ hội cũng như thách thức đều dựa trên những suy đoán bởi chưa có căn cứ nào để xác minh những điều này”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.
Cũng theo bà Trang, không phải chỉ có Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra trên toàn cầu. Trong 2 năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần lượt rút khỏi các thỏa thuận thương mại lớn nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại của Mỹ với nhiều quốc gia, nhất là Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, không loại trừ khả năng Việt Nam nằm trong tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Trump, khi chúng ta đang đứng vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia Mỹ thâm hụt thương mại, với 38 tỷ USD năm 2017.
“Dù bị đánh thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn không bỏ trống thị trường này. Thực tế, các công cụ thuế quan ở góc độ nào đó không ngăn chặn được hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mà chỉ làm cho việc cạnh tranh khó khăn hơn. Trong khi đó, nói về cạnh tranh giá cả, trên thế giới khó có quốc gia nào vượt nổi Trung Quốc”, bà Trang nói và cho biết thêm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc từ năm 2017 tăng nhanh hơn bao giờ hết. Do đó, không loại trừ nguy cơ các doanh nghiệp Đại lục lợi dụng quan hệ thương mại để lấy xuất xứ hàng hóa Việt Nam và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những cơ hội thường được nhắc đến từ cuộc chiến thương mại là việc các dòng vốn đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy một thực tế khác.
Bà Trang dẫn chứng, khi Mỹ bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng thương mại với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đầu tư Nhật Bản vào Trung Quốc đạt 5% năm 2017, nhưng riêng 5 tháng đầu năm 2018, con số này đạt hơn 14%.
Một điểm đến khác của dòng vốn đầu tư Nhật Bản là Hàn Quốc, với tốc độ tăng tưởng đầu tư năm 2017 là 4,5% và 153,7% trong 5 tháng đầu năm 2018. Tương tự, tăng trưởng dòng vốn Nhật Bản vào Thái Lan lần lượt đạt 4% và 18%. Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2017, tăng trưởng đầu tư từ Nhật Bản đạt 19%. 5 tháng năm 2018, mức tăng trưởng chỉ hơn 8%, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cơ hội thu hút đầu tư là có, nhưng dấu hiệu tích cực chung chung thì nhiều, ở góc độ doanh nghiệp thì chưa”, bà Trang nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, những động thái căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt. Nhưng đây chỉ là cơ hội ngắn hạn, nếu doanh nghiệp không có tầm nhìn dài hạn thì sẽ chỉ là “lượm lặt vặt”.
“Trong ngắn hạn, dòng vốn đầu tư có thể chảy về Việt Nam và giúp các doanh nghiệp hưởng lợi. Nhưng vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp có năng lực hưởng thụ và chọn lọc đầu tư hay không. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể thay thế hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hay không?”, ông Thiên nói và cho biết thêm, các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây là thời điểm để thay đổi tư duy và định hướng chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tức là tự củng cố năng lực để nắm bắt và biến cơ hội thành triển vọng dài hạn.
Bên cạnh đó, với những căng thẳng liên quan đến 2 thị trường giao thương lớn của Việt Nam, tác động tỷ giá là điều mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm và cần chính sách điều tiết phù hợp.
Theo ông Thiên, tỷ giá hối đoái là vấn đề cần chú trọng, bởi nếu tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu thì nhập khẩu sẽ bất lợi. Do đó, ông Thiên cho rằng, tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh để cân bằng giữa 2 bên là nhân dân tệ và USD.
Ngành thép, nhựa ra sao trước cuộc chiến Mỹ - Trung?
Theo các diễn giả, trong những nhóm ngành bị tác động lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ngành nhựa, thép… được đánh giá sẽ chứng kiến nhiều diễn biến mới nhất.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS Bluescope Steel, doanh nghiệp thép quy mô 9 tỷ USD, có trụ sở tại Úc cho biết, Mỹ là 1 trong 5 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới với khoảng 80 triệu tấn/năm, hàng năm nhập khẩu 29 tỷ USD mặt hàng thép.
Trong khi đó, xuất khẩu hơn 50% sản lượng thép thế giới. Các quốc gia xuất khẩu thép hàng đầu vào Mỹ là Canada, Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay từ năm 2015, thép Trung Quốc đã gần như không có cửa vào Mỹ bởi chịu chính sách thuế cao ngất ngưỡng.
Theo ông Nhựt, giá thép tại Mỹ đã tăng 50% sau khi Mỹ áp thuế cho sản phẩm thép nhập khẩu từ hầu hết các nước. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp ngành thép, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến nguyên vật liệu đầu vào của ngành chế tạo linh kiện, phụ tùng và ô tô.
Trong bối cảnh mặt hàng thép xuất khẩu vào Mỹ khó khăn, một điểm tích cực đối với ngành thép Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng vẫn được đánh giá sẽ duy trì ở mức 2 con số trong các năm tới.
“Cách mà Bluescope “ứng biến” trước những diễn biến trên là tập trung tạo ra sự khác biệt cho khách hàng, đồng thời tìm kiếm và khai thác thị trường mới như Trung, Nam Mỹ và Trung Đông”, ông Nhựt nói.
Đối với ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Rạng Đông cho hay, ngành nhựa đạt doanh thu hơn 13 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu 2,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 12%/năm. Trong các năm tới, tốc độ tăng trưởng cao vẫn duy trì do thị trường mở, dân số trẻ và mức độ tiêu dùng trên đầu người còn thấp.
Là quốc gia nhập siêu sản phẩm nhựa, ngành nhựa Trung Quốc đang phụ thuộc nhất định vào việc nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, với việc các sản phẩm nhựa, cao su của Trung Quốc chịu áp thuế khi bán sang Mỹ, ngành nhựa Việt Nam đối mặt với nguy cơ sản phẩm Trung Quốc sẽ tìm đường tuồn vào Việt Nam.
Theo đó, ông Lam nhấn mạnh, thách thức lớn nhất là làm sao kiểm soát được việc nhập lậu qua đường biên mậu, hiện tượng vốn đang diễn ra phổ biến. Đáng chú ý, theo ông Lam, Trung Quốc đang có ý tưởng hình thành các khu vực phát triển kinh tế biên mậu để tiến hành dán nhãn sản phẩm, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện tại, các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc phải tự trang bị nội lực để cạnh tranh. Nhấn mạnh quan điểm này, ông Lam cho rằng: “Doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải đi từ nội lực, không chỉ hoạt động tại thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu. Một khi đã làm thì phải làm bài bản, đáp ứng được giá trị chuỗi cung cấp”.
Trong khi đó, dưới góc nhìn chuyên gia, bà Trang lưu ý, doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu bối cảnh thị trường để sớm có biện pháp ứng phó với những thay đổi. Đồng thời, có thể tìm kiếm cơ hội tại thị trường các quốc gia đã, đang và sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.