Số liệu thống kê trong quý I/2023 cho thấy, mọi áp lực của nền kinh tế, cả bên cầu và bên cung đang đổ dồn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, ở nhiều ngành đều tính tới một kế hoạch kinh doanh e dè, thận trọng cho cả năm nay.
Kinh tế thế giới, nhất là các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản được dự báo có mức tăng trưởng năm tới thấp hơn năm nay dù khả năng suy thoái bị loại trừ. Lạm phát toàn cầu giảm, nhưng vẫn ở mức cao và nhiều khả năng sẽ kéo dài mức cao này hết năm 2023. Như vậy, cầu bên ngoài sẽ chưa cải thiện nhiều. Điều này cũng được cho là sẽ làm giảm tác động tích cực từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc - yếu tố được chờ đợi đối với kinh tế Việt Nam, bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của thị trường này thường tương đồng với tốc độ tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực.
Những bấp bênh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thể hiện không chỉ qua số liệu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hay đóng cửa lớn chưa từng có, mà còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2023 giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái…
Cũng có nguyên nhân lãi suất dù đã giảm, nhưng doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn, chi phí vốn còn cao. Nhưng còn nguyên do nữa là nhu cầu vốn của doanh nghiệp đang giảm đi vì niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào thị trường chưa được cải thiện nhiều, nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa hồi phục trở lại…
Song đáng lo ngại hơn cả là, trong khi sức doanh nghiệp yếu đi thì rủi ro trong kinh doanh do sự thiếu đồng bộ của các quy định, thiếu nhất quán trong thực thi và cả tâm lý e dè, ngần ngại của nhiều công chức… lại đang đẩy chi phí hoạt động của doanh nghiệp lên rất cao, không ít trường hợp vượt ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Liên tiếp trong tuần qua, các kiến nghị liên quan đến những quy định quá khó, thậm chí không thể thực hiện được trong phòng cháy, chữa cháy được các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước. Có những vấn đề từng kéo dài vài năm nay, lắng đi trong giai đoạn dịch bệnh, giờ lại nổi lên khi doanh nghiệp bắt tay đầu tư, mở rộng sản xuất.
Con số hàng ngàn tỷ đồng tiền chờ hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp ngành gỗ - câu chuyện kéo dài vài năm qua - cũng chưa có lối ra, khiến nhiều doanh nghiệp vừa đi kiến nghị, vừa lo không trụ được lâu. Hàng loạt dự án của các doanh nghiệp đang triển khai dở dang ở các địa phương cũng đang chờ để được tháo gỡ…
Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù vẫn được triển khai, nhưng vì nhiều lý do, nên hiệu quả chưa cao. Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước lại có văn bản thúc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% vì sau gần 1 năm, dù doanh nghiệp vô cùng khó khăn về dòng tiền, nhưng gói tín dụng này vẫn “ế” tới 99,7%. Tốc độ giải ngân đầu tư công chưa nhanh dù rất nhiều nỗ lực đốc thúc… Nội lực của nền kinh tế, sức mạnh của nền kinh tế dường như đang bị bó buộc.
Nếu tình trạng trên không được nhìn nhận kịp thời và có giải pháp xoay chuyển tức thời, thì dù khó khăn đã xuống đáy, song mức đáy này sẽ kéo dài 1 - 2 quý tới, thậm chí dài hơn.
Mong muốn sớm chạm đáy khó khăn của doanh nghiệp, để đủ sức kịp bứt lên, đang đòi hỏi các cơ quan chức năng có thêm giải pháp kịp thời, đồng bộ.