Doanh nghiệp mong các bộ, ngành vào việc, thực hiện lời hứa

0:00 / 0:00
0:00
Cảm kích trước chỉ đạo quyết liệt và liên tục của Thủ tướng, của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp nói, họ thực sự chờ đợi những cải thiện lớn hơn nữa.
Hàng không và du lịch nằm trong nhóm những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19, rất cần nhận được hỗ trợ sớm. Hàng không và du lịch nằm trong nhóm những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19, rất cần nhận được hỗ trợ sớm.

Chỗ nào để lập chuỗi sản xuất?

Khá thất vọng vì lịch trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải dời sang kỳ họp Quốc hội khóa tới, nhưng ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I không vì thế mà xếp lại các khuyến nghị liên quan đến đất.

“Chúng tôi hy vọng Thủ tướng và Chính phủ sẽ tìm mọi cách giúp việc chuyển đổi đất của các nông trường, lâm trường ở những địa phương có điều kiện phù hợp thành đất công nghiệp thật nhanh chóng. Chúng ta có thể có các khu công nghiệp đón nhiều ngành nghề, nhưng nên chú trọng và khuyến khích các khu công nghiệp chuyên biệt cho từng ngành nghề cụ thể theo thế mạnh của địa phương, của từng khu vực”, ông Mai Hữu Tín gửi ý kiến được tập hợp từ thành viên Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ (YPO) Việt Nam.

Cũng phải nói thêm, YPO Việt Nam được thành lập từ năm 1996, đến nay đã có 57 thành viên là các doanh nhân thành đạt đang điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Khi đề cập đề xuất trên, ông Tín đã nhắc kế hoạch tự lập chuỗi, tự tạo ra hầu hết giá trị trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt, thay vì chạy theo các chuỗi đã hình thành, vốn hầu hết nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong kế hoạch này, doanh nghiệp Việt sẽ đóng vai trò quản lý chuỗi và chủ động được hầu hết các việc cần làm trong những ngành cụ thể, chỉ mời gọi nước ngoài đầu tư ở những mắt xích mà tự thân doanh nghiệp Việt chưa thể làm được, hoặc không có đủ lợi thế cạnh tranh.

Tập đoàn U&I của ông Tín cũng đã thiết lập chuỗi cung ứng cho trái chuối. Unifarm đã thực hiện được 100% khâu đoạn, từ trồng trọt đến tiêu thụ. Trong ngành gỗ, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra khá nhanh…

Nhưng, để đón nhận các cơ hội, khai thác và phát triển sự dịch chuyển này, doanh nghiệp cần có hạ tầng, cụ thể là đất, để “làm tổ” cho các chuỗi ngành hàng. Với các doanh nghiệp đã xung phong nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu các chuỗi, thì đất vẫn là bài toán khó, nhất là các thủ tục liên quan đến đất.

“Doanh nghiệp cần chính quyền các cấp hỗ trợ tối đa với mục tiêu thật rõ ràng là tạo chuỗi. Nhưng hiện vẫn có rất nhiều việc liên quan đến doanh nghiệp mà khi xử lý, các địa phương và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian xin ý kiến các bộ, ngành trung ương và nhiều khi là phải xin ý kiến cả Thủ tướng. Liệu chúng ta có thể chống sự phức tạp và trì trệ của hệ thống thủ tục hành chính, rộng hơn nữa là cả môi trường kinh doanh, mạnh mẽ và hiệu quả như chống dịch không?”, ông Tín đặt câu hỏi.

Cùng với đó, chi phí sử dụng vốn ở mức cao so với doanh nghiệp đối thủ ở các nước khác cũng đang là rào cản lớn cho kế hoạch lập chuỗi của các doanh nghiệp Việt. Vì lĩnh vực sản xuất cần đầu tư lớn vào công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, đòi hỏi huy động vốn lớn.

Thực tế, các doanh nghiệp đều hiểu ngân hàng Việt Nam không thể cho vay với lãi suất thấp như ở các nước, vì chi phí huy động vốn của họ cao. Nhưng câu hỏi tại sao cao, trong khi ở các nước lại thấp đang thực sự cần phải trả lời vào lúc này.

Du lịch, hàng không cần tái cơ cấu

Cho tới thời điểm này, hàng không và du lịch nằm trong nhóm những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19.

Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 4-5 triệu lượt, giảm đến 78% so với năm 2019 và khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 65 triệu lượt khách, giảm khoảng 28%.

Như vậy, tổng thu trực tiếp của ngành có thể chỉ đạt 320.000 tỷ đồng, giảm 56% so với năm 2019. Điều đáng nói, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, cũng là thành viên YPO, ngành du lịch Việt Nam sẽ mất khoảng 2 triệu việc làm từ nay đến cuối năm.

Các giải pháp từng được đưa ra để kích cầu du lịch nội địa như giảm toàn bộ các loại phí tham quan đến hết năm 2020, mức giảm ít nhất 50%, khuyến khích và tăng cường các sự kiện văn hóa, thể thao đặc biệt tại các thành phố lớn… không còn nhiều tác dụng trước làn sóng Covid-19 mới.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho phép toàn bộ khách sạn trong nước được kéo dài áp dụng mức giá điện sản xuất đến hết năm 2021, để hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm dòng tiền chi ra, dành nguồn tiền hiện còn vào một số hoạt động ưu tiên để duy trì vận hành hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đề nghị các cơ quan nhà nước không hạn chế việc cấp phép cho các hãng hàng không mới, vì đây là bài toán của doanh nghiệp với thị trường.

Trong lúc này, đề xuất tái cấu trúc và phục hồi du lịch quốc tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành du lịch được các doanh nghiệp trong ngành coi là căn cơ, cần được đặc biệt để tâm. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và YPO đã tổng hợp các ý kiến này với 3 ý chính.

Một là, đầu tư nhanh vào hạ tầng và kết nối hạ tầng trên cơ sở huy động mạnh mẽ nguồn lực tư nhân: Sân bay Chu Lai, Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam…

Hai là, thúc đẩy các kết nối vùng để tạo ra các sản phẩm bền vững, có tính bổ trợ cho nhau. Thành lập các cơ quan quản lý điểm đến để đảm bảo định hướng, quản lý phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch cho vùng thay vì làm rời rạc như hiện nay với các hoạt động tương đối độc lập và kém hiệu quả của các tỉnh, thành phố.

Ba là, tiếp thị Việt Nam ra thế giới trên cơ sở hợp tác và kết hợp chặt chẽ nguồn lực công - tư, phát huy hiệu quả cả nguồn lực tư nhân và Quỹ hỗ trợ du lịch do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Theo ông Kiên, cho đến nay, việc tiếp thị du lịch Việt Nam ra thế giới phần lớn được làm bởi các doanh nghiệp, sau đó là các tỉnh, thành phố lớn và sau cùng mới là bởi Cơ quan xúc tiến du lịch Quốc gia.

“Chúng ta phải tăng thêm chi phí, nguồn lực của Chính phủ trên nền tảng đẩy mạnh hợp tác công - tư để gia tăng hiệu quả cho quá trình này”, ông Kiên nói trên cơ sở tập hợp các ý kiến của thành viên YPO Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chờ đợi có được cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ với các doanh nghiệp hàng không, du lịch.

“Ngành du lịch và dịch vụ du lịch được đánh giá là ngành kinh tế tổng hợp, các vấn đề và kiến nghị thường liên quan tới nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau, nên chúng tôi đề xuất được kiện toàn mô hình tổ chức này theo hướng có cơ chế báo cáo trực tiếp và thường xuyên với Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng - Trưởng ban chỉ đạo du lịch Quốc gia”, ông Kiên đề xuất.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, xem xét xử lý kiến nghị của Ban IV, báo cáo kết quả trong tháng 8/2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban IV tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đề xuất sáng kiến, giải pháp cụ thể, bảo đảm căn cứ khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; định kỳ trước ngày 25 hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục