Doanh nghiệp bối rối vì bị... đánh đố

Yêu cầu công chức nhà nước coi khó khăn, vướng mắc và cả sự thiếu thông tin của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính là trách nhiệm của mình có vẻ vẫn còn quá cao so với thực tiễn, khiến những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ chưa thể “nóng đều”.
Điều doanh nghiệp mong muốn là thay đổi tư duy về điều kiện kinh doanh. Điều doanh nghiệp mong muốn là thay đổi tư duy về điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp được hướng dẫn đi tìm ban quản lý 17 năm trước

“Chúng tôi đang phải đi thuê gia công đơn hàng từ công ty khác. Điều này khiến doanh nghiệp tốn kém, chi phí hoạt động đội lên, làm chậm trễ trong việc ký hợp đồng và giao hàng”, ông Wang Po Yuan, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tường đã cho biết như vậy trong đơn giải trình và kiến nghị gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Xây dựng Hải Dương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương vào giữa tháng 3/2020.

Chuyện của Việt Tường khá dài, đã kéo dài hơn một năm, nhưng tựu trung, họ đang không biết làm thế nào để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công và kinh doanh bán thành phẩm các loại sản phẩm từ nhựa và cao su tại Khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương).

Thậm chí, đến giờ, cả thủ tục xây dựng công trình phụ trợ như nhà ăn ca, bể nước, nhà vệ sinh... cũng không thực hiện được, nên Công ty không thể tuyển nhân viên, tổ chức sản xuất tại phần nhà xưởng thuộc quyền sử dụng của mình.

Nguyên nhân là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương không công nhận các công trình xây dựng đang có trong nhà máy, vốn được mua lại từ một doanh nghiệp khác, nên không cho phép Việt Tường tiến hành sửa chữa.

Việc xây dựng nhà máy cũng bị tắc vì hồ sơ xây dựng nhà máy cũ từ năm 2003-2004 không được doanh nghiệp sở hữu trước giao lại do bị thất lạc, cũng không được lưu tại Ban Quản lý.

Đại diện Công ty Việt Tường cho biết, họ đã gặp trực tiếp Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đề nghị hướng dẫn cách tháo gỡ, nhưng chưa có giải pháp nào, nên đành phải gửi văn bản trên để mong sớm có giải pháp và sớm đi vào sản xuất.

“Công ty mong từng ngày, nhưng các cơ quan quản lý cứ từ từ, bảo chúng tôi đi nhờ lãnh đạo Ban Quản lý thời những năm 2003-2004 xác nhận hồ sơ quy hoạch”, đại diện Công ty Việt Tường chia sẻ và cho biết, bất đắc dĩ lắm mới phải nói với báo chí, vì mấy thị trường xuất khẩu của Công ty là Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan đang trở lại...

Gỡ điều kiện kinh doanh vẫn chỉ là một vài điểm nhỏ

Ngày 22/3 là thời điểm hiệu lực của Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.

Bộ Công thương lại ghi điểm đầu tiên trong việc thực hiện Nghị quyết 02/2020/NĐ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

“Dù là một bước, nhưng thực sự không có gì đột phá”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định khi nhìn vào danh mục 205 điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ.

Nhiều điều kiện được bãi bỏ vốn đang có quy định ở văn bản quy phạm pháp luật khác, nghĩa là không làm doanh nghiệp đỡ đi được nhiều thủ tục, cũng như không giảm nhiều chi phí tuân thủ.

Ví dụ, về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, trong 4 điều kiện được bỏ đi, có tới 3 điều kiện dẫn chiếu quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường - điều mà doanh nghiệp đương nhiên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Điều kiện còn lại là trình độ của người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô, vốn vẫn được các doanh nghiệp cho rằng nằm trong quyền kinh doanh của họ. 

Tất nhiên, một số điều kiện mang tính can thiệp hoạt động doanh nghiệp được bãi bỏ cũng là quá tốt, như quy định số lượng chuyên gia, nhưng bản chất về điều kiện kinh doanh của ngành công thương chưa thay đổi thực sự.

“Điều doanh nghiệp mong muốn là thay đổi tư duy về điều kiện kinh doanh. Bởi ban hành điều kiện kinh doanh có nghĩa là giới hạn quyền tự do kinh doanh, đáng ra là giải pháp cuối cùng được tính đến, chứ không phải là cách quản lý đầu tiên như hiện tại”, ông Tuấn nói.

Đòi hỏi cải cách thực chất sao vẫn khó!

Thực trạng trên không làm ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngạc nhiên, kể cả cách hướng dẫn doanh nghiệp “đi tìm ban quản lý cũ để xin xác nhận”. “Tôi vẫn thấy sự vô cảm của một số công chức. Không hiểu sao trong lúc doanh nghiệp khó khăn như vậy mà họ không thay đổi cách nghĩ, cách làm”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Trong trường hợp của Công ty Vĩnh Tường, ông Cung cho rằng, nếu các công chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương thấy việc hỗ trợ để doanh nghiệp có thể hoạt động là nhiệm vụ của mình, thì sẽ không có cách tư vấn đánh đố doanh nghiệp như vậy.

“Có thể doanh nghiệp còn thiếu sót, hoặc chưa hiểu hết thủ tục, nhưng nếu các công chức thực sự muốn hỗ trợ, thì tôi tin họ sẽ tìm được các quy định để gỡ khó nhanh nhất. Đó là chưa kể trong lúc nhiều doanh nghiệp phải tính phương án thu hẹp, đóng cửa, thì có doanh nghiệp muốn mở rộng phải là tin vui với Ban Quản lý”, ông Cung nói.

Nhưng, có vẻ như đây chỉ là mong muốn của ông Cung, ông Tuấn, của các doanh nghiệp...

Yêu cầu rà soát 25 vấn đề pháp luật chồng chéo

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp về việc rà soát sự chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh. Công văn này thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về việc xem xét và có ý kiến đối với 25 vấn đề chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh được nêu trong báo cáo của VCCI.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục