Doanh nghiệp môi giới địa ốc lo… “nhàn cư”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp môi giới địa ốc trên sàn chứng khoán báo lỗ hoặc chỉ lãi mỏng trong 2 quý đầu năm. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đây là giai đoạn "ít việc" nhất của nhóm này kể từ năm 2017.
Môi giới bất động sản thất nghiệp vì không có hàng để bán. Môi giới bất động sản thất nghiệp vì không có hàng để bán.

Doanh nghiệp thất bát, nhân viên giảm mạnh

Kết quả kinh doanh quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 của loạt doanh nghiệp môi giới bất động sản niêm yết thể hiện rõ tình trạng khó khăn của nhóm này.

Quý II/2023, Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (mã DXS) ghi nhận doanh thu hợp nhất 662 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu mảng dịch vụ bất động sản sụt giảm mạnh nhất, lên tới 73%. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 17,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 256 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp DXS lỗ ròng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty báo lỗ hơn 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 474,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC) cho thấy, trong kỳ, Công ty đạt doanh thu thuần hơn 1,9 tỷ đồng, giảm tới 55 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng chính là doanh thu của nửa đầu năm nay, giảm gần 83% so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn toàn đến từ dịch vụ môi giới và dịch vụ khác. Còn mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản và hoạt động hợp tác đầu tư dự án không ghi nhận doanh thu.

Sau khi trừ đi chi phí và thuế, Danh Khôi báo lỗ ròng 3,86 tỷ đồng trong quý II/2023 và lỗ hơn 20,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.

Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã CRE), doanh nghiệp từng có hơn 4.000 nhân viên môi giới trong năm 2022 cũng không tránh khỏi tình cảnh kinh doanh ảm đạm. Trong quý II, Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 401 tỷ đồng, lãi ròng hơn 9,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và 88% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, CenLand đạt 454 tỷ đồng doanh thu, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2022; lãi ròng 761 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 226 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, hàng tồn kho của Công ty tăng từ 414 tỷ đồng lên 559 tỷ đồng, nằm ở bất động sản không bán được và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã KHG) ghi nhận doanh thu quý II/2023 vỏn vẹn hơn 3,3 tỷ đồng, giảm 80 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng giảm 48%, xuống còn 45 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty đạt 263 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng, giảm lần lượt 43% và 35% so với cùng kỳ.

Lý giải về kết quả kinh doanh đi xuống mạnh, bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Tổng giám đốc DXS cho biết, sở dĩ doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ là do “tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản, dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ sụt giảm mạnh”. Còn lãnh đạo Danh Khôi cho biết, do khó khăn chung của thị trường bất động sản nên Công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án mà Công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới...

Báo cáo Thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, quý II/2023, tổng nguồn cung bất động sản giảm 90%; số lượng giao dịch giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022. Còn số lượng giao dịch 6 tháng đầu năm giảm khoảng 96%.

Tại ngày 30/6/2023, số lượng nhân viên của DXS là 2.133 người, giảm 1.207 người so với cuối năm 2022.

Dữ liệu của VARS cho thấy, ước lượng số người hoạt động môi giới bất động sản chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Báo cáo tài chính của Đất Xanh Services cũng ghi nhận, tại ngày 30/6/2023, số lượng nhân viên Công ty là 2.133 người, giảm 1.207 người so với cuối năm 2022.

Tại CenLand, theo báo cáo thường niên 2022 của Công ty, cuối năm ngoái, số lượng nhân viên kinh doanh, môi giới là 4.042 người. Nhưng đến cuối tháng 4/2023, Tổng giám đốc CenLand thông tin tại đại hội cổ đông rằng con số này đã giảm khoảng 40 - 50%.

Điều này cũng phù hợp với thông tin trong “Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II/2023” vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát hành. Theo đó, môi giới bất động sản dẫn đầu trong danh sách 5 nhóm nghề có người lao động đi tìm việc làm nhiều nhất, theo sau là nhóm dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.

Cánh cửa nào cho môi giới địa ốc?

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, vấn đề cấp bách nhất của thị trường bất động sản hiện nay là cần tăng tổng cầu và tạo nguồn cung chủ lực cho thị trường bất động sản. Chính phủ cần xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, hạ tầng, rút ngắn thủ tục hành chính… Ngoài ra, cần xây dựng quỹ tín dụng phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền nhằm giải quyết vấn đề tài chính cho các dự án và hỗ trợ người dân chi trả.

Ông Khôi đề xuất mức lãi suất cho vay nhà ở thương mại dưới 7%/năm; nhà ở xã hội: với doanh nghiệp, kiến nghị dưới 6%/năm; với người mua nhà dưới 4,5%/năm; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, kiến nghị dưới 9%/năm; bất động sản nhà ở cao cấp, kiến nghị từ 9 - 10%/năm…

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/8 vừa qua, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực VNREA nhấn mạnh, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là cầu rất lớn nhưng cung khan hiếm. Muốn khơi thông nguồn cung thì phải tập trung tháo gỡ 3 khó khăn hiện nay là pháp lý, nguồn vốn và thủ tục hành chính.

Trong khi đó, VARS đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án “mua lại” các dự án tồn tại nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp không thể xử lý được, sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc và thực hiện đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án…

Về phía doanh nghiệp môi giới, VARS cho rằng, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Thực tế, gần đây, nhiều doanh nghiệp môi giới địa ốc nói riêng và ngành bất động sản nói chung đã bắt đầu có những động thái tự cứu mình như tái cấu trúc, dịch chuyển từ mô hình trả lương cứng cho nhân viên môi giới sang trả lương theo sản phẩm giao dịch thành công, đa dạng hoá sản phẩm phân phối, mở rộng kinh doanh dịch vụ mới, xây dựng sàn giao dịch nội bộ…

Chẳng hạn, từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) liên tục bán công ty con để cải thiện dòng tiền, tạm gác lại kế hoạch đầu tư vào năng lượng. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) vừa chuyển nhượng Nova F&B (công ty con hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) cho đối tác Singapore sau hàng loạt động thái tái cấu trúc khác như M&A, đổi nợ lấy tài sản…

Mới đây nhất, ngày 22/8/2023, CenLand bắt tay với Phố Xanh Group, đơn vị hàng đầu về giao dịch nhà phố tại Hà Nội, với tham vọng chi phối doanh nghiệp này và chiếm lĩnh thị phần bất động sản thổ cư. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CenLand cho biết, thương vụ này giúp doanh nghiệp mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bất động sản, lấn sân sang mảng phân phối và phát triển bất động sản thổ cư, thay vì chỉ bán các dự án quá lớn với quy mô cồng kềnh như trước.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục