Là nhân viên công ty sản xuất thực phẩm, anh Hùng (27 tuổi), quê Phú Yên, có kỳ nghỉ dài từ 27 Tết đến qua Rằm tháng Giêng vì lý do "nhà ở xa, đi du lịch đầu năm và vào Sài Gòn sớm cũng chưa nhiều việc để làm".
Anh Hùng giải thích, lịch làm việc của công ty kéo dài đến hết ngày 28 Tết nên anh xin nghỉ sớm hai ngày. Công ty khai trương mùng 10 Tết, song những ngày đầu năm chỉ cúng kiếng, chúc xuân, lễ chùa, gặp gỡ xã giao với khách hàng.
Trong khi đó, rằm tháng Giêng rơi vào ngày thứ Bảy cuối tuần nên anh xin nghỉ đến hết Rằm mới trở lại làm việc. Tổng cộng anh Hùng nghỉ Tết 20 ngày, đã bao gồm 4 thứ Bảy và Chủ nhật.
Nam nhân viên ngành thực phẩm thừa nhận, cấp trên đã phàn nàn và cảnh cáo anh nghỉ Tết quá nhiều. Vì vậy, để thuyết phục sếp chấp thuận lịch nghỉ Tết dài của mình, anh đã cam kết trong 6 tháng tới sẽ không xin nghỉ ngày nào.
"Trên thực tế tôi chỉ nghỉ phép có 7 ngày. Với kỳ nghỉ dài, tôi có nhiều thời gian ở quê đi thăm viếng họ hàng và đưa gia đình du lịch, khi trở lại sẽ có nhiều động lực làm việc hơn", anh Hùng giải thích.
Cũng ăn Tết dài lê thê, chị Ngọc, quê Thanh Hóa, là nhân viên một công ty bất động sản có kỳ nghỉ bắt đầu từ 24 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tổng cộng 21 ngày. Nữ nhân viên này cho hay, do đặc thù ngành bất động sản thường khởi động chậm hơn những ngành sản xuất nên chị cố xin gộp thêm ngày phép.
"Qua Rằm tháng Giêng thị trường địa ốc mới bắt đầu rục rịch khởi động nên trở lại làm việc muộn là đặc thù của ngành này. Tuy nhiên, để được cấp trên chấp thuận cho nghỉ Tết dài, tôi đã cam kết không xin nghỉ phép đến quý III/2017", chị Ngọc chia sẻ.
Đối với ngành dịch vụ, người lao động trở lại làm việc muộn sau kỳ nghỉ Tết là bài toán đau đầu cho đơn vị kinh doanh. Quản lý một cửa hàng bán trà cao cấp tại trung tâm thương mại tại trung tâm quận 1, TP HCM tiết lộ, từ lúc khai trương, mùng 4 đến mùng 10 Tết, chỉ có những người quê Sài Gòn bắt đầu vào ca làm việc đầu năm mới.
Riêng những nhân viên quê miền Bắc, Trung và cả miền Tây do khoảng cách địa lý khá xa thành phố nên 70% xin nghỉ phép đến cận rằm tháng Giêng mới trở lại làm việc.
Trong khi đó, chủ một nhà hàng ẩm thực lớn tại quận 5, TP HCM chia sẻ, dù lịch khai trương mùng 6 Tết nhưng mãi đến mùng 10, nhân viên mới tề tựu được 60%, 30% chỉ rục rịch trở lại làm việc từ cận rằm tháng Giêng và 10% còn lại viện nhiều lý do ăn Tết gần 3 tuần.
Chủ nhà hàng này cho hay, bà đã dùng chiêu lì xì nhân viên đi làm sớm tiền triệu nhưng vẫn không thể lôi kéo người lao động trở lại làm việc đúng lịch. "Năm nào sau Tết hoạt động của nhà hàng cũng bị ảnh hưởng vì không đủ nhân sự phục vụ khách, thậm chí tôi phải cảnh cáo bằng cách trừ lương, cho nghỉ việc để làm gương", bà nói.
Phó giám đốc một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại quận 1, phường Tân Định, TP HCM cho biết, tình trạng người lao động trở lại làm việc muộn sau Tết diễn ra ngày càng phổ biến và rất khó chấn chỉnh.
Những lý do kéo dài thêm kỳ nghỉ thường được nêu ra gồm: quê ở tỉnh xa, đưa gia đình đi du lịch, thăm viếng họ hàng, lễ chùa, ốm đau...
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, tính riêng công ty ông, chỉ có khoảng 20% người lao động nghiêm túc đi làm từ mùng 6-10 Tết theo lịch doanh nghiệp quy định. Hơn 50% lượng nhân viên điểm danh đúng ngày khai trương nhưng có năng suất giảm vì tâm lý vừa làm vừa chơi và 30% nhân sự viện đủ lý do để nghỉ Tết dài.
Vị phó giám đốc này thừa nhận, công ty ông và nhiều doanh nghiệp khác đều ngán Tết. Bởi lẽ, hoạt động đình trệ nhưng doanh nghiệp phải gồng gánh chi phí lương trong 2-3 tuần đầu tháng Giêng âm lịch do nhân viên ăn Tết dài hoặc năng suất lao động thấp vì tâm lý vừa làm vừa chơi.
"Trung bình cộng đồng doanh nghiệp mất gần một tháng tiền lương cho kỳ nghỉ Tết gần như không hoạt động gì. Đây là điều tế nhị, khó nói và cũng không thể cải thiện do đã thành tập quán nên đành sống chung với lũ", ông cho hay.