Chủ động tìm đầu ra
Quý III đã đi qua gần nửa chặng đường, song thị trường chưa cho tín hiệu phục hồi như kỳ vọng của các doanh nghiệp trước đó. Sức cầu tiêu dùng vẫn thấp, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã SHE) cho biết, sức cầu của người dân suy giảm đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty. SHE với sản phẩm chủ lực xe máy điện, thiết kế đẹp, giá phù hợp nhưng chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Để thúc đẩy công tác bán hàng, mới đây, SHE đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng triển khai thí điểm chương trình thu mua xe hai bánh chạy xăng và bán ưu đãi xe hai bánh chạy điện EVGO cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố. Đây là chương trình có ý nghĩa, vừa thực hiện theo chủ trương của Chính phủ hướng tới giao thông xanh, giảm phát thải khí các-bon ra môi trường, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa.
Ông Tân cho biết, chương trình nhận được phản hồi tích cực. Qua đó, sản phẩm xe điện EVGO được lan tỏa rộng rãi, có độ phủ tốt hơn ở Hải Phòng.
Sau Hải Phòng, TP.HCM cũng chuẩn bị có chương trình đồng hành hỗ trợ cán bộ công viên chức chuyển đổi từ xe máy chạy bằng xăng sang xe máy điện. SHE cũng đăng ký tham gia chương trình này để kích cầu.
“Chúng tôi sẵn sàng bán sản phẩm không vì lợi nhuận để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường”, ông Tân cho biết.
Tìm cách tăng cầu tiêu dùng, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) đã chủ động tìm đến các triển lãm để tiếp thị sản phẩm. Ngày 9/8 vừa qua, Intech Group đã có gian hàng tại triển lãm VME-SIE (Hà Nội), giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình, gồm sản phẩm cơ khí chính xác, con lăn băng tải, một số dòng máy đóng gói.
Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intech Group cho biết: “Thông qua các triển lãm, chúng tôi đem đến khách hàng các sản phẩm mới, tạo bước đà cho việc tăng tốc trong tương lai”.
Nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh
Giống như Intech Group, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thúc đẩy công tác bán hàng, mở rộng thị trường.
Các nhà bán lẻ như Thế giới di động (mã MWG), Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã FRT), Thế giới số (mã DWG) tiếp tục tung chiêu giá rẻ. Tháng 8 là mùa tựu trường, các sản phẩm laptop, Ipad dành cho học sinh liên tục có chương trình giá rẻ bất ngờ để tăng cầu tiêu dùng.
Chiến dịch bán giá rẻ đã giúp MWG, FRT, DGW gia tăng thị phần, nhưng biên lợi nhuận lại mỏng đi.
Đơn cử, MWG đang có chương trình giảm giá bán laptop đến 30% dành cho học sinh, sinh viên; trả góp với lãi suất 0%. Các sản phẩm đồng hồ học sinh giảm giá tới 50%...
Chiến dịch giá rẻ chủ động tăng sức cầu đã giúp MWG, FRT, DGW gia tăng thị phần, nhưng biên lợi nhuận lại mỏng đi. Cuộc chiến giá rẻ giữa các “ông lớn” bán lẻ dự kiến sẽ sớm kết thúc khi tình hình tiêu thụ được cải thiện và sản phẩm mới ra mắt, đặc biệt là Iphone.
BVSC dự báo, khó khăn sẽ theo ngành bán lẻ đến hết năm 2023 và từ năm 2024, MWG có lãi tăng trưởng 132% so với cùng kỳ năm ngoái; FRT cũng ghi nhận lợi nhuận tích cực từ mảng nhà thuốc Long Châu và mảng điện thoại, điện máy bắt đầu có lãi từ năm 2024.
Trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần May 10 cho biết, để có kết quả kinh doanh khả quan, Công ty tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa. Với tình hình này, Công ty cố gắng để hoàn thành 90% kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua.
Quý IV/2023 được các doanh nghiệp ngành dệt may kỳ vọng sẽ bứt tốc khi sức cầu tiêu dùng toàn cầu được cải thiện trong mùa mua sắm cuối năm. Hiện các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cho quý IV, ngoài các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp còn mở rộng sang thị trường Canada, Úc…
Tại Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM), đơn hàng sụt giảm nên Công ty chỉ tập trung vận hành Nhà máy may Vĩnh Long.
Một số kế hoạch đầu tư của TCM thay đổi vì tình hình không khả quan. TCM cho biết, do chi phí xây dựng quá cao và công suất mà tỉnh Vĩnh Long cấp phép không đạt như kỳ vọng, Công ty sẽ tạm dừng mở rộng dự án nhà máy nhà máy đan và nhuộm tại Vĩnh Long và chuyển nhượng khu đất dự án có diện tích khoảng 68.000 m2. TCM đã đầu tư mảnh đất này với giá vốn 26 USD/m2 và giá thị trường hiện tại đạt khoảng 80 - 85 USD/m2.
Ban lãnh đạo TCM dự kiến dùng khoản tiền từ chuyển nhượng dự án để mua lại nhà máy hiện hữu khác gần TP.HCM. Công ty Chứng khoán Phú Hưng ước tính, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng mảnh đất này vào khoảng hơn 3,5 triệu USD.
Tăng tốc để cải thiện kết quả kinh doanh, Giám đốc SHE Hoàng Mạnh Tân cho biết, Công ty dồn lực vào quý IV/2023.
Tuy vậy, thị trường phục hồi chậm hơn dự kiến, nhiều doanh nghiệp lo ngại khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.