Doanh nghiệp khốn đốn vì sự bất nhất của chính quyền - Bài 2: Hai lần hoán đổi đất và 25 năm khốn khó

Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt thời đương chức đã tước đi quyền thuê đất, cơ hội đầu tư của Công ty Thuận Hưng, khi mảnh đất mà doanh nghiệp đã đền bù giải tỏa được Thành phố hoán đổi, nhưng lại đem đất hoán đổi đó giao doanh nghiệp khác. Chưa kể, UBND TP.HCM hứa giao một phần đất còn thiếu cho doanh nghiệp trong 1 tháng, nhưng tới nay đã 25 năm vẫn chưa xong sổ đỏ.
Chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn mô hình thiết kế, chỉ còn chờ sổ đỏ để làm thủ tục thi công. Ảnh: Ngô Nguyên Chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn mô hình thiết kế, chỉ còn chờ sổ đỏ để làm thủ tục thi công. Ảnh: Ngô Nguyên

Bài 2: Hai lần hoán đổi đất và 25 năm khốn khó

Không chỉ khu đất 8,3 ha bị cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín lấy giao cho Công ty Bình Điền, Công ty Thuận Hưng còn khốn đốn khi tin tưởng lời hứa chỉ 1 tháng xong của UBND TP.HCM, chấp nhận hoán đổi gần 2,3 ha đất khu dân cư. Kết cục, đất hoán đổi 25 năm tới giờ vẫn chưa thấy sổ đỏ.

19 năm mới nhận được đất trên thực địa

Như số báo trước chúng tôi đã phản ánh, từ năm 1994, Công ty Thuận Hưng đã tự bỏ tiền giải phóng mặt bằng, bồi thường cho 28 hộ dân để có được 10,6 ha đất (ở phường 7, quận 8), nhằm thực hiện Dự án Tổng kho tồn trữ lương thực.

Vì Dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng sau này chồng lấn khu đất trên, nên UBND TP.HCM lúc đó đề nghị hoán đổi đất khác với lời hứa thủ tục hoàn tất trong 1 tháng. Song, tận 10 năm sau (năm 2005 - PV), Công ty Thuận Hưng mới được cầm sổ đỏ, nhưng chỉ có 8,3 trong tổng số 10,6 ha và đã bị ông Nguyễn Hữu Tín ký thu hồi cho Công ty Bình Điền thuê.

Với phần đất còn thiếu, UBND TP.HCM đề nghị hoán đổi diện tích gần 2,3 ha đất ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho Công ty Thuận Hưng với ưu ái được xây dựng khu dân cư.

Nhưng đây lại là một hành trình “kinh hoàng” về quy trình, thủ tục hành chính hàng chục năm trời, để tới tận bây giờ, doanh nghiệp vẫn chưa được giao sổ đỏ để triển khai dự án.

Ngày 19/5/2004, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 2185 thu hồi và giao Công ty Thuận Hưng thực hiện dự án nhà ở trên diện tích gần 2,3 ha đất hoán đổi (dự án mang tên Khu dân cư Thuận Hưng tại Khu chức năng số 17 thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố tại xã An Phú huyện Bình Chánh).

Theo báo cáo và các văn bản liên quan của các sở, ngành TP.HCM như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu Nam, thì khu đất gần 2,3 ha mà UBND TP.HCM hoán đổi cho Công ty Thuận Hưng để làm dự án nhà ở lại không phải đất sạch, mà phải bồi thường giải tỏa.

Tháng 1/2005, Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn đã ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt huyện Bình Chánh để tiến hành kiểm kê đền bù.

Vậy là, đất sạch của Thuận Hưng thì Thành phố lấy cấp cho Satra “xài” từ lâu. Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Quản lý khu Nam, khu đất hoán đổi việc bồi thường giải phóng mặt bằng chậm trễ, kéo dài tới 8 năm, từ năm 2005 tới tận 2013 mới bàn giao, nhưng chỉ trên thực địa, chưa có giấy tờ chủ quyền.

“Phải thực hiện thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng nên chậm trễ trong việc Công ty Thuận Hưng triển khai dự án. Đây không phải là lỗi của Công ty Thuận Hưng”, Ban Quản lý khu Nam khẳng định.

Như vậy, lấy mốc năm 2013, nếu tính từ lần hoán đổi 2 (năm 2004) thì Công ty Thuận Hưng mòn mỏi chờ tới 9 năm mới nhận được phần đất thiếu, nhưng mới trên thực địa. Còn tính từ lần hoán đổi 1 (năm 1994) thì chính quyền đã để cho doanh nghiệp “dài cổ” chờ tới 19 năm, dù UBND TP.HCM đặt thời hạn chỉ 1 tháng là phải xong.

Liêu xiêu vì quy định nhà ở xã hội kiểu “hồi tố”

Sau khi nhận đất trên thực địa (năm 2013), Công ty Thuận Hưng tiến hành lập các thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, công nhận chủ đầu tư…

2 năm sau, tháng 12/2015, UBND TP.HCM đã có Quyết định 6435/QĐ-UBND chấp thuận Công ty Thuận Hưng là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Thuận Hưng, buộc phải thực hiện dự án xong trong 4 năm (tới ngày 4/12/2019).

Nhưng quyết định trên lại có một điều khoản “chết khựng” doanh nghiệp, khi tại mục 11 về điều tiết quỹ nhà ở xã hội, UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014. 

Công ty Thuận Hưng vẫn đang mòn mỏi chờ UBND TP.HCM và các ban, ngành thành phố xem xét sớm thực hiện thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích gần 2,3 ha để Công ty có cơ sở thực hiện các thủ tục về thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để triển khai thi công và đưa dự án vào hoạt động.    

Công ty Thuận Hưng lại phải đôn đáo đi xin không phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, bởi dự án này đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2003, trước khi có quy định về việc phải xây nhà ở xã hội.

Hàng loạt sở, ngành TP.HCM lại phải theo quy trình “có ý kiến” về đề nghị trên của Công ty Thuận Hưng.

Ban Quản lý khu Nam, Sở Xây dựng sau khi nghiên cứu đã đồng tình với kiến nghị của Công ty Thuận Hưng, kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho chủ đầu tư không phải dành 20% diện tích đất để xây nhà ở xã hội. Lý do, ngoài việc dự án được Chính phủ phê duyệt năm 2003 khi chưa có quy định liên quan thì chủ đầu tư không có lỗi trong việc triển khai chậm dự án (do chính quyền thực hiện bồi thường giải tỏa chậm tới 8 năm). Mặt khác, theo quyết định của Ban Quản lý khu Nam về phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Thuận Hưng, không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Từ thống nhất và tham mưu của Sở Xây dựng, UBND TP.HCM mới đề xuất và tới tháng 3/2017, Bộ Xây dựng có công văn trả lời để rồi tháng 7 cùng năm, UBND TP.HCM mới có văn bản chấp thuận về không bố trí 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội của dự án.

Sổ đỏ: chưa biết đến bao giờ

Số phận long đong của Công ty Thuận Hưng vẫn chưa dừng lại, dù 19 năm mới nhận được đầy đủ diện tích đất hoán đổi.

Bởi đất chính quyền giao Công ty Thuận Hưng năm 2013 mới là trên thực địa. Cái quan trọng nhất là sổ đỏ chủ quyền để hoàn tất thủ tục triển khai dự án thì tới tận giờ này, sau 25 năm kể từ lần đầu đồng ý hoán đổi, Công ty Thuận Hưng vẫn… đi đòi.

Cụ thể, tại Quyết định số 6435/QĐ-UBND năm 2015 của UBND TP.HCM về chấp thuận đầu tư dự án thì “Công trình chỉ được phép khởi công xây dựng khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất và đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo Điều 107, Luật Xây dựng số 50/2014”.

Giám đốc Công ty Thuận Hưng, ông Lâm Trúc Nhỏ cho biết, ngay sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, Công ty đã nhiều lần gửi văn bản tới cơ quan chức năng Thành phố xin thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. “Đây là một trong những giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục xin thẩm tra, thẩm định và xin cấp giấy phép xây dựng cho dự án”, ông Nhỏ nói.

Song tới tận giờ này, tức sau 25 năm kể từ ngày doanh nghiệp chấp nhận hoán đổi đất (năm 1994) và quá hạn phải thực hiện xong Khu dân cư Thuận Hưng theo “lệnh” của UBND TP.HCM (hạn tới ngày 4/12/2019), chủ đầu tư vẫn chưa được cấp sổ đỏ dự án.

Điều oái oăm, trước khi hết thời hạn hoàn thành dự án, Công ty Thuận Hưng đã phải lập hồ sơ xin điều chỉnh về thời gian tiến độ thi công, bởi sự chậm trễ của chính cơ quan chức năng TP.HCM.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM lại hướng dẫn Công ty, để có thể thực hiện thủ tục điều chỉnh thì một trong những hồ sơ cần có là quyết định giao đất hoặc sổ đỏ của dự án. Thế nhưng, quyết định giao đất và sổ đỏ thì cơ quan chức năng chưa và không biết đến bao giờ mới cấp cho Công ty Thuận Hưng.

Tình huống dở khóc dở cười “con gà hay quả trứng có trước” trên có thể đẩy chủ đầu tư dự án vào thế bị xử lý theo Luật Đầu tư 2014, tức có thể bị chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục